.

Xử lý khủng hoảng

.

Chỉ sau kỳ nghỉ lễ 2-3 ngày, đã nghe 3 tiếng thở phào nhẹ nhõm. Đó là của ngư dân, của tiểu thương và của các bà nội trợ lâu nay “thèm khát” món hải sản; khi mà hải sản từ tàu đánh bắt xa bờ vào bến đã đến với bàn ăn của đông đảo người dân thành phố, chứ không còn thấp thỏm ngoài khơi xa nữa.

Đó chính là kết quả của những ngày “không nghỉ lễ” của lãnh đạo thành phố cũng như các sở, ngành, địa phương liên quan trong nỗ lực giải quyết kịp thời thông tin “cá chết dọc biển các tỉnh bắc miền Trung” lan đến Đà Nẵng. Không chỉ là các giải pháp quyết liệt và nhanh chóng như lãnh đạo thành phố trực tiếp trao đổi, tháo gỡ vướng mắc với ngư dân, tiểu thương về bảo đảm chất lượng hải sản để tiêu thụ cũng như xét nghiệm, công bố chất lượng nước ven bờ biển Đà Nẵng…, mà lãnh đạo đã nêu gương một cách cụ thể bằng các hành động như ăn hải sản ngay tại cảng cá và tiệc hải sản trong khuôn khổ mùa du lịch biển và… đi tắm biển.

Mặc dù đó là việc thường làm, nhưng trong thời điểm nước sôi lửa bỏng, người dân trông chờ vào động thái cụ thể của lãnh đạo chính quyền khẳng định rằng nước biển an toàn, hải sản do ngư dân đánh bắt ngoài khơi, đưa về từ tàu đánh bắt xa bờ… bảo đảm an toàn.

Đồng thời, việc bảo đảm an toàn đó được xử lý và công bố một cách có hệ thống, như lấy mẫu nước xét nghiệm, bảo đảm nguồn gốc hải sản và chỉ định các điểm bán hải sản sạch. Từ sự hoang mang, lo lắng, sau những động thái đó, người dân an tâm sử dụng hải sản; từ đó đem lại 3 tiếng thở phào nhẹ nhõm như trên đã nói.

Không dừng lại ở đó, tiếp những ngày sau, chính quyền thành phố tổ chức đối thoại trực tuyến, triệu tập các cuộc họp liên quan vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm để triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm sạch - chứ không chỉ dừng lại ở hải sản, cho người tiêu dùng an tâm. Dĩ nhiên, các giải pháp thì vừa có cái cấp bách, vừa mang tính lâu dài, nhưng nhìn vào quyết tâm đó của chính quyền, người dân cũng nhẹ nhõm hơn bởi cũng có người cùng lo cái ăn với mình.

Cũng từ chuyện cá chết, có thể nhìn nhận rằng, dường như việc phản ứng trước tình hình ở một bộ phận cán bộ, công chức của các địa phương và ngành chức năng vẫn chưa nhạy bén thực sự, nhất là trong đánh giá tính chất của vụ việc. Cá chết, một số người chỉ nghĩ đến ô nhiễm môi trường “trong giới hạn”, hoặc cùng lắm chỉ ảnh hưởng kinh tế của các hộ nuôi trồng, đánh bắt… mà không đánh giá đúng thiệt hại và ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ về kinh tế mà cả chính trị, trật tự xã hội và nhất là niềm tin của nhân dân vào hệ thống chính trị.

Có cảm giác như thói quen xử lý vụ việc hành chính vẫn còn “bám rễ” vào một bộ phận cán bộ, công chức Nhà nước nên phán đoán, giải quyết tình huống chậm chạp! Có thể thấy điều đó qua trả lời báo chí của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 tổ chức chiều 5-5:  “Chúng ta công nhận có sự lúng túng vì đây là sự việc lần đầu xảy ra trên đất nước ta, các cơ quan, Bộ, ngành chưa có kinh nghiệm xử lý việc này. Thủ tướng Chính phủ cho biết thông tin báo cáo từ các địa phương lên Chính phủ, Thủ tướng còn chậm, thụ động”.

Trước những diễn biến bất thường trong đời sống, người dân luôn chờ vào động thái cụ thể và kịp thời nhằm xử lý khủng hoảng của hệ thống chính trị - nhất là từ cấp cơ sở. Đó mới chính là biểu hiện tích cực của phương châm gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân! Có như vậy, dân mới tin và làm theo hệ thống chính trị, chứ không phải hoang mang trước những tin đồn xuyên tạc, bịa đặt – mà vụ cá chết vừa qua là ví dụ cụ thể và sinh động nhất.

Anh Quân

;
.
.
.
.
.