.

Tự tạo cơ hội cho mình

Những năm trước, tầm khoảng tháng 9, tháng 10, các tàu biển đã đưa khách nườm nượp cập cảng Đà Nẵng thì năm nay, đầu tháng 11 mới có 2 chuyến với 1.850 khách cập cảng và tham quan Đà Nẵng trong vòng một ngày.

Còn nhớ, mùa tàu biển năm 2013-2014, Đà Nẵng đón 90 chuyến tàu cập cảng Tiên Sa với gần 100.000 lượt khách, thậm chí có đơn vị lữ hành một tháng đón tới hơn 20 chuyến tàu biển. Nhưng từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đầu tháng 5-2014 thì lượng khách du lịch bằng đường biển bắt đầu sụt giảm và sụt giảm sâu tới 70% (so với cùng kỳ năm trước) do thị trường truyền thống của khách tàu biển chủ yếu từ Trung Quốc.

Đến năm nay, tình trạng này vẫn chưa cải thiện đáng kể. Thông thường, đến thời điểm này, kế hoạch đăng ký đón tàu du lịch biển của các hãng lữ hành đã dày đặc, nhưng năm nay lịch trình cập cảng các tàu của các đơn vị khai thác gửi về Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố còn rất thưa thớt. Số lượng tàu cập cảng cũng khá ít. Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2015, thành phố cũng chỉ đón 20 chuyến tàu biển với 16.214 lượt khách.

Ngay sau sự kiện tháng 5-2014, đã có nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra để khắc phục tình trạng sụt giảm khách du lịch tàu biển quá sâu, trong đó có giải pháp hướng đến những thị trường khách tiềm năng khác, nhưng đến nay tình hình vẫn chưa thấy khả quan. Bài học về sự phụ thuộc vào một thị trường đã rõ, nhưng việc triển khai quảng bá, xúc tiến du lịch, hướng đến thị trường châu Âu, Mỹ… vẫn còn chậm và chưa bài bản. Thương hiệu du lịch Đà Nẵng dần được các trang mạng về du lịch, lữ hành quốc tế đánh giá tốt, nhưng việc khai thác vẫn chưa hiệu quả…

Bên cạnh đó, một yếu tố cần nhắc đến, là ngay tại “bản địa”, việc khắc phục một số yếu kém vẫn chưa chuyển biến đáng kể. Dù thành phố rất quyết liệt trong việc xử lý tình trạng đeo bám, chèo kéo du khách nhưng mỗi khi có khách tàu biển quốc tế, tại các điểm đỗ xe du lịch, ranh giới giữa mời chào khách và chèo kéo khách sử dụng dịch vụ khá mong manh, khiến nhiều khách tàu biển lần đầu tiên đến Đà Nẵng thấy sợ, chưa kể đến những hành vi chưa đẹp trong văn hóa ứng xử, mua bán như tăng giá dịch vụ bất hợp lý…

Sắp tới, Đà Nẵng có nhiều sự kiện lớn như Đại hội Thể thao biển châu Á 2016 (ABG 5), Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017…, sẽ có rất nhiều bạn bè từ các quốc gia trên thế giới đến tham dự. Cơ hội mở ra nhiều nhưng thách thức cũng không ít. Nếu như trước đây, du khách đến Đà Nẵng vì tò mò thì nay, trước hàng loạt những bình chọn đánh giá của các trang mạng uy tín, du khách có thêm lý do để lựa chọn điểm đến Đà Nẵng. Nhưng chỉ cần một hành vi chưa đẹp, một điều tiếng không hay thì “tai tiếng” của Đà Nẵng sẽ nhanh chóng lan đi khắp năm châu.

Chúng ta không có truyền thống làm du lịch thì hãy học cách làm du lịch, từ những việc nhỏ nhất như giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi, không “chặt chém” du khách... Mỗi người dân thành phố hãy là một đại sứ du lịch, một nụ cười thân thiện hay một hành động chân thành… cũng góp phần cho du khách ấm lòng và có thiện cảm, bởi du khách sẽ cảm nhận được sự thân thiện, an toàn và văn minh của điểm đến.

Có sự kết hợp cả trong lẫn ngoài như vậy, mới mong những mùa tàu biển quốc tế sau sẽ sôi động trở lại; góp phần tích cực vào việc thực hiện hướng đột phá đưa dịch vụ du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

CAO MINH

;
.
.
.
.
.