Bộ Công an sẽ xử lý nghiêm túc sai phạm

.

Ngày 13-8, trong khuôn khổ phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên chất vấn. Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Bá Sơn chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.

Bộ trưởng  Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn.Ảnh:chinhphu.vn
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn. Ảnh:chinhphu.vn

Tình trạng gian lận thi cử là vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm. ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chất vấn: “Đây là loại tội phạm gì, có mới không, năm trước có không, Bộ Công an có bất ngờ không và làm gì để bảo đảm không xảy ra trong kỳ thi tới?”.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã phối hợp công an địa phương khởi tố 3 vụ án với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”. Đối tượng là người tham gia chấm thi, quản lý bài thi và có vi phạm nên đây là hoạt động lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng đây là những thủ đoạn mới được phát hiện ra trong năm 2018; tuy nhiên cũng thừa nhận hành vi gian lận thi cử không phải là mới mà có thể đã diễn ra từ thời gian trước. Điển hình, khảo sát các trường hợp đỗ đại học điểm cao nhưng khi vào học với yêu cầu cao thì nhiều sinh viên không theo học được.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, để phòng chống những thủ đoạn này, cần tiếp tục có sự phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm quản lý việc ra đề, chấm thi, công bố điểm… sao cho thành khâu khép kín để không thể can thiệp được, nhất là bằng các biện pháp khoa học kỹ thuật hiện đại. Đây cũng là thách thức rất lớn với các cơ quan bảo vệ pháp luật thời gian tới.

Trong quá trình tham gia tổ chức kỳ thi THPT quốc gia ở nhiều khâu, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, lực lượng công an đã có những quy chế để hạn chế vi phạm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm thừa nhận, qua rà soát, có dấu hiệu vi phạm của một số cá nhân trong lực lượng công an, có sự móc nối với những người có trách nhiệm trong việc quản lý đề thi, tổ chức thi, hoặc can thiệp, nhờ người này người kia để tác động.

Quan điểm chung của Bộ Công an là bất kể lực lượng nào, kể cả trong nội bộ, nếu có vi phạm đều phải được xử lý thích đáng.

Về tình hình số vụ trẻ em bị xâm hại gia tăng, theo báo cáo của Bộ Công an, trung bình mỗi năm xảy ra 730 vụ về tội phạm hiếp dâm, trong đó có 430 vụ hiếp dâm trẻ em. Về tội phạm xâm hại trẻ em, trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 721 vụ xâm hại trẻ em (tăng 12,1%) với 853 đối tượng phạm tội, xâm hại 797 em, trong đó chủ yếu là xâm hại tình dục, chiếm 84%. Nạn nhân chủ yếu là cháu gái, chiếm 80%; tội phạm thường là người có mối quan hệ thân quen với nạn nhân.

Về nguyên nhân, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng là do tuyên truyền đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao; việc phối hợp chăm sóc các em chưa chặt chẽ; tiếp nhận và xử lý tố giác tội phạm về xâm hại trẻ em còn hạn chế; tố cáo, trình báo về xâm hại trẻ em còn chậm dẫn đến củng cố chứng cứ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến điều tra xử lý. Trong thực tế, xâm hại tình dục trẻ em là việc nhạy cảm nên nạn nhân và người thân thường giấu kín không tố giác.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, không phải khi lãnh đạo ý kiến mới được xử lý mà tất cả các vụ đều được xem xét xử lý. Nhưng do có sự khó khăn cả về khách quan và chủ quan liên quan tình tiết vụ án nên có sự kéo dài một số vụ án. “Bộ Công an đã chỉ đạo công an địa phương tập trung xử lý các vụ xâm hại trẻ em, đẩy mạnh chuyên đề đấu tranh với loại tội phạm này”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu vấn đề: Nhiều cử tri bức xúc trước việc một số vụ án liên quan tới vi phạm pháp luật của các sĩ quan, tướng lĩnh công an; trong đó, vụ án Phan Văn Anh Vũ (còn gọi Vũ ‘“Nhôm”) là điển hình của việc “cài cắm” nhân sự để từ đó lợi dụng chức vụ, quyền hạn Nhà nước trao cho nhằm phạm tội, trục lợi.

“Sau vụ việc này, Bộ Công an có kiểm tra, rà soát xem còn vụ nào tương tự hay không và có giải pháp nào để tránh lặp lại tình trạng như thế này trong thời gian tới?”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng chất vấn.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ, Bộ Công an đã điều tra, khởi tố 5 vụ án và vừa qua đã đưa ra xét xử vụ thứ nhất liên quan đến tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; đồng thời, xử lý hai tướng và một số người nguyên là lãnh đạo Bộ Công an có vi phạm liên quan.

“Đây là bài học lớn về công tác quản lý cán bộ, quản lý nghiệp vụ, bị lợi dụng hình thành tổ chức bình phong. Chúng tôi đã rà soát, chấn chỉnh và chắc chắn sẽ không còn tình trạng lợi dụng để có hoạt động tội phạm như vậy, cương quyết không để xảy ra vụ việc tương tự”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Về chất vấn của ĐB đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến chung quanh các chính sách dân tộc, miền núi, phát biểu giải trình trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện mục tiêu đề ra về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững và các chương trình dự án khác; ưu tiên bố trí ngân sách, xây dựng và triển khai đề án tập trung cho thôn bản khó khăn ở 35 tỉnh.

Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, trình cấp có thẩm quyền bố trí ngân sách ở mức cao nhất; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội; khai thác lợi thế để phát triển kinh tế lâm nghiệp, cây đặc sản, chăn nuôi, du lịch... Tiếp tục đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo; thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ gạo, tiền; đầu tư phát triển hệ thống y tế; đào tạo nhân lực y tế để chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao chất lượng dân số, gắn với mục tiêu phát triển bền vững...

Phát biểu kết thúc toàn bộ phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định phiên chất vấn hai Bộ trưởng đã hoàn thành theo đúng chương trình đề ra, nghiêm túc, trách nhiệm; đồng thời, yêu cầu các cơ quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn chỉnh dự án luật và báo cáo giám sát theo kết luận; hoàn thành nghị quyết được thông qua để ký ban hành.

QUỐC KHẢI-KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.
.