NỬA NHIỆM KỲ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI LẦN THỨ XXI ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ (2015-2020)

Nhiều kết quả ấn tượng

.

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố, Đà Nẵng đã có những bước phát triển nhanh, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; diện mạo đô thị và uy tín của thành phố được khẳng định, bước đầu định hình và xác lập vai trò, vị thế Đà Nẵng đối với khu vực miền Trung và cả nước.

Một góc đô thị Đà Nẵng hôm nay.  												                         Ảnh: THÀNH LÂN
Một góc đô thị Đà Nẵng hôm nay. Ảnh: THÀNH LÂN

Phát triển hạ tầng đô thị

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Trần Phước Sơn, công tác quản lý đô thị gắn với thực hiện chủ trương xây dựng văn hóa, văn minh đô thị có bước chuyển biến rõ nét.

Thành phố đã tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, gắn với quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2018-2030; chỉ đạo định hướng quy hoạch phát triển đô thị khu vực phía tây thành phố; hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể cảnh quan hai bờ sông Hàn, quảng trường trung tâm thành phố; kiểm tra, rà soát, cho chủ trương liên quan đến công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và chỉ đạo đôn đốc tiến độ triển khai một số công trình, dự án được dư luận quan tâm; rà soát tình hình triển khai các dự án ven biển, nghiên cứu đầu tư một số lối xuống biển, công viên, đường đi bộ và xe đạp dọc bãi biển...

Nhờ đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm cho nên diện mạo của thành phố ngày càng thay đổi. Không gian đô thị được mở rộng về nhiều hướng với việc xây dựng các khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

Hiện nay, thành phố đang đẩy mạnh phát triển vùng đô thị phía tây bắc... Sau nhiều năm xây dựng, thành phố Đà Nẵng đã trở thành một khu đô thị văn minh, hiện đại.

Giai đoạn 2015-2018, thành phố đã đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình lớn, quan trọng, như: Thư viện Khoa học tổng hợp, Cung Văn hóa Thiếu nhi, đường Hoàng Văn Thái nối dài, nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương - Lê Độ, nút giao phía tây cầu Sông Hàn, tuyến đường vành đai phía bắc (đường Nguyễn Tất Thành nối dài), nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng, các công trình phục vụ Năm APEC 2017...; một số dự án Trung ương đầu tư và thành phố cùng phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng như: dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn - Túy Loan), hầm Hải Vân 2...

Ngoài ra còn có một số công trình lớn đang được triển khai như: dự án cảng Liên Chiểu, Khu công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung, Khu liên hợp thể thao Hòa Xuân, đường vành đai phía tây, nhà máy nước Hòa Liên...

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Bà Huỳnh Liên Phương, Phó ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố (IPA), cho hay, ngoài việc tập trung triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, chỉ đạo đã có của Trung ương, địa phương về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, thành phố cũng đang tập trung nghiên cứu xây dựng, cụ thể hóa và triển khai thực hiện các chính sách theo thẩm quyền được giao. Đồng thời, xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch có liên quan để hỗ trợ, tạo điều kiện thiết thực cho doanh nghiệp phát triển, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2018/NĐ-CP (NĐ 04) quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đây được xem là một sự “cởi trói”, giải phóng tiềm năng phát triển của khu vực đặc thù này.

Các nhà đầu tư vào Khu Công nghệ cao sẽ được hưởng một loạt chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, giải phóng mặt bằng, thuế thu  nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tín dụng đầu tư… Hiện trên cả nước chỉ mới có 2 Khu Công nghệ cao (Đà Nẵng và Hòa Lạc - Hà Nội) được hưởng cơ chế này.

Sau gần 10 tháng Nghị định 04 có hiệu lực, việc xúc tiến đầu tư tại Khu Công nghệ cao đã có những bước tiến đáng kể. Theo ông Đoàn Ngọc Hùng Anh, Phó Ban quản lý Khu Công nghệ cao, từ thời điểm thành lập (10-2010) đến trước lúc ban hành Nghị định 04, có 8 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại khu vực này với tổng vốn 187 triệu USD.

Hiện nay, số lượng các dự án đã tăng lên thành 12 (tức tăng 50% trong chưa đầy 10 tháng). Ông Anh cho rằng, việc các dự án lớn đầu tư thành công là một “cú hích” mạnh mẽ, giúp tiếp tục quảng bá môi trường đầu tư của Khu Công nghệ cao thành phố.

Trong khi đó, lĩnh vực công nghiệp CNTT của Đà Nẵng cũng có sự nâng cao vị thế trong cả nước và khu vực, đặc biệt là qua việc Chính phủ công nhận Công viên Phần mềm Đà Nẵng (quận Hải Châu) là Khu CNTT tập trung (12-2017), cho phép các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây được hưởng các ưu đãi (thuế doanh nghiệp, thuế nhập khẩu…) theo Nghị định 154/2003/NĐ-CP của Chính phủ.

Hiện nay, Đà Nẵng đang trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước, đặc biệt là từ Nhật Bản và châu Âu. Nhằm giải quyết nhu cầu mặt bằng kinh doanh, sản xuất, thành phố đang xây dựng Khu CNTT tập trung số 2 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) và khu Công viên phần mềm số 2 (phường Thuận Phước, quận Hải Châu).

