.
ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XII CỦA ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG

Đoàn kết thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng

.

Từ khi trở thành đảng cầm quyền, trừ trường hợp đặc biệt, cứ 5 năm - một nhiệm kỳ, Đảng Cộng sản Việt Nam đều tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc. Theo định kỳ, Đại hội đại biểu toàn toàn quốc lần thứ XII của Đảng ta đã diễn ra từ ngày 20-1 đến ngày 28-1-2016. Đây là sự kiện chính trị trọng đại nhất của đất nước ta trong năm 2016.

Một trong những phần việc quan trọng mà Đại hội đã bàn thảo và biểu quyết thông qua đó là nội dung các văn kiện, được thể hiện tập trung trong các văn kiện chính như: Báo cáo chính trị; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII.

Chính những nội dung các văn kiện nói trên đã thể hiện trong đó cách nhìn nhận đánh giá “khá đầy đủ, toàn diện và sát hợp tình hình thực tế, dự báo được tình hình và định hướng được mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực trong thời gian tới”, trở thành quyết nghị của Đại hội. Đây không chỉ là quyết tâm chính trị của Đảng, sự định hướng toàn bộ hoạt động của Đảng, Nhà nước, mà còn là ngọn cờ tập hợp và động viên các tầng lớp nhân dân cùng tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Có thể hình dung tổng quát những nội dung đó trong tiêu đề của Báo cáo chính trị, cũng là chủ đề của Đại hội và là tiêu chí hợp thành Mục tiêu tổng quát đến năm 2020 được nêu trong Nghị quyết của Đảng ta, đó là: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”.

Từ nội dung trên, có thể thấy quyết nghị của Đảng ta tại Đại hội XII bao gồm 5 thành tố chính sau:
Thứ nhất, “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh…” - cách thức để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội;

Thứ hai, “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa” - những động lực cơ bản của công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc;

Thứ ba, “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới” - phương châm của công cuộc đổi mới hiện nay;

Thứ tư, “Bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định” - nội dung và điều kiện cho sự phát triển;

Thứ năm, “Phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” - mục tiêu trực tiếp của việc xây dựng nền móng cho sự phát triển của những năm tới.

Nếu so sánh với nội dung của Đại hội XI, nội dung các văn kiện Đại hội XII có những điểm mới đáng lưu ý sau: Bổ sung một thành tố mới, đó là “bảo vệ Tổ quốc” vào nội dung hợp thành trong các văn kiện. Sự bổ sung này là hoàn toàn cần thiết bởi nó phản ánh tính quy luật xây dựng, phát triển đất nước đi liền với bảo vệ Tổ quốc, nó càng đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh “có nhiều nhân tố bất ổn: tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông còn diễn ra gay gắt”.

Theo tinh thần đó, Đảng ta xác định: phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; luôn luôn coi lợi ích quốc gia - dân tộc là tối thượng, “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.

Ngoài ra, nội dung của các thành tố còn lại cũng có điều chỉnh, bổ sung phù hợp với nhận thức mới và hoàn cảnh mới. Trong đó, liên quan đến bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, đã điều chỉnh, bổ sung thêm hai vế nội dung: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”, “xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh”. Cách diễn đạt này phản ánh tính chỉnh thể về nội dung và yêu cầu của công tác xây dựng Đảng. Sự trong sạch, vững mạnh của Đảng là điệu kiện cần và đủ bảo đảm để Đảng tiếp tục “xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” và sự trong sạch, vững mạnh của Đảng không tách rời sự vững mạnh của cả hệ thống chính trị.

Đồng thời, bổ sung thêm thành tố “dân chủ xã hội chủ nghĩa” cùng với “sức mạnh của toàn dân tộc” để tạo nên sức mạnh tổng hợp của thể chế chính trị và của cả quốc gia, dân tộc. Điều này một lần nữa khẳng định, dân chủ không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Tất nhiên, để phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, nội dung nghị quyết lần này đã chỉ rõ: điều quan trọng là tạo lập sự đồng thuận xã hội, mà hạt nhân của nó là “bảo đảm sự hài hòa lợi ích” đồng thời “phát huy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc”.

Đảng xác định phải đẩy mạnh đổi mới - đã thực hiện trong 30 năm qua với phương châm không chỉ “toàn diện” - từ đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức, cơ chế, chính sách… mà phải bảo đảm “đồng bộ”. Trong đó, đặc biệt lưu ý tính đồng bộ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Chính những bài học rút ra trong 30 năm đổi mới và những yêu cầu bức xúc đặt ra trong hội nhập, phát triển không cho phép chủ thể lãnh đạo, quản lý chần chừ, thiếu dũng khí trong cách tân, đổi mới để “tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nhằm khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực của đất nước, tạo động lực mới cho sự phát triển”.

Xuất phát từ thực tế, đến nay “nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại (đã được Đại hội từ khóa VIII đến khóa XI đều xác định) không đạt được”, nội dung Nghị quyết Đại hội lần này cũng đã có điều chỉnh mang tính định hướng.

Theo đó, trong thời gian tới “Phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Và để cụ thể hóa mục tiêu này, Đại hội cũng đã biểu quyết thông qua 5 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, gồm: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,5 đến 7%; thu nhập bình quân đầu người (đến năm 2020) đạt: 3.200 – 3.500 USD; mức bội chi ngân sách còn khoảng 4%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0 - 1,5%/năm; 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh.

Đảng ta kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng bào ở nước ngoài phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội, mở ra thời kỳ phát triển mới, vẻ vang, tốt đẹp của đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

PGS, TS Hồ Tấn Sáng

;
.
.
.
.
.