Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh C.Mác (5-5-1818 - 5-5-2018)

C. Mác – Cha đẻ của Chủ nghĩa xã hội khoa học

.

1.C.Mác được xem là cha đẻ của Chủ nghĩa xã hội khoa học. Học thuyết của ông không chỉ chi phối và tác động sâu sắc phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế, mà còn để lại những ảnh hưởng sâu rộng đối với tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại từ giữa thế kỷ XIX đến nay và có thể cả trong tương lai. Tìm hiểu, đánh giá đầy đủ hơn, đúng đắn hơn những cống hiến của ông cho nhân loại tiến bộ, đồng thời cũng có dịp xem lại những việc chúng ta đã nhận thức, đã hành động như thế nào khi “được đứng trên vai những người khổng lồ” như ông.

Với bản tính thông minh, ham hiểu biết, lại chịu ảnh hưởng lớn của cụ thân sinh và bạn bè của cụ - những người có học vấn uyên bác đương thời, ngay từ thời trung học, C.Mác đã biểu lộ thiên hướng tranh đấu cho hạnh phúc của nhân quần.

Trong lời kết bài luận tốt nghiệp phổ thông trung học “Những ý nghĩ của một thanh niên khi chọn nghề”, chàng thanh niên 17 tuổi đã tiên liệu về cuộc đời và sự nghiệp của bản thân trong tương lai:

“Nếu chúng ta chọn một nghề trong đó ta có thể làm việc được nhiều hơn cho nhân loại, thì ta sẽ không còng lưng dưới gánh nặng của nó, bởi vì đó là sự hy sinh vì mọi người; khi đó ta cảm thấy một niềm vui  không phải là tội nghiệp, thiển cận, ích kỷ, mà hạnh phúc của chúng ta sẽ thuộc về hàng triệu người, những việc làm của chúng ta sẽ thuộc về hàng triệu người, những việc làm của ta sẽ sống một cuộc sống âm thầm, nhưng mãi mãi có hiệu quả, và trên thi hài của chúng ta sẽ nhỏ xuống những giọt nước mắt nóng bỏng của những con người cao quý” (1).

Với nhân cách và thiên hướng đó, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, con người nhiệt huyết ấy đã tiếp tục con đường học vấn để tích lũy những tri thức khoa học (luật, triết học, sử, văn học, mỹ học và cả khoa học tự nhiên - theo gợi ý của cụ thân sinh) với hy vọng nắm bắt, thâu hái được nguồn tri thức cần thiết có thể mở ra một “phạm vi hoạt động rộng lớn nhất vì nhân loại”.

Có sơ sở để khẳng định, hệ thống tri thức mà Mác tích lũy được trong giai đoạn học ở các trường đại học là vô cùng phong phú, cả về phương diện sử học, luật học, văn học, đặc biệt là triết học từ cổ đại đến đương đại - thời đại ông (không chỉ ở Đức mà còn của các nước châu Âu khác).

Đó cũng là thời kỳ vật lộn để học hỏi, trăn trở và quan trọng là để dần hình thành một lập trường nhân sinh - dân chủ cách mạng trong con người nhiệt huyết này.  Lập trường ấy thể hiện khá tập trung và rõ nét ngay trong luận văn tiến sĩ với đề tài “Sự khác nhau giữa triết học tự nhiên của Đêmôcrit và triết học tự nhiên của  Êpiquya” - được ông bảo vệ thành công năm 23 tuổi.

Lúc này ông đang đứng trên quan điểm duy tâm, thuộc phái Hêghen, nhưng khác với Hêghen, Mác đã hiểu được và đánh giá cao Êpiquya - nhà triết học, nhà tư tưởng khai sáng vĩ đại nhất của Hy Lạp cổ đại, người đã phá tan lòng tin vào các thần linh. Trong lời tựa, viết cho bản luận án của mình, Mác đã nêu lên một tuyên ngôn về lập trường triết học nhân sinh cho bản thân: “… Và để đáp lại những tâm hồn hèn nhát đang đắc chí  khi thấy địa vị của triết học trong xã hội hình như đang suy sút, triết học nhắc lại lời của Prômêtê nói với Hécmet, tay sai của các thần:

Người hãy nhớ, không bao giờ ta mặc cả,
Đổi khổ đau lấy số kiếp nô tỳ,
Thân này có bị xiềng vào vách đá
Vẫn còn hơn làm tớ Dớt, có cần chi” (2).

