.

Dân không biết thì bày họ làm

.

41 thanh niên ở khu chung cư (KCC) Hòa Phú 4, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu đến tuổi trưởng thành không có hộ khẩu, không chứng minh nhân dân (CMND). Chuyện tưởng nhỏ trong vô vàn câu chuyện cuộc sống thường ngày, nghe quen mà thật lạ. Không lạ sao được. Họ chính là những “công dân lậu” vô tình bị tước mất quyền công dân. Phải chăng lỗi tại họ?

Tại cuộc làm việc mới đây của Ban Pháp chế HĐND thành phố với UBND phường Hòa Minh và Công ty Quản lý nhà chung cư (QLNCC), phát hiện ra rằng 132 hộ dân dù đã cư trú ở đây nhiều năm nhưng không có hộ khẩu dẫn đến không được làm CMND theo quy định pháp luật. Nguyên nhân xác định ban đầu là do họ không có giấy tờ chứng minh chỗ ở của mình là hợp pháp, tức không có hợp đồng thuê căn hộ chung cư. Những người dân ở đây mua lại căn hộ chung cư bằng hình thức sang nhượng với cam kết bằng giấy viết tay của người bán không được pháp luật thừa nhận.

Vì “mua lậu” căn hộ nên họ trở thành “công dân lậu”. Lẽ đương nhiên “công dân lậu” không được pháp luật thừa nhận, bị hạn chế một số quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa-xã hội được hiến định tại Hiến pháp. Ví dụ dễ hiểu là tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vừa qua, những thanh niên từ đủ 18 tuổi không có hộ khẩu và CMND ở KCC này không có tên trong danh sách cử tri, tức họ không có quyền ứng cử và bầu cử. Tại nhà chung cư M có một thanh niên bị từ chối khi xin vào làm công nhân trong Khu công nghiệp Hòa Khánh vì lý do không có giấy tờ tùy thân, không chứng minh được mình là “công dân”.

Nếu quy lỗi những người này bị coi là công dân “lậu” vì họ mua căn hộ trái phép và không chịu ký hợp đồng thuê nhà với Công ty QLNCC thì quá hời hợt. Lỗi trước hết là do công tác quản lý Nhà nước bị buông lỏng một thời gian dài hàng chục năm (từ năm 2001). Dưới góc độ quản lý xã hội, chúng ta có một hệ thống chính trị ở cơ sở với nhiều tổ chức chặt chẽ đến nỗi “con ruồi bay không lọt”. Thế nhưng, tại sao vẫn lọt những “công dân lậu” này? Câu trả lời xin dành cho tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội ở cấp cơ sở nơi thực thi chủ trương, chính sách, pháp luật.

Hiến pháp 2013 quy định: Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp (Điều 22), công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc (Điều 35), công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34)… Tinh thần của Hiến pháp 2013 là công dân và mọi người được hưởng các quyền con người một cách mặc nhiên. Nhà nước có nghĩa vụ công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật.

Như vậy trách nhiệm hợp pháp hóa quyền công dân cho những “công dân lậu” ở KCC Hòa Phú 4 và có thể còn ở những KCC khác nữa thuộc về chính quyền cơ sở và Công ty QLNCC. Dân họ không biết thì chính quyền phải chủ động làm, tạo điều kiện và chủ động “cầm tay chỉ việc” cho người dân hoàn thành những thủ tục cần thiết để được bảo đảm các quyền công dân tại Hiến pháp 2013.

SƠN TRUNG

;
.
.
.
.
.