.

Đà Nẵng năm thứ ba liên tiếp dẫn đầu PCI

.

Sáng 31-3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức lễ công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015. Đến dự có Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius, Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam Joakim Parker. Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ dự và phát biểu tại buổi lễ.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ (giữa) nhận giải thưởng dẫn đầu PCI 2015.	 Ảnh: TTXVN
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ (giữa) nhận giải thưởng dẫn đầu PCI 2015. Ảnh: TTXVN

Ba năm liền trụ vững ngôi đầu bảng

Những kết quả vừa công bố đã được ghi nhận trong điều tra PCI năm 2015. Dựa trên kết quả điều tra cảm nhận của hơn 10.000 doanh nghiệp dân doanh và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về chất lượng điều hành môi trường kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong Bảng xếp hạng PCI năm 2015, Đà Nẵng năm thứ ba liên tiếp trụ vững tại ngôi đầu bảng với số điểm 68,34.

Sau Đà Nẵng là Đồng Tháp (66,39 điểm) và Quảng Ninh (65,75 điểm). Đây là những tỉnh, thành phố có nhiều sáng kiến cải cách hành chính và đổi mới chất lượng điều hành. Hai địa phương tiếp theo nằm trong nhóm có chất lượng điều hành tốt của PCI 2015 lần lượt là Vĩnh Phúc (62,56 điểm) và Lào Cai (62,32 điểm) - là những tỉnh từng đạt thành tích cao trong PCI những năm trước.

Nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2015 còn có TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Quảng Nam, Long An và Thanh Hóa khi nhận được nhiều đánh giá tích cực của các doanh nghiệp dân doanh. Ba địa phương nằm cuối bảng xếp hạng gồm Lai Châu (52,77 điểm), Hậu Giang (50,45 điểm) và Đắc Nông (48,96 điểm).

Năm nay, đa số các chỉ tiêu đo lường chi phí thời gian và hiệu quả thực hiện thủ tục hành chính của Đà Nẵng đều cải thiện. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết “họ không phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký” tăng từ 67% năm 2014 lên 70%, tỷ lệ đánh giá “cán bộ, công chức làm việc hiệu quả” cũng tăng từ 71% lên 76%.

Hướng tới việc xây dựng một “thành phố thông minh”, Đà Nẵng đã xây dựng mô hình chính quyền điện tử, thúc đẩy phát triển nhanh các dịch vụ trực tuyến, hiện đại hóa quản lý hành chính công, giám sát được hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước.

Mô hình chính quyền điện tử đã nhận được những tín hiệu tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, kết quả điều tra PCI năm 2015 cho thấy các chỉ tiêu liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin của Đà Nẵng tăng cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Điểm số mở trang thông tin điện tử hay cổng thông tin điện tử thành phố đạt 35,5 điểm, tăng 3 điểm so với năm 2013; trung bình 39% doanh nghiệp đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận một cửa tốt, tăng 15% so với năm 2013, đặc biệt tỷ lệ doanh nghiệp truy cập Cổng thông tin điện tử thành phố năm nay tăng vọt lên 87%, cao hơn mức 55% của năm 2013.

Đà Nẵng trở thành địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp truy cập Cổng thông tin điện tử chính quyền cao nhất cả nước. Thành công của mô hình này đã được chuyển giao cho 17 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đà Nẵng cũng là địa phương thực hiện “Năm Doanh nghiệp” từ năm 2014 và tiếp tục duy trì trong năm 2015, xác định rõ quan điểm “về lâu dài, chỉ có thể dựa vào sự phát triển của doanh nghiệp làm động lực phát triển thành phố trong tương lai”.

Trong phát biểu của mình, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói: “Chúng tôi vui mừng khi cộng đồng doanh nghiệp hài lòng hơn với những gì các địa phương đã thể hiện. Đà Nẵng 3 năm liên tiếp đạt được thứ hạng cao nhất và 6 năm đứng đầu.

