.

Thiếu nước sinh hoạt: Chờ trời mưa!

.

Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 4 đã trả nước về sông Vu Gia với lưu lượng 20m3/s trong 1 tuần, nhưng lượng nước xả về được ghi lại để tính… thiệt hại. Trong khi đó, sông Cầu Đỏ vẫn bị nhiễm mặn rất nặng, còn người dân nhiều khu vực trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn bức xúc vì thiếu nước sinh hoạt.

Tất cả đập thuộc hệ thống đập dâng An Trạch đều đóng kín cửa xả để giữ nước phục vụ cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Tất cả đập thuộc hệ thống đập dâng An Trạch đều đóng kín cửa xả để giữ nước phục vụ cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Theo đề nghị của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Đăk Mi 4 đã trả nước về sông Vu Gia với lưu lượng 20m3/s trong 1 tuần, nhưng lượng nước xả về được ghi lại để tính… thiệt hại. Trong khi đó, sông Cầu Đỏ vẫn bị nhiễm mặn rất nặng, còn người dân nhiều khu vực trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn bức xúc vì thiếu nước sinh hoạt.

Đăk Mi 4 “ghi sổ” để tính thiệt hại

Từ đêm 13, rạng sáng 14-8, nước từ NMTĐ Đăk Mi 4 qua cống xả sâu với lưu lượng 20m3/s chảy về sông Vu Gia bắt đầu về đến đập dâng An Trạch. Thời gian này, NMTĐ A Vương cũng đang xả nước phát điện về với lưu lượng 64m3/s làm mực nước tại đập dâng An Trạch dâng lên mức 2,2m và tràn qua ngưỡng tràn chảy về sông Cầu Đỏ. Độ mặn trên sông Cầu Đỏ giảm xuống với độ mặn cao nhất đo được lúc 1 giờ 30 ngày 14-8 là 8.556mg/l, thấp hơn độ mặn cao nhất đo được vào ngày 13-8 là 11.727mg/l. Tuy nhiên, do Trạm bơm phòng mặn An Trạch và các trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp đặt trên các sông thuộc hệ thống đập dâng An Trạch cũng nhân cơ hội này bơm nước đồng loạt nên không có nhiều nước về đẩy mặn, sông Cầu Đỏ vẫn bị nhiễm mặn từ 4.500-7.000mg/l trong sáng và chiều 14-8.

Ông Đỗ Xuân Yến, Trưởng ban quản lý dự án (BQLDA) NMTĐ Đăk Mi 4 cho hay: “Chúng tôi đã vận hành cống xả sâu nước về sông Vu Gia với lưu lượng 20m3/s đến hết ngày 20-8 sau khi nhận được văn bản đề nghị của tỉnh Quảng Nam. Sau ngày 20-8, chúng tôi tính toán tiếp. Chúng tôi cũng đã gửi văn bản thông báo việc này cho Sở NN&PTNT và UBND thành phố Đà Nẵng”.

Ông Yến cho rằng, do tỉnh Quảng Nam ký cho phép NMTĐ Sông Bung 4 tích nước từ ngày 1-8 nên mới xảy ra tình trạng thiếu nước như thế trên sông Vu Gia. Vừa qua, có đơn vị gọi điện thoại đề nghị vận hành cống xả sâu trên thân đập cho nước về sông Vu Gia nhưng bị từ chối vì tại cuộc họp với Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã thống nhất rồi, khi nào có yêu cầu về nước thì họp bàn thống nhất với nhau hoặc gửi văn bản. Sau đó, NMTĐ Đăk Mi điều tiết nước về. Quy chế phối hợp thực hiện do Tổng cục Thủy lợi chủ trì đã thống nhất như vậy. Trong thời gian chờ đợi ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa các NMTĐ trong mùa cạn, thực hiện như quy chế phối hợp đã thống nhất. Ông Yến cũng khẳng định sẽ trả nước liên tục 24/24 giờ từ nay đến hết ngày 20-8. “Tính ra mỗi giờ chúng tôi xả (không phát điện) 72.000m3 nước, một ngày đêm là 1,728 triệu m3 nước. Chúng tôi xả liên tục 24/24 giờ trong 7 ngày bởi sau này còn để… ký xác nhận thời gian xả, làm cơ sở tính thiệt hại (!?)”, ông Yến nói.

Nước chảy yếu trong nhiều ngày, người dân nhiều khu vực trên địa bàn thành phố phải trữ nước vào bể để sử dụng.Ảnh: KHÁNH HÀ
Nước chảy yếu trong nhiều ngày, người dân nhiều khu vực trên địa bàn thành phố phải trữ nước vào bể để sử dụng.