Nhận xét tư tưởng được thể hiện trong bản luận văn này, Êlêna Iliina, tác giả của cuốn sách Tuổi trẻ Các Mác,  đã có lý khi viết rằng: “Tự do!... Đó chính là cái tư tưởng chủ đạo làm thành một cái sườn xuyên suốt qua toàn bộ bản luận văn. Có thể tưởng chừng như bản luận văn đã đưa người ta vào dĩ vãng xa xôi của thế giới cổ đại. Thật ra, tất cả tư tưởng đó vang lên như một tiếng gọi dũng cảm lôi cuốn người ta đi tìm tự do chính trị…” (3).

Tự do nói chung và tự do chính trị nói riêng, vào thời điểm bấy giờ là lời tuyên chiến với các thế lực tăng lữ và quý tộc phong kiến, là một trong những giá trị cốt lõi của trào lưu tư tưởng khai sáng.

Với tài năng, và nhiệt huyết của mình, mặc dù còn rất trẻ, đến đâu Mác cũng trở thành trung tâm của mọi sự chú ý. 
Quyết định không làm chân giáo sư ở trường đại học Bon, ông tham gia tích cực viết bài cho các tờ báo cấp tiến: “Niên giám Đức”, “Nhật báo tỉnh Ranh”. 

Đến nửa đầu tháng 10 năm 1842 Mác trở thành chủ bút của “Nhật báo tỉnh Ranh”.  Với tư cách là ngưòi làm báo, ông đã tích cực đấu tranh chống lại chế độ kiểm duỵêt khắt khe của chính phủ, cổ suý cho sự tự do báo chí, bảo vệ lợi quyền của người dân. 

“Báo chí tự do - theo ông, đó là con mắt sáng suốt của tinh thần nhân dân, là hiện thân sự tin cậy của nhân dân đối với bản thân mình, là những dây liên hệ biết nói, gắn liền các cá nhân với nhà nước và với toàn thế giới... Báo chí tự do là cái thế giới ý tưởng không ngừng trào ra từ thực tế hiện thực và chảy trỏ về hiện thực đầy sinh khí dưới hình thức của cải tinh thần ngày càng dồi dào” (4).

Có thể thấy, thông qua hoạt động báo chí, Mác có điều kiện nhìn nhận rõ hơn tính chất bảo thủ, phản động, phản dân chủ của nhà nước Phổ cũng như những kẻ nhân danh đặc quyền nhà nước để chống lại quyền tối thiểu của tầng lớp nghèo - từ những người nhặt cành khô làm củi trong rừng ở tỉnh Ranh đến những người nông dân trồng nho ở vùng Moden.

Và, cũng chính từ thực tế cuộc đấu tranh bảo vệ tầng lớp bình dân, bảo vệ tự do báo chí ấy, Mác đã công khai tuyên bố những quan điểm dân chủ cách mạng của ông, cũng như nhiệm vụ của báo chí theo khuynh hướng dân chủ:

“Báo chí chẳng qua chỉ là và phải là “biểu hiện” vang dội của những tư tưởng và tình cảm hằng ngày của nhân dân đang suy nghĩ thật sự theo cách của nhân dân… Báo chí sống trong nhân dân và trung thực chia sẻ với nhân dân những niềm hy vọng và những nỗi lo lắng của họ, tình yêu và lòng căm thù của họ, niềm vui và nỗi buồn của họ” (5).

2. Trải nghiệm thực tế cuộc đấu tranh cho dân chủ, dân sinh trên đất nước mình, ra nước ngoài, chính Mác đã nhìn ra“…không ai còn tự lừa dối được nữa về cái hệ thống Phổ và bản chất giản đơn của nó... Tấm áo choàng lộng lẫy của chủ nghĩa tự do đã tụt khỏi vai, và chủ nghĩa chuyên chế kinh tởm nhất đã lộ nguyên hình trước thế giới”(6).