Theo tôi, trong thời gian tới, bên cạnh việc chính quyền các địa phương đưa ra các câu hỏi cho doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng hay không hài lòng, cần có mục riêng để doanh nghiệp hiến kế, chắc chắn sẽ có những sáng kiến rất hay.

Xin nói thêm rằng, với những đột phá đã tiên phong, sẽ có thêm đột phá mới ở các địa phương về môi trường kinh doanh, đầu tư. Điều chúng tôi chưa hài lòng là chi phí không chính thức và môi trường cạnh tranh bình đẳng; vì vậy, các tỉnh, thành phố cần tập trung vào hai chỉ tiêu này. Trong quá trình tạo ra đột phá thì vai trò năng động của địa phương mang tính quyết định, mở đường cho những đột phá mới. Chúng tôi hy vọng năm 2016 sẽ có bước những đột phá mới từ cấp địa phương”.

Đà Nẵng xác định tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách hướng về doanh nghiệp nhiều hơn nữa.   Ảnh: VIỆT DŨNG
Đà Nẵng xác định tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách hướng về doanh nghiệp nhiều hơn nữa. Ảnh: VIỆT DŨNG

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Việc công bố các thứ hạng về PCI là cơ hội để lãnh đạo các địa phương nhìn nhận lại những điểm tích cực và yếu kém để từ đó có những điều chỉnh phù hợp. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết: “Rõ ràng Đà Nẵng đã tạo ra dấu ấn rất tốt, rất ấn tượng, một thương hiệu để các tỉnh, thành khác học theo…”.

Theo nhóm nghiên cứu, năm 2015, điểm trung vị PCI tương đối ổn định, đạt 58,47 điểm, tương đương mức điểm năm 2014 nhưng cải thiện đáng kể và có ý nghĩa so với năm 2013. Lần đầu tiên sau 4 năm, khoảng cách giữa nhóm đầu bảng và cuối bảng bắt đầu nới rộng.

Đây có thể là tín hiệu cho thấy các địa phương nhóm dẫn đầu đang nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn trong bối cảnh Việt Nam bước đầu bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế mới. Cụ thể, điểm số PCI của Đà Nẵng hiện đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2012, gần 1,5 điểm.

Trong khi đó, PCI của tỉnh thấp nhất đã giảm hơn 1 điểm, quay về mốc xuất phát năm 2013 (48,9 điểm). Việc Trung tâm Hành chính của thành phố Đà Nẵng đi vào hoạt động từ tháng 9-2014 đã phát huy hiệu quả trong tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc cho cả người dân, doanh nghiệp lẫn cán bộ, công chức.

Phát biểu tại lễ công bố, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết: Trong năm qua, Đà Nẵng không ngừng nỗ lực cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ; giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ

30% - 50%, có những thủ tục giảm gấp 10 lần so với trước đây. Song song với việc thực hiện chủ trương “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, thành phố tập trung xây dựng “văn hóa, văn minh công sở”, “tinh thần sẵn sàng phục vụ”, xây dựng hình ảnh “nụ cười công chức” để tạo lòng tin trong dân và cộng đồng doanh nghiệp.

“Một nỗ lực không thể phủ nhận, đó là trong những năm gần đây, Đà Nẵng xác định tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách hướng về doanh nghiệp nhiều hơn nữa. Vị trí dẫn đầu về điểm số PCI không phải là mục tiêu của chính quyền thành phố Đà Nẵng. Điều thành phố quan tâm là phải vượt lên trên chính mình”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, Đà Nẵng tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông và sản xuất; đồng thời, tích cực làm việc với các đối tác để xúc tiến, mở các đường bay mới trực tiếp đến Đà Nẵng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đi và đến Đà Nẵng.