Khó bổ sung nước về đập An Trạch

Ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) cho hay: “Hiện có hơn 100ha lúa ở xã Điện An, Điện Thọ và Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn bị hạn nặng. Sau khi có nguồn nước bổ sung từ các NMTĐ, chúng tôi đang tích cực bơm để cứu lúa đang thời kỳ trổ bông. Tuy nhiên, do nguồn nước thượng nguồn suy kiệt, mực nước không bảo đảm nên chúng tôi phải đóng kín tất cả cửa xả của các đập dâng thuộc hệ hống đập dâng An Trạch”.

Trong khi đó, theo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng, hiện tất cả diện tích sản xuất nông nghiệp đã và đang được bổ sung đầy đủ, không có diện tích bị hạn hán. Tuy nhiên, vẫn phải đóng kín các cửa xả của đập dâng An Trạch để giữ nước và theo đúng quy trình vận hành. Hiện mực nước tại hồ chứa Đồng Nghệ chỉ đang ở mức 23,7m với hơn 1 triệu m3 nước, nên khó có khả năng bổ sung nước về đập dâng An Trạch khi bị suy kiệt nguồn nước từ thượng nguồn.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố cho hay: “Dù NMTĐ Đăk Mi 4 đã trả nước về sông Vu Gia với lưu lượng 20m3/s nhưng việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ vẫn khó khăn, phải chờ trời mưa mới giải quyết được. Nếu trời không mưa thì sẽ thiếu nước nặng”. Theo ông Thắng, để bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt và đẩy mặn cho hạ du thì cao trình mực nước trên sông Vu Gia tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa phải ở trên mức 2,8m và lưu lượng dòng chảy ở đây phải đạt 80m3/s.

Theo thống kê của chúng tôi, trong những ngày qua, có nhiều thời điểm mực nước trên sông Vu Gia tại Trạm Thủy văn Ái Nghĩa xuống dưới mức 2,5m, có lúc xuống mức 2,34m (ngày 11-8). Trong khi đó, lượng nước lớn từ sông Bung đã bị NMTĐ Sông Bung 4 giữ lại, chỉ duy nhất NMTĐ A Vương xả nước phát điện về sông Vu Gia với lưu lượng trung bình hằng ngày chỉ từ 8,2 - 51,7m3/s. Nước từ thượng nguồn suy kiệt do các NMTĐ chặn dòng tích nước, nhưng xả ít chính là nguyên nhân gây thiếu nước sinh hoạt cho người dân thành phố trong những ngày qua. “NMTĐ Đăk Mi 4 đang xả nước về sông Vu Gia với lưu lượng 20m3/s, NMTĐ A Vương cũng sẽ tập trung xả hết nước trong hồ chứa trong tháng 8 này, nhưng có cái khó là NMTĐ A Vương chỉ xả nước phát điện 8 giờ trong ngày, 16 giờ còn lại không xả nên đang gây khó khăn cho tính toán bảo đảm cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ”, ông Thắng nói.

Tuy mực nước tại thượng lưu đập dâng An Trạch đang ở mức bảo đảm cho Trạm bơm phòng mặn An Trạch hoạt động để đưa nước về cho Nhà máy Nước Cầu Đỏ và Sân bay sản xuất nước sinh hoạt nhưng ngày 14-8, người dân ở nhiều khu vực trên địa bàn thành phố vẫn sử dụng nước yếu. Việc này chỉ được giải quyết dứt điểm khi có đủ nước làm giảm mặn sâu cho sông Cầu Đỏ.

Ngày 14-8, Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) thông báo đến toàn bộ khách hàng dùng nước:

Hiện nay, do không có nguồn nước về từ thượng lưu, sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn kéo dài, Dawaco không thể lấy nước tại Nhà máy Nước Cầu Đỏ mà phải lấy nước phía trước đập An Trạch. Ngay tại An Trạch, mức nước cũng chỉ ở khoảng 1,8 – 2m. Vì thế, lượng nước cấp cho toàn thành phố trong thời gian này bị giảm. Để khắc phục, Dawaco sẽ tạm điều tiết nước cho các quận theo lịch sau:

- Từ 9 - 15 giờ hằng ngày: Dawaco sẽ tăng áp cho quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn; lúc này quận Hải Châu, quận Thanh Khê và một số vùng giáp giới Liên Chiểu-Thanh Khê nước sẽ bị yếu hơn bình thường, có nơi không có nước.

- Thời gian còn lại sẽ tăng cường cho quận Hải Châu và quận Thanh Khê; lúc này quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn nước sẽ yếu, có nơi không có nước.

- Quận Liên Chiểu, quận Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang áp lực nước sẽ giảm hơn bình thường, một số khu vực cao có thể không có nước.

Bài và ảnh: KHÁNH HÀ

;
.
.
.
.
.