.

Thực hiện đề án giảm nghèo: Cùng em bước qua nỗi đau

.

Thiếu vòng tay của cha và hơi ấm của mẹ, những đứa trẻ bất hạnh được lớn lên trong vòng tay của những người ông, người bà và sự quan tâm của cộng đồng xã hội.

Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội và nhà tài trợ thăm em Lê Quỳnh C. (bìa phải).
Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội và nhà tài trợ thăm em Lê Quỳnh C. (bìa phải).

Đã lâu rồi, em Lê Quỳnh C. (14 tuổi, ở phường Chính Gián, quận Thanh Khê) ít được gặp cha bởi ông bị bệnh tâm thần và ở nơi khác. Cách đây gần 2 năm, mẹ em cũng ra đi mãi mãi vì căn bệnh ung thư xương, để lại cô con gái cho ông bà chăm sóc. Ông bà thương cháu nhưng sức khỏe yếu và thu nhập không nhiều để lo cho cháu.

Cũng có hoàn cảnh tương tự em C., em Lê Ch. (9 tuổi, ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ và phải ở với ông bà ngoại. Ông ngoại của Ch. năm nay đã 79 tuổi và nằm liệt nhiều năm. Thu nhập chính của 3 người chỉ trông chờ vào mấy trăm ngàn đồng trợ cấp từ địa phương. “Nhà nghèo nhưng cháu ham học lắm nên ông bà cũng ráng cho cháu có cái chữ”, bà Trần Thị Đông, bà ngoại Ch. chia sẻ.

Nhờ sự kết nối của Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng, em C. và Ch. được Ngân hàng liên doanh Việt - Nga hỗ trợ 300.000 đồng/em/tháng. “Số tiền hỗ trợ các em được trích từ Quỹ Công đoàn do người lao động trong đơn vị đóng góp. Chúng tôi muốn chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, giúp các em tiếp tục đến trường”, bà Đặng Thị Thỏa, Phó Giám đốc ngân hàng này nói.

Bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng cho biết, không chỉ kết nối, tìm nguồn hỗ trợ cho trẻ mồ côi có hoàn cảnh bất hạnh ngay tại gia đình của người nhận nuôi (gồm bà con họ hàng hoặc người gần gũi với trẻ), Trung tâm còn hỗ trợ cho gia đình nhận nuôi về cách nuôi trẻ. “Những trẻ mồ côi không chỉ gặp khó khăn về vật chất mà cả về tâm lý, khi các em dễ bị tổn thương, mặc cảm. Bởi vậy, nếu người thân, họ hàng nhận nuôi sau khi cha mẹ các em không thể nuôi được thì phải có những ứng xử phù hợp”, bà Hoa nói.

Chỉ tính trong năm 2015, Trung tâm đã giúp 50 trường hợp trẻ mồ côi, bất hạnh, đồng thời tập huấn cho gia đình đang chăm sóc trẻ về kỹ năng giúp trẻ vượt qua mặc cảm, hòa nhập cuộc sống. Bà Hoa cho biết, “nhận nuôi dưỡng” không phải là cách chăm sóc thay thế mới ở Việt Nam, mà đã được hình thành từ rất lâu dưới hình thức tự phát như: nuôi đỡ đầu, nuôi trẻ và gia đình trả tiền công nuôi dưỡng, nuôi để trẻ giúp việc nhà, nuôi con nuôi không chính thức (không làm thủ tục đăng ký trước pháp luật)… Các hình thức này xuất phát từ nhu cầu và hoàn cảnh thực tế của mỗi trẻ và mỗi gia đình.

Tuy nhiên, vì tự phát nên trẻ em sống trong các môi trường nuôi dưỡng này thiếu sự bảo vệ, bảo hộ của pháp luật, dẫn đến dễ bị lạm dụng, bạo hành. Vì vậy, Trung tâm đã nâng cao nhận thức và năng lực của đội ngũ cán bộ xã hội tại 56 phường, xã và 7 quận, huyện về hoạt động chăm sóc thay thế trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần tìm hình thức chăm sóc thay thế được khảo sát, lập danh sách và quản lý tại cộng đồng để có sự giúp đỡ kịp thời.

Theo bà Hoa, cần nhân rộng mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để làm được điều đó, cần có sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền địa phương, đặc biệt là vai trò của Hội Phụ nữ trong việc huy động các hội viên tham gia (nếu trường hợp trẻ không có gia đình nhận nuôi) để chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.