.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN: Cơ hội và thách thức

.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực từ ngày 31-12-2015. AEC là sự hội nhập của 10 quốc gia thành viên ASEAN thành một khối sản xuất, thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung của một khu vực có dân số khoảng 630 triệu người, tổng sản lượng (GDP) hằng năm khoảng 2.000 tỷ USD và là nền kinh tế đứng thứ bảy thế giới. AEC mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Đà Nẵng nói riêng trong quá trình hội nhập.

Những sản phẩm phôi thép của Công ty CP Thép Dana Ý đang chờ xuất khẩu.
Những sản phẩm phôi thép của Công ty CP Thép Dana Ý đang chờ xuất khẩu.

Bài 1: Ngành thép phải đổi mới công nghệ

Hiện nay, các sản phẩm thép Việt Nam được xuất khẩu sang 26 quốc gia trên thế giới như Brazil, Hoa Kỳ và các nước ASEAN... Trong đó, ASEAN là một trong các thị trường xuất khẩu quan trọng nhất, chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thép.

Năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,34 triệu tấn thép, trị giá 1,44 tỷ USD, trong đó, khu vực ASEAN chiếm trên 70% với các sản phẩm chủ yếu như: Thép tấm đen 265 ngàn  tấn, thép xây dựng 277 ngàn tấn, tấm lợp 390 ngàn tấn, các loại thép khác 415 ngàn tấn.

Tuy nhiên, thép của Việt Nam bị các thị trường trên đánh giá chất lượng thấp và giá cao nên không thể cạnh tranh với thép nhập khẩu từ các nước khác. Thêm vào đó, một số nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã xây dựng và áp dụng các hàng rào phi thuế quan, các quy trình để hạn chế nhập khẩu thép từ Việt Nam.

Điều này đòi hỏi sản phẩm thép của các DN Việt Nam muốn vào nước họ phải đăng ký và được chứng nhận theo các thủ tục phức tạp do nước họ quy định nhằm bảo vệ ngành thép nước sở tại. Chẳng hạn như Malaysia yêu cầu DN xuất trình đơn xin phê duyệt danh mục sản phẩm, giấy chứng nhận kiểm tra chất lượng có kỳ hạn một năm, báo cáo kiểm tra và giấy phép sản phẩm.

Với Thái Lan, bên cạnh hồ sơ xin phê duyệt, yêu cầu người bán phải cung cấp chi tiết về quy trình sản xuất, danh mục máy móc, thiết bị liên quan, quy trình kiểm soát chất lượng, báo cáo sản xuất hằng tháng, hằng năm và đặc tính kỹ thuật của sản phẩm nhập khẩu...

Trong thủ tục cấp phép, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra tại cơ sở sản xuất lô hàng nhập khẩu với mức phí 300 USD/ngày. Hơn nữa, các nhà xuất khẩu sẽ phải chịu chi phí kiểm tra sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền cho việc thu thập mẫu và tiến hành thử nghiệm, rất tốn kém và mất thời gian.

Khi thời gian để Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực vào ngày 31-12-2015 đến gần thì những hàng rào trên cũng như các thủ tục phức tạp khác sẽ giảm đi rất nhiều, hoặc bỏ hẳn theo quy ước của AEC. Đó sẽ là cơ hội rất lớn để ngành thép Việt Nam mở rộng xuất khẩu vào thị trường này.

Thép của Việt Nam được đánh giá chất lượng thấp và giá cao nên rất khó để cạnh tranh với thép nhập khẩu từ các nước khác, thậm chí ngay cả thị trường nội địa, nên đây là thách thức rất lớn đối với các DN sản xuất thép. Bằng chứng là, những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn thép (khoảng 7 tỷ USD), trong khi xuất khẩu chỉ đạt khoảng 2 tỷ USD.

Có thể nói, khi vào ASEAN thì thị trường ngành thép khá rộng lớn, nhưng ngành thép lại bộc lộ nhiều yếu điểm như nêu trên. Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia đã tham vấn cho ngành thép là phải nâng cao chất lượng, tùy từng cơ sở có thể chọn những giải pháp công nghệ khác nhau, chẳng hạn như chọn tiêu chuẩn JIS của Nhật Bản, hoặc tiêu chuẩn ASTM của Hoa Kỳ.