Thời gian qua, thành phố tiếp tục rà soát những vướng mắc, khó khăn của các dự án đầu tư đã và đang xúc tiến đến doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ công tác xúc tiến đầu tư: triển khai thủ tục đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Cẩm Lệ, Hòa Nhơn; đánh giá và đề xuất kế hoạch đầu tư hoàn thiện hạ tầng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và các khu công nghiệp hiện hữu; tiếp tục rà soát quỹ đất trong khu công nghiệp để đáp ứng mặt bằng cho doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất, kinh doanh và mở rộng dự án trong thời gian đến…

Cùng với những đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm, công tác đẩy mạnh hỗ trợ phát triển doanh nghiệp được thành phố tập trung chỉ đạo. Theo đó, đến nay, trên địa bàn thành phố có hơn 26.700 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 125.000 tỷ đồng.

Thành phố đã thu hút được 660 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2.876 tỷ USD. Đây là tín hiệu đáng mừng, trong bối cảnh kinh tế còn không ít khó khăn.

Du lịch là ngành có sự tăng trưởng vượt bậc trong 3 năm qua. TRONG ẢNH: Du khách tham quan Đà Nẵng bằng xích lô.  		                 Ảnh: THU HÀ
Du lịch là ngành có sự tăng trưởng vượt bậc trong 3 năm qua. TRONG ẢNH: Du khách tham quan Đà Nẵng bằng xích lô. Ảnh: THU HÀ

Du lịch - dịch vụ phát triển vượt bậc

Đà Nẵng xác định ba đột phá về phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, trong đó có phát triển các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại. Theo Sở Công thương thành phố, các lĩnh vực dịch vụ phát triển mạnh về quy mô và đa dạng về loại hình, giai đoạn 2015-2018 ước đạt 6,9%/năm và giá trị sản xuất đạt 166.727 tỷ đồng, tăng 9,9%/năm (NQ: 9,5 - 10,5%/năm).

Dịch vụ thương mại phát triển nhanh, dần định hình được vị trí, vai trò trung tâm mua sắm, phân phối, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ khu vực miền Trung. Hạ tầng thương mại đáp ứng yêu cầu phát triển, hệ thống các chợ, siêu thị và trung tâm thương mại được đầu tư theo hướng văn minh, hiện đại.

Các ngành dịch vụ chất lượng cao, có lợi thế cạnh tranh, nhất là thông tin và truyền thông, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế được tập trung đầu tư phát triển, từng bước tạo lập vai trò trung tâm của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.   

Trong gần 3 năm qua, dịch vụ, du lịch phát triển vượt bậc và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và quan trọng, bước đầu đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch lớn của khu vực và cả nước, có khả năng cạnh tranh quốc tế và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Thương hiệu du lịch Đà Nẵng đã được định vị bằng điểm đến an toàn, thân thiện, sản phẩm và dịch vụ đa dạng, đẳng cấp. Giai đoạn 2015-2018, tổng lượng khách du lịch đến thành phố ước đạt 19,65 triệu lượt, tăng 16,8%/năm.

Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2018, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng đạt 6.519.264 lượt, tăng 27,7% so với cùng kỳ 2017; trong đó khách quốc tế ước đạt 2.405.621 lượt, tăng 40% so với cùng kỳ 2017, khách nội địa ước đạt 4.113.643 lượt, tăng 21,5% so với cùng kỳ 2017. Tổng thu du lịch ước đạt 22.571,64 tỷ đồng, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Một trong những điều dễ nhận thấy nhất của du lịch Đà Nẵng đó là sự thay đổi của cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông cầu cảng, sân bay, nhà ga đều được nâng cấp, cải thiện... Diện mạo thành phố thay đổi từng ngày với hàng loạt những thương hiệu lớn mang tầm quốc tế đầu tư, có mặt tại Đà Nẵng như Intercontinental; Hyatt; Seraton; Hilton; Crown; Vinpearl; Pullman; Mariott...

Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, ông Ngô Quang Vinh cho hay, trong những năm qua, ngành du lịch được sự quan tâm đầu tư, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, HĐND và UBND thành phố, Bộ VH-TT&DL; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự ủng hộ, đồng thuận của người dân và sự nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp.

Nhờ đó, hoạt động du lịch thành phố đã có nhiều khởi sắc, thương hiệu du lịch Đà Nẵng từng bước được khẳng định, đưa du lịch Đà Nẵng có những nước phát triển khá nhanh, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của thành phố, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đã tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện và nâng cao chất lượng sống cho người dân thành phố...

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Lâm An, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Cáp treo Bà Nà cho rằng, thế mạnh của Đà Nẵng là du lịch nhưng để hút khách và phát triển hơn nữa rất cần sự đồng hành của chính quyền trong bảo đảm an ninh trật tự, môi trường du lịch an toàn cho du khách.

Thành phố cũng cần có thêm các sản phẩm du lịch cụ thể, có tính chuyên nghiệp, đa dạng cao và sự kết nối giữa các doanh nghiệp để có những sản phẩm hoàn chỉnh, hỗ trợ nhau phát triển, có như vậy mới thu hút được khách đến lâu dài.

Đồng quan điểm, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng cũng cho rằng thời gian qua, thành phố đã có nhiều giải pháp quyết liệt để hạn chế mặt tiêu cực của tour du lịch giá rẻ, thiếu nhân lực chuyên nghiệp, thiếu điểm vui chơi giải trí quy mô lớn.

Đứng từ góc độ Hội Lữ hành thì thành phố nên quan tâm hơn đến công tác truyền thông, đặc biệt là nhanh chóng ứng dụng các giải pháp công nghệ của cách mạng 4.0 để có thể phát triển bền vững ngành du lịch.

THÀNH LÂN - KHANG NINH - THU  HÀ

;
.
.
.
.
.
.
.