Diện mạo mới của thương mại

.

Đà Nẵng đã và đang phát huy những thuận lợi về tự nhiên để xây dựng hạ tầng thương mại - dịch vụ, xứng đáng với kỳ vọng là “đầu tàu” khu vực miền Trung và hướng tới phát triển đô thị mang tầm vóc trong tương lai.

Chương trình kết nối cung - cầu là một trong những hoạt động thúc đẩy thương mại phát triển.
Chương trình kết nối cung - cầu là một trong những hoạt động thúc đẩy thương mại phát triển.

Nhớ lại những ngày đầu đến Đà Nẵng, ông Christian John Hunter (quốc tịch Úc), Giám đốc Công ty TNHH Pageworth (Công viên Phần mềm Đà Nẵng) cho biết: “Tôi ở Việt Nam đã 15 năm. Trước đó, tôi sống và làm việc tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhưng khi đến Đà Nẵng 2 năm nay, tôi đặc biệt yêu mến nơi đây.

Đà Nẵng có cơ sở hạ tầng tương đối tốt, giao thông thuận tiện. Tôi đã tìm hiểu về ngành công nghệ thông tin (CNTT) ở Đà Nẵng và nhận thấy có nhiều tiềm năng, đặc biệt là về nguồn nhân lực. Đà Nẵng đang phát triển nhanh so với lúc tôi tìm hiểu thị trường. Lúc đó, Công viên Phần mềm Đà Nẵng còn đang trong quá trình hoàn thiện. Vậy mà đến thời điểm này, các công ty đã lấp đầy tòa nhà số 2 Quang Trung. Chúng tôi được biết Đà Nẵng đang xúc tiến xây dựng thêm một