Nếu đạt được tiêu chuẩn này thì việc vào được thị trường ASEAN rất dễ dàng, thậm chí cả Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP).

Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho rằng trong giai đoạn 2015-2020, phần lớn các Hiệp định tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia, mặt hàng sắt, thép sẽ phải cắt bỏ hàng rào thuế quan. Vì thế, việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan sẽ có tác động đến các ngành thép xây dựng, ống thép, tôn mạ kim loại.

Tuy nhiên, lộ trình cắt bỏ hàng rào thuế quan sẽ bắt đầu tiến hành từ năm 2018. Do đó, để phát triển ngành thép trong thời gian tới, Hiệp hội Thép Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp phải nhận thức rõ được sự mất cân đối hiện nay của ngành thép (đang dư thừa) có kế hoạch thực hiện tốt bài toán giữa sản lượng và chất lượng, nên tập trung đi sâu vào việc nâng cao chất lượng thép, cân nhắc trong việc nâng công suất… nhất là đối với mặt hàng thép xây dựng - những mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu vào ASEAN.

Trong khi đó, lãnh đạo Công ty CP Thép Đà Nẵng cho biết, các doanh nghiệp thép của Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung chủ yếu sản xuất thép xây dựng. Tuy nhiên, thị trường thép xây dựng trong ASEAN có nhu cầu khá cao, nhất là Lào, Campuchia… là những nước ngành công nghiệp sản xuất thép chưa phát triển.

Đây là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp ở miền Trung mở rộng thị trường xuất khẩu. Vì vậy, Công ty CP Thép Đà Nẵng, ngoài việc giữ vững thị trường trong nước, đã từng bước đổi mới thiết bị theo chuẩn công nghệ mới phù hợp với tiêu chí của ASEAN nên tự tin gia nhập ASEAN và coi đây là cơ hội để phát triển trong những năm tới.

Ông Huỳnh Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Thép Dana Ý, cho biết: Việt Nam cam kết mở cửa hàng hóa trong ATIGA là cao nhất so với các AFTA đã ký, với khoảng 99% dòng thuế sẽ được xóa bỏ hoàn toàn vào năm 2018, và gần đây là việc gia nhập Cộng đồng ASEAN và sắp tới là TTP…

Điều này đem lại cơ hội cho nền kinh tế nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt với ngành thép, ngành công nghiệp nặng không được hưởng lợi từ những ưu đãi của AFTA. Thời gian gần đây, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc tăng đột biến; cụ thể như phôi nhập khẩu tăng 302%, thép gắn “mác hợp kim” tăng 234,88% cùng với hiện trạng cung vượt cầu trong nước tạo áp lực nặng nề lên các DN sản xuất thép.

Trong khi đó, hầu hết các DN sản xuất thép trong nước và thành phố Đà Nẵng nói riêng đều là các DN vừa và nhỏ, ở Đà Nẵng còn có một số DN siêu nhỏ. Vì vậy, để tồn tại và phát triển, các DN chỉ có thể đổi mới công nghệ, hoặc liên kết lại, nâng cao khả năng tài chính, mở rộng thị trường, mà trước mắt là thị trường nội địa.

Để hội nhập nền kinh tế ASEAN, từ đầu năm 2015, Công ty CP Thép Dana Ý đã đầu tư và đưa vào sử dụng hệ thống “Cán thép vô tận” sử dụng công nghệ hàn phôi - công nghệ tiên tiến nhất tại Việt Nam hiện nay. Đồng thời, công ty khởi công dự án công nghệ đúc cán liên tục với thiết bị được tự động hóa hoàn toàn, tổng giá trị đầu tư ước tính 4,5 triệu USD, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2016. Với hệ thống thiết bị này và những công nghệ đã đổi mới thời gian qua sẽ tạo điều kiện để công ty lọt vào tốp những DN thép có công nghệ cao của ngành thép Việt Nam.

Bài và ảnh: Đức Thịnh

;
.
.
.
.
.