.

Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp

.

Mặc dù cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh sang công nghiệp-dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp nhưng ngành nông nghiệp Hòa Vang vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn thực phẩm cho thành phố. Để đáp ứng nhu cầu này đòi hỏi người dân phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình sản xuất mới nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Người dân thôn Bồ Bản 2, xã Hòa Phong áp dụng mô hình trồng ớt cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Gia Huy
Người dân thôn Bồ Bản 2, xã Hòa Phong áp dụng mô hình trồng ớt cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Gia Huy

Ông Trần Văn Trường, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang cho biết, trong thời gian qua, huyện đã hỗ trợ người dân 240,55 tỷ đồng để đầu tư phát triển, nhân rộng gần 50 mô hình sản xuất mới ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất đã làm tăng năng suất và giá trị sản phẩm, mang lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân.

Điển hình nhất là triển khai các vùng rau quy hoạch với tổng diện tích 85ha, trong đó có 5 vùng sản xuất quy mô 78,7ha được Dự án QSEAP đầu tư với tổng kinh phí 55,6 tỷ đồng để sản xuất các loại rau ăn lá, rau ăn quả. Mô hình này đã giúp người nông dân thu lãi trung bình từ 4-5 triệu đồng/sào/vụ. Bên cạnh đó, là các mô hình sản xuất mới như: sản xuất hoa cúc chậu, hoa ly ly, hoa đồng tiền, hoa cúc đất. Hằng năm, doanh thu hoa dịp Tết của toàn vùng đạt khoảng 11 tỷ đồng/năm.

Nông dân một số xã như Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Nhơn đưa vào sản xuất mô hình lúa giống với tổng diện tích 180ha; hằng năm cho ra gần 1.000 tấn lúa giống cung cấp cho các tỉnh miền Trung và phía Bắc. Trong khi đó, các thôn Phú Sơn 3 (xã Hòa Khương), thôn Trường Định (xã Hòa Liên), thôn Ninh An (xã Hòa Nhơn) chuyển sang tập trung sản xuất dưa hấu với thu nhập trung bình 9-11 triệu đồng/sào/vụ.

Nhiều mô hình khác cũng được người dân đầu tư cây, con giống mới và áp dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất như mô hình nuôi tôm chân trắng, tôm sú ở xã Hòa Liên, nuôi cá trê lai ở xã Hòa Khương và thâm canh cá nước ngọt ở xã Hòa Phong, cá diêu hồng ở xã Hòa Phú với tổng diện tích ao nuôi 80,35ha; chăn nuôi dê thâm canh, mô hình chăn nuôi thỏ tại các xã Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Phú… Đến nay, số lượng thỏ trên địa bàn huyện đã phát triển lên 3.000 con và cho thu nhập bình quân khoảng 40-50 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, mô hình trồng cỏ nuôi bò cũng được phát triển tập trung ở 5 xã Hòa Phú, Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Nhơn, Hòa Bắc với tổng diện tích trồng cỏ hơn 40ha, cung cấp thức ăn cho 1.700 con trên địa bàn huyện…

Ông Lâm Tiến Sĩ, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phong cho biết, hiện trên địa bàn xã có 4 mô hình sản xuất mới ứng dụng khoa học kỹ thuật cao bao gồm: mô hình trồng rau, hoa, nấm sò và nuôi cá nước ngọt, ếch. Đặc biệt, mô hình trồng rau ở Túy Loan đã mở rộng diện tích lên 5ha, ứng dụng khoa học kỹ thuật VietGAP và sử dụng giống mới cho năng suất cao. Nhờ vậy, trung bình mỗi ngày mô hình này sản xuất khoảng 6 tạ rau bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để cung cấp cho thành phố và các doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống cho bà con nông dân ở những vùng còn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Trần Văn Trường, để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện, trong thời gian tới, lãnh đạo huyện sẽ tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, triển khai các giải pháp khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; đồng thời có chính sách khuyến khích, từng bước trẻ hóa, chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa lao động nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao.

Gia Huy

;
.
.
.
.
.