“Chúng tôi thấy thành phố còn nhiều điểm yếu, nhiều việc phải làm và luôn luôn cải cách để giữ vị trí tốt nhất. Nhân đây, chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Đà Nẵng để cảm nhận về sự hiếu khách của người dân Đà Nẵng; trao đổi cởi mở với lãnh đạo thành phố về các cơ hội hợp tác đầu tư, để chúng ta trở thành những đối tác, những người bạn đồng hành trên dải đất miền Trung Việt Nam”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nhắn nhủ.

Ông Iwama Shinichi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam: Đà Nẵng là nơi lý tưởng để đầu tư

Lý do để chúng tôi chọn Đà Nẵng là vì thành phố nằm giữa hai nhà máy sản xuất của Tập đoàn Daiwa Saiko tại Hongkong và Bangkok, là điểm trung chuyển thuận lợi trong khu vực châu Á. Việc tuyển dụng ở Đà Nẵng cũng thuận lợi hơn so với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Tại Daiwa, hơn 51% là lao động Đà Nẵng; lao động Đà Nẵng làm việc chăm chỉ và không bỏ việc giữa chừng. Tính trung bình, độ tuổi lao động tại Daiwa là 26,3 và thời gian làm việc là 4,1 năm. Đà Nẵng kết hợp hài hòa giữa núi rừng, biển xanh, không khí trong lành, thực sự phù hợp với sản phẩm của chúng tôi.

Sứ mệnh của Daiwa là luôn gắn kết con người với môi trường thông qua sản phẩm của mình. Và như thế, Đà Nẵng là nơi lý tưởng để chúng tôi dừng chân.

Ông Peter Ryder, Giám đốc điều hành Công ty Indochina Capital: Lãnh đạo thành phố luôn quyết đoán, minh bạch

Sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền thành phố là nguyên nhân khiến chúng tôi gắn bó lâu dài với Đà Nẵng. Với ý tưởng phát triển một chuỗi khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp dọc bờ biển xinh đẹp của Việt Nam, tôi đã chọn vùng đất ven biển Đà Nẵng - Hội An nhờ vào sự hòa quyện tuyệt đẹp của cảnh sắc thiên nhiên với biển, núi và trời.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng luôn có những quyết định quyết đoán, nhanh gọn, hiệu quả và minh bạch, hỗ trợ tối đa nhà đầu tư. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực khách sạn ham học hỏi, thông minh và được đào tạo bài bản.

Thành phố Đà Nẵng có cơ sở hạ tầng đô thị tốt nhất Việt Nam. Những chỉ số doanh nghiệp bình chọn cho Đà Nẵng dựa trên những kết quả VCCI công bố về Đà Nẵng hoàn toàn xác đáng. Tôi hoàn toàn ủng hộ.

Ông Koichi Akiyama, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kane-M Đà Nẵng: Nên mạnh dạn đề xuất những dự án lớn

Nếu so sánh Đà Nẵng với các thành phố lớn của Việt Nam thì Đà Nẵng có môi trường đầu tư khá tốt và thuận lợi cho các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Theo tôi, kết quả từ PCI Đà Nẵng chưa phải là quyết định tất cả.

Vì vậy, để tranh thủ thu hút nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Đà Nẵng cần chú ý xử lý tốt vấn đề thủ tục hành chính; công tác xúc tiến đầu tư cũng cần phải đổi mới, tập trung hơn, chuẩn bị kỹ hơn, tránh làm theo kiểu phong trào.

Đà Nẵng nên mạnh dạn đề xuất những dự án lớn, cụ thể, nếu nhà đầu tư quan tâm thì họ sẽ cùng thương thảo với lãnh đạo thành phố. Hiện nay, nhiều tỉnh, thành của Việt Nam tổ chức nhiều chương trình xúc tiến đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ, nhưng khi đề cập thì họ lại không rõ ràng, cụ thể về chính sách cũng như muốn thu hút vào những lĩnh vực cụ thể nào. Đây cũng chính là nguyên nhân mà các nhà đầu tư Nhật Bản như chúng tôi rất băn khoăn.

D.Anh ghi

Duyên Anh

;
.
.
.
.
.