Có lẽ thực tế ấy và công việc trong giai đoạn mới đã dần dần mang đến những chất liệu mới - tất yếu làm chuyển biến cả lập trường triết học đến quan điểm nhân sinh trong hành động của Mác. Mùa Thu năm 1843 đến tháng giêng năm 1844, Mác viết các bài:

“Về vấn đề Do thái” và “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen. Lời nói đầu” cho tờ “Niên giám Đức - Pháp”. Đó là những bài viết đánh dấu bước chuyển dứt khoát của Mác từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật và từ chủ nghĩa dân chủ cách mạng sang chủ nghĩa cộng sản.

Mặc dù xuất phát điểm trong nghiên cứu khoa học của Mác là lĩnh vực triết học, nhưng khi bước vào cuộc đấu tranh cho nhân sinh hằng ngày, Mác đã nhận ra sự cần thiết phải có hiểu biết sâu rộng hơn các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế chính trị.

Trong quá trình đi sâu nghiên cứu chính trị kinh tế học, Mác đã chọn viết hai tác phẩm triết học lớn là “Phê phán chính trị kinh tế học” và “Tư bản”. Trên cơ sở lý luận về giá trị sức lao động và giá trị thặng dư, ông đã vạch rõ quy luật vận động của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, vạch rõ mâu thuẫn cơ bản của CNTB, tức mâu thuẫn không thể điều hòa giữa sản xuất mang tính xã hội với chiếm hữu tư liệu sản xuất mang tính tư nhân, chỉ ra xu thế phát triển của lịch sử là CNTB tất sẽ diệt vong, CNXH tất sẽ thắng lợi.

Có thể nói, việc Mác đi vào nghiên cứu để nắm bắt một cách có hệ thống khoa học kinh tế chính trị thời bấy giờ là một trong những phương thức để có thể hình thành một hệ thống lý luận mác-xít khá hoàn bị sau này. 

Ngẫu nhiên hay một tất yếu khi trong lời tựa của tác phẩm Góp phần phê phán kinh tế chính trị học - như V.I Lênin nhận định: Mác đã nêu ra một công thức hoàn chỉnh về những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật áp dụng vào xã hội loài người và lịch sử loài người. Với quan niệm duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, Mác đã đưa ra hệ luận khoa học để làm sáng tỏ bản chất của quan hệ giai cấp và lôgic tất yếu của những cuộc đấu tranh giai cấp trong lịch sử nhân loại.

Đó là thế giới quan và phương pháp luận của toàn bộ học thuyết Mác nói chung và cũng là công cụ mà Mác và Ăngghen đã sử dụng để tạo nên tính hấp dẫn của những lập luận và sự thuyết phục của các nguyên lý được đề cập trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản.

Trong tác phẩm có tính Tuyên ngôn này, các ông đã  phân tích, mổ xẻ xã hội tư bản thời đaị các ông, chỉ ra một cách khách quan và toàn diện vai trò lịch sử của chủ nghĩa tư bản, cả những thành tựu to lớn trong việc góp phần giải phóng sức sản xuất lẫn những mâu thuẫn nội tại, những tai họa mà nó đã và đang gây ra cho con người, xã hội loài người.

Bằng cách làm đó, các ông đã vạch ra bản chất của chủ nghĩa tư bản, quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, tính giới hạn lịch sử cũng như luận giải những vấn đề đặt ra, những việc phải làm của giai cấp vô sản với tư cách là lực lượng chính trị-xã hội mới có sứ mệnh lịch sử thay thế “trật tự phi trật tự”  bằng một thể liên hợp mới trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người.

Tư tưởng chi phối cuộc đấu tranh cách mạng trong thời đại mới là tư tưởng khoa học về sự giải phóng toàn xã hội, giải phóng nhân loại, giải phóng con người khỏi mọi sự tha hóa; và, sứ mệnh đó được đặt lên vai giai cấp vô sản.

PGS, TS Hồ Tấn Sáng


(1) Elêna.Inlina.. Tuổi trẻ Các Mác. Nxb Thanh niên.HN.1978. Tr110.
(2) Ntr, tr 331
(3)  Sđd tr 328 .
(4) C. Mác và Ănghen. Toàn tập, tập 1, Nxb chính trị quốc gia, ST, Hà Nội 1995, tr 99-100.
(5) Ntr, tr 273.
(6)  Ntr, tr 509- Thư gửi R* - tức Ru-gơ.

;
.
.
.
.
.
.