.

Mô hình sản xuất nông nghiệp ở Hòa Vang: Hiệu quả chưa cao

.

Với mục tiêu chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao, đa dạng hóa sản phẩm, từng bước đổi mới tư duy về sản xuất nông sản hàng hóa, từ năm 2014 đến nay, huyện Hòa Vang đã triển khai hàng chục mô hình hỗ trợ vốn trên nhiều lĩnh vực. Song, hơn 16,6 tỷ đồng hỗ trợ mang lại hiệu quả kinh tế khiêm tốn.

Một mô hình trồng hoa ở xã Hòa Khương được hỗ trợ 300 triệu đồng nhưng sản xuất chưa hiệu quả.
Một mô hình trồng hoa ở xã Hòa Khương được hỗ trợ 300 triệu đồng nhưng sản xuất chưa hiệu quả.

Trong số hơn 16,6 tỷ đồng đã hỗ trợ, có hơn 1,58 tỷ đồng hỗ trợ chuyển đổi giống lúa chất lượng cao, hơn 4,6 tỷ đồng hỗ trợ trồng hoa công nghệ cao, hơn 1,3 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất rau an toàn, 1,47 tỷ đồng cải tạo vườn tạp, 1,3 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất nấm ăn, 3,8 tỷ đồng hỗ trợ nuôi trồng thủy sản, 2,4 tỷ đồng đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay, các mô hình đã sử dụng hết vốn đầu tư hỗ trợ. Thế nhưng, tìm được mô hình mang lại hiệu quả kinh tế như mục tiêu đề ra thì quả thật không dễ. Thậm chí, một số mô hình thất bại bởi hiệu quả kinh tế rất thấp, một số hộ chưa triển khai sản xuất.

Hiệu quả thấp nhất là mô hình cải tạo vườn tạp. Từ năm 2014 đến nay, 700 hộ tại địa bàn 11 xã của huyện Hòa Vang được hỗ trợ 1,47 tỷ đồng để cải tạo 105,6ha vườn tạp. Các loại cây đưa vào trồng gồm: mít Thái, bưởi da xanh, bơ ghép, thanh long ruột đỏ, chanh không hạt, vú sữa… Đến nay, ở các khu vườn của mô hình này, cây cối khá còi cọc, tỷ lệ cây sống thấp.

Một lần ngược lên xã Hòa Phú, nghe lãnh đạo xã này nói về vườn bơ ghép của hộ ông Lê Văn Tiến (ở thôn Đông Lâm) khá hiệu quả, chúng tôi tìm đến. Cùng chủ nhà lội hết khu vườn rộng 5-6 sào, đếm đi đếm lại chỉ 4 cây bơ chưa ra quả. Ông Nguyễn Văn Minh, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã này cho biết, bơ sáp trồng ở Hòa Phú đến nay chết gần hết, có lẽ do chất lượng giống không bảo đảm. Cây lên cao ngang đầu người, tự dưng héo lá rồi chết khô.

Mô hình thứ hai hiệu quả không như mục tiêu đề ra là chuyển đổi lúa giống chất lượng cao. Mô hình này có sự vào cuộc của Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm. Hơn 1,5 tỷ đồng đã đầu tư nhưng đến nay trên đồng ruộng Hòa Vang vẫn phải gieo sạ những loại giống lúa kém chất lượng mà nhiều địa phương trong cả nước đã bỏ từ lâu như OM6976, NX30, Xi23… Cái được duy nhất của mô hình này là hỗ trợ 340 triệu đồng cho hai hợp tác xã ở Hòa Phong, Hòa Nhơn lắp đặt máy sấy thóc.

Ngoài kinh phí hỗ trợ, mô hình trồng rau ở Hòa Vang còn được hưởng sự đầu tư rất lớn từ dự án QSEAP, song diện tích và sản lượng chưa đạt như kỳ vọng. Đến nay, chỉ khoảng 1/2 diện tích của dự án khai thác sản xuất, số còn lại đang trồng cây khác hoặc hoang hóa.

Hiệu quả kinh tế thiết thực từ chương trình hỗ trợ vốn này là chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Với việc hỗ trợ 35 hộ, mỗi hộ 8 con, mô hình nuôi dê thâm canh đang mang lại nguồn lợi khá cao. Đến nay, tổng đàn dê đã tăng hơn 2 lần so ngày triển khai. Tương tự, hơn 200 hộ được hỗ trợ bò giống, thỏ giống; sau 3 năm, tổng đàn bò hơn 1.700 con, diện tích cỏ 40ha, mang lại hiệu quả thiết thực. Cùng theo đó, 20 hộ được hỗ trợ thỏ giống nhập ngoại từ đầu năm 2014, nay tổng đàn khoảng 3.000 con, thu nhập bình quân từ 40-50 triệu đồng/hộ/năm. Với 3,87 tỷ đồng hỗ trợ cho các hộ ở xã Hòa Khương nuôi cá trê lai, nuôi cá diêu hồng, trắm chép ở Hòa Phong, nuôi tôm ở Hòa Liên cũng đem lại hiệu quả khá cao. Nhiều hộ trở nên khá giả từ nguồn hỗ trợ này.

Có thể nói, sản xuất nông nghiệp ở Hòa Vang đang bộc lộ không ít hạn chế. Ngay cả khi được hỗ trợ vốn khá lớn, chỉ đạo sản xuất đến nơi đến chốn nhưng một số mô hình vẫn chưa đạt kết quả như mục tiêu đặt ra. Trong khi đó, không ít hộ, cơ sở không được hỗ trợ nhưng vẫn xây dựng thành công các mô hình sản xuất. Đơn cử như mô hình trồng hoa tươi của anh Nguyễn Văn Chương (ở thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh), cơ sở nuôi dê quy mô lớn của ông Lê Văn Tánh (ở xã Hòa Sơn)… Phải chăng việc chọn đối tượng triển khai mô hình chưa phù hợp; bên cạnh đó, còn nhiều hộ nông dân hạn chế năng lực triển khai sản xuất bằng phương pháp mới. Ngành nông nghiệp Hòa Vang cần rút ra bài học và tìm ra nguyên nhân trong việc triển khai mô hình để không lãng phí vốn đầu tư.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.