.
Loạn "thần y"

Bài cuối: Quản lý thế nào?

.

Không bằng cấp, không học hành, không được cấp phép, chỉ biết dăm ba bài thuốc, vậy mà nhiều “thần y” vẫn chữa bệnh.

Các “thần y” tại chợ trên địa bàn Đà Nẵng vừa chữa bệnh vừa bốc thuốc mà chưa được kiểm tra, xử lý.
Các “thần y” tại chợ trên địa bàn Đà Nẵng vừa chữa bệnh vừa bốc thuốc mà chưa được kiểm tra, xử lý.

Trở thành “thần y”: Dễ ợt!

Chưa bao giờ việc bốc thuốc, kê đơn, khám chữa bệnh bằng đông y lại bị lạm dụng như hiện nay. Chỉ cần biết vài bài thuốc đông y (có thể tham khảo trên mạng Internet hoặc sách báo), ra chợ mua những thành phần trong đơn rồi mang về bán, rồi thêm một chút nghệ thuật quảng cáo, marketing là có thể trở thành “thần y” thu hút bệnh nhân đến khám đông. “Có những người trưng những tấm bằng, chứng chỉ của các phòng khám tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội mà chưa qua trường lớp đào tạo nào lại đề nghị chúng tôi cấp phép hoạt động. Thậm chí, có những đơn vị còn lấy danh nghĩa khám chữa bệnh đông y từ thiện, trong khi người khám chẳng có bằng cấp”, ông Nguyễn Minh Sơn - Trưởng phòng Quản lý hành nghề tư nhân thuộc Sở Y tế cho biết. Ông Sơn nói thêm, Sở Y tế Đà Nẵng vừa kiên quyết lắc đầu với “thần y” V.H.Y từng hành nghề nhiều nơi khi ông này xin tổ chức khám chữa bệnh tại Đà Nẵng.

Theo lương y Trần Hữu Nam (77 tuổi), Phó Chủ tịch Hội đông y thành phố và có 60 năm kinh nghiệm bốc thuốc chữa bệnh, để được cấp chứng chỉ hành nghề khi đã đủ điều kiện, thầy thuốc phải làm hồ sơ môn bài khoảng 4-5 triệu đồng và nhiều thủ tục khác, trong khi những người mạo danh lương y không phải mất chi phí gì khi hành nghề trục lợi. “Những thầy thuốc “dỏm” như những con sâu làm rầu nồi canh, ảnh hưởng đến uy tín của những người làm nghề chân chính, ảnh hưởng đến chủ trương phát triển nền đông y và Hội đông y của nước ta hiện nay. Người dân rất dễ tin những đồn đoán nên trở thành miếng mồi béo bở cho những thầy thuốc này trục lợi”, ông Nam cho biết.

Quản có khó?

Dù đã phát hiện và xử phạt, thậm chí đình chỉ hành nghề nhưng các cơ sở đông y “dỏm” vẫn hoạt động bình thường. Vậy vai trò của các cơ quan quản lý ở đâu? Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Lai Dũng - Chánh Thanh tra Sở Y tế Đà Nẵng cho biết: “Trên địa bàn thành phố hiện chỉ có 263 lương y, 33 lương dược. Số người hoạt động chui hiện vẫn còn nhiều và chưa có thống kê cụ thể. Nếu cơ sở bị đình chỉ mà vẫn hoạt động thì chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành cưỡng chế, nhưng sau đó giao lại cho địa phương quản lý”. Như vậy, việc siết chặt quản lý tại từng địa phương là rất quan trọng.

Ông Dũng cũng thừa nhận nhiều cơ sở hoạt động lén lút nên việc phát hiện là rất khó bởi khi đoàn kiểm tra đến thì họ nói đã ngừng hoạt động. Việc người bệnh vẫn tin mù quáng vào các “thần y” dỏm tạo điều kiện cho các cơ sở dù đã bị đình chỉ nhưng vẫn hoạt động lén lút, gây hậu quả xấu. Thực tế hiện nay, người bệnh sau khi khám chữa bệnh ở các cơ sở đông y “chui” nếu thấy bất thường thì ngừng thuốc, hoặc tự đến bệnh viện hay các cơ sở y tế tư nhân “chữa cháy” chứ rất ít khi phản ánh với các cơ quan chức năng. Điều này cũng gây khó khăn không ít cho ngành y tế khi kiểm tra, xử lý vì chưa có sự hợp tác từ phía người bệnh.

Hiện nay, việc các “thần y” dỏm mua dược liệu cấu thành thang thuốc rất dễ. “Không ít cơ sở đông y thường dùng thuốc với hoạt chất chống viêm, chữa khớp… gây tác dụng phụ khủng khiếp. Một lô thuốc tây đều giống nhau nhưng với thuốc đông y, chỉ một bao cũng có sự khác nhau, rất dễ pha trộn làm giả” - dược sĩ Ngô Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm Đà Nẵng cho biết. Ông Tuấn nói thêm rằng, để kiểm định một mẫu thuốc đông y đạt chất lượng hay không phải dùng một chuẩn với trị giá khoảng vài trăm USD, rất tốn kém. Vì vậy, các cơ sở kinh doanh thuốc nhỏ không dễ bỏ tiền ra kiểm định. Trong khi đó, bằng mắt thường, các thầy thuốc đông y dễ nhầm lẫn đâu là thuốc loại 1, 2, 3… hay thuốc giả.

Cũng theo ông Tuấn, 80% dược liệu hiện nay được nhập từ Trung Quốc. Tại Đà Nẵng, vườn thuốc nam tuy đã phát triển số lượng nhưng chưa bảo đảm chất lượng, chủ yếu chỉ để giới thiệu cây thuốc, vị thuốc chữa bệnh thông thường. Thực tế, nguồn thuốc đông dược ở Đà Nẵng chủ yếu trôi nổi trên thị trường, chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm về vấn đề kiểm định chất lượng thuốc như hệ thống tây y. Các đơn vị sử dụng thuốc ký hợp đồng với nhà thuốc và nhập nguyên liệu nên việc xác định nguồn gốc dược liệu sạch hay không rất khó khẳng định, chỉ dựa vào cảm quan là chính.

K.N - H.H

;
.
.
.
.
.