.
Diễn đàn "Làm gì, làm thế nào hạn chế xe máy nội thị"

Bỏ xe máy chọn xe buýt, được không?

.

* Anh Ngô Minh, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu: Cần quy hoạch lại đô thị

Việc sử dụng xe máy làm phương tiện lưu thông chính đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân Việt Nam. Hầu như nhà nào cũng có ít nhất một chiếc xe máy. Đi đâu, làm gì dù rất gần cũng sử dụng xe máy.

Ùn tắc giao thông cục bộ xảy ra vào giờ cao điểm trên nhiều tuyến đường chính.     Ảnh: ĐẮC MẠNH
Ùn tắc giao thông cục bộ xảy ra vào giờ cao điểm trên nhiều tuyến đường chính. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Theo tôi, vấn đề ùn tắc giao thông hiện nay liên quan mật thiết đến quy hoạch đô thị. Đà Nẵng hiện có hơn 70.000 công nhân làm việc tại 6 khu công nghiệp. Lượng người nhập cư rất lớn phần nào gây ùn tắc giao thông. Thành phố nên xây dựng nhiều hơn những khu chung cư ngoại thành kèm theo trường học, bệnh viện và các dịch vụ khác để dãn mật độ dân cư. Cấm xây các khu chung cư, căn hộ cao cấp ở trung tâm cũng là một giải pháp.

* Anh Nguyễn Văn Khải, phường Chính Gián, quận Thanh Khê: Bao giờ xe buýt sạch, “xanh”, tự dưng xe máy giảm

Nếu hạn chế xe máy nội thị, người dân di chuyển bằng gì? Đây là bài toán khó. Cá nhân tôi ủng hộ chủ trương này nhưng trước mắt thành phố cần đầu tư mạnh hơn nữa cho hệ thống xe buýt công cộng cũng như hạ tầng giao thông.

So với TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, học sinh - sinh viên Đà Nẵng sử dụng xe buýt để đi học ít hơn hẳn. Nguyên nhân một phần do thói quen, một phần khác do xe buýt ở thành phố ta chưa thực sự tiện dụng. Xe buýt nhanh mà không nhanh.

Tôi rất ngán ngẩm giờ tan tầm phải đứng chôn chân rất lâu trong bầu không khí đặc quánh khói, bụi, còi xe. Những lúc ấy, tôi chỉ ước được ngồi trên một chiếc xe buýt sạch sẽ, rộng rãi. Tôi cũng đã từng dùng xe buýt đi làm và kết quả là bị muộn giờ làm gần nửa tiếng đồng hồ vì xe đông, đường chật mà ý thức của người tham gia giao thông lại quá kém. Tôi rất mong thành phố có những giải pháp vĩ mô cho vấn đề này. Đà Nẵng chưa kẹt xe đến mức báo động nhưng viễn cảnh đó sẽ sớm xảy ra nếu không hành động từ bây giờ.

* Lê Thị Hải Vân, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà: Linh hoạt giờ tan tầm

Thời còn là sinh viên ở Hà Nội, tôi đều đi học, đi chơi bằng xe buýt. Hầu hết ở khu vực nào trên địa bàn Hà Nội cũng có trạm dừng xe buýt. Khi về Đà Nẵng, tôi bỏ hẳn thói quen này vì quá bất tiện.

Hệ thống xe buýt ở Đà Nẵng tuy phát triển hơn trước rất nhiều nhưng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Có những đoạn đường không có xe buýt, đi vài km lại phải đi bộ, rồi lại đón xe buýt. Như thế rất mất thời gian, tốn tiền bạc, công sức. Nhưng để nói thành phố cần đầu tư hơn nữa cho hệ thống xe công cộng xem ra rất nan giải. Bởi xe buýt thì to mà đường không nở, dân lại ngày một đông. Do đó, tôi nghĩ giải pháp giảm kẹt xe, ùn tắc trước mắt là linh hoạt giờ tan tầm.

MỘC MIÊN ghi

Chị Nguyễn Thị Vân, đường Trần Cao Vân, quận Thanh Khê: Mạng lưới xe buýt quá thưa thớt

Tôi đã tự hỏi điều này suốt nhiều ngày kể từ khi lựa chọn xe buýt làm phương tiện đến cơ quan mỗi ngày. Và câu trả lời là tôi đành phải quay trở lại với xe máy dù thực lòng rất muốn đi xe buýt.

Ngày đầu tiên “bỏ” xe máy để thong dong đi bộ ra trạm chờ xe buýt, tôi hớn hở vì từ nay không phải lo tự lái xe chen chúc giữa dòng người. Thêm nữa, giá vé xe buýt mua theo tháng tính ra quá rẻ so với chi phí đổ xăng xe máy cá nhân. Quen “vọt” lên xe là chạy nên mất cả chục phút đứng chờ xe buýt quả thật hơi xót ruột nhưng tôi sẵn sàng kiên nhẫn vì những tiện ích nêu trên.

Rồi bóng dáng xe buýt xuất hiện. Tôi bước lên chiếc xe mới tinh, rộng rãi, mát rượi và được đón bằng vẻ niềm nở của chị phụ xe. Xe buýt những ngày đầu hoạt động còn miễn giá vé mới thật thích. Tôi xuất phát từ một trạm trên đường Trần Cao Vân nên đi theo tuyến số 5.

Chị phụ xe cho biết, theo lộ trình, xe sẽ chạy thẳng từ đường Trần Cao Vân lên hết đường Quang Trung mới vòng về bến Xuân Diệu (đường 3 Tháng 2) nhưng vì đường Quang Trung đang sửa chữa nên xe chạy vòng các đường khác để về bến trước. Tới bến, tôi xuống xe 5 phút theo quy định rồi lại lên xe (theo kiểu bắt thêm chuyến nữa) mới qua được đường Quang Trung, rồi lại xuống xe đi bộ một khoảng khá xa mới đến cơ quan ở gần cầu Sông Hàn (đường Trần Phú).

Cuối cùng, từ 7 giờ 15 bắt đầu ra khỏi nhà, tôi cũng đến được cơ quan vào lúc… 8 giờ 15 cho cả thảy 2 chuyến xe và một đoạn đi bộ. Nghĩa là tôi đã mất 1 tiếng đồng hồ di chuyển bằng xe buýt cho đoạn đường bình thường tôi chỉ mất khoảng 10 phút chạy xe máy.

Tuy nhiên, điều này có thể thông cảm được vì lý do khách quan đường sá đang sửa chữa. Nhưng nếu không vì lý do đường sá, tôi nghĩ mạng lưới xe buýt còn thưa thớt như hiện nay khó tạo sự thuận lợi cho người dân đi lại khi muốn lựa chọn xe buýt. Qua tìm hiểu lộ trình các tuyến, tôi nhận thấy từ nhà mình, muốn đi đến một số nơi khác như siêu thị Metro chẳng hạn, tôi phải bắt đến hai tuyến xe mới có thể tới nơi, chưa kể thời gian chờ đợi.

T.H ghi

;
.
.
.
.
.