.
Hệ lụy từ các dự án ven biển

Kỳ cuối: Sử dụng hiệu quả hơn không gian bờ biển

.

Thời gian qua, thành phố đã có những cơ chế thúc đẩy phát triển du lịch biển, được thể hiện ở việc chỉnh trang, nâng cấp lại bãi biển, đồng thời đưa các đoàn đi nghiên cứu, học tập ở các nước có nền du lịch phát triển như Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore… về đầu tư bãi biển của mình theo một quy hoạch tương đối chuẩn về cảnh quan, từ đó thu hút được các nhà đầu tư lớn.

Sự xuất hiện của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4-5 sao góp phần khẳng định thương hiệu của sản phẩm du lịch. Trong ảnh: Một góc của Olalani Resort & Condotel
Sự xuất hiện của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4-5 sao góp phần khẳng định thương hiệu của sản phẩm du lịch. Trong ảnh: Một góc của Olalani Resort & Condotel

Đa số các dự án đều ở quy mô xây dựng những khu nghỉ dưỡng lớn, chọn được các nhà đầu tư có uy tín, có năng lực quản lý tốt. Từ một dự án 5 sao mang thương hiệu quốc tế là Furama Resort (đưa vào khai thác năm 1997), giờ dọc theo bờ biển Đà Nẵng đã thu hút được hơn chục khu nghỉ dưỡng ven biển đều có thương hiệu, do các tập đoàn hàng đầu thế giới và trong nước đầu tư, quản lý như InterContinental, Hyatt Regency Danang Resort and Spa, Vinpearl Lyxury Danang, Fusion Maia Resort, Premier Village, Pullman Danang Beach Resort, Olalani Resort and Spa… Những thương hiệu lớn làm tăng thêm đẳng cấp, vừa khẳng định chất lượng, vừa nâng tầm điểm đến của biển Đà Nẵng.

Không ai cấp phép bãi tắm cho khu nghỉ mát

Các khu nghỉ dưỡng trên địa bàn quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn đều là những dự án lớn và cao cấp, các khu nghỉ mát chủ yếu phục vụ khách sang và khách nước ngoài đến nghỉ dưỡng. Nhưng cũng những khu nghỉ mát đó đã “sở hữu” các bãi tắm công cộng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng cho rằng, hiện nay các bãi tắm của Đà Nẵng không có bãi tắm nào cấp riêng cho dự án. Quan điểm của Sở là tại các khu nghỉ dưỡng, thành phố nên cho mở lối lên xuống cho người dân nhưng đồng thời cũng phải tuyên truyền, giáo dục cho người dân để họ hiểu và tạo sự thân thiện với du khách.

Trước việc bãi tắm công cộng bị thu hẹp dần, ông Nguyễn Đức Vũ, Phó Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho rằng, về lâu dài, thành phố nên quy hoạch một cách quy củ hơn. Để bãi biển chuyên phục vụ khách du lịch, cần phải có bãi để xe, các khu vực tiện ích đi kèm như mua sắm, giải trí…

Nên quy hoạch lại không gian bờ biển

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố, năm 2014, ngành du lịch thành phố đóng góp gần 16% GDP cho thành phố, trong đó đóng góp từ du lịch biển chiếm tỷ trọng khá lớn. Tuy nhiên, hiện tại du lịch biển Đà Nẵng vẫn còn khá nghèo nàn, chưa có những sản phẩm đặc trưng để thu hút du khách. Bên cạnh đó, các dịch vụ giải trí, mua sắm vẫn còn hạn chế. “Các dự án “treo” nếu thu hồi thì cần chuyển đổi theo hình thức khác là du lịch bổ trợ. Cần điều chỉnh, quy hoạch những khu mua sắm, quán bar, vũ trường, khu thể thao biển để thu hút du khách, tạo điểm nhấn du lịch”, ông Trần Chí Cường cho hay.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng cho rằng, qua khảo sát về cơ sở lưu trú cho thấy chưa có sự đồng đều trong sự phân hạng cơ sở lưu trú, hiện nay các loại khu nghỉ mát hạng sang 4-5 sao tại biển Đà Nẵng có khá nhiều nhưng loại 3 sao lại rất khan hiếm. “Nếu có chủ trương khác (từ các dự án bị thu hồi bên biển) nên bổ sung thêm các resort 3 sao ven biển để phục vụ cho các đối tượng khách tầm trung thì sẽ tốt hơn cho ngành du lịch của thành phố”, ông Hùng hiến kế.

Một kiến trúc sư của Hội Kiến trúc sư thành phố Đà Nẵng (xin giấu tên) chia sẻ: Sự mạnh dạn của lãnh đạo thành phố đã đổi lại được một khu du lịch biển rất đẳng cấp. Tuy nhiên cái phải “hy sinh” chính là mất tầm nhìn đối với biển. Với tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay, trong tương lại nguy cơ mất bờ biển là rất lớn, các điểm du lịch, khu nghỉ mát cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Bài học trước mắt chính là biển Hội An.

Kiến trúc sư này cũng khuyến cáo, nếu có quá nhiều dự án đầu tư ven biển, ngoài việc ảnh hưởng những điều nói trên thì vấn đề môi trường trong tương lai sẽ là một điều khó để kiểm soát. Ông đơn cử, biển Mũi Né (tỉnh Phan Thiết) trước đây cũng “hot” như biển Đà Nẵng bây giờ, nhưng vấn đề môi trường đã phá tan bãi biển. Vì vậy, những dự án thành phố có chủ trương thu hồi nên để vậy trả lại bãi biển, cảnh quan biển và tầm nhìn biển cho người dân… và chuyển hướng đầu tư sang phía tây của con đường “5 sao”.

Ngọc Phú – Thu Hà

;
.
.
.
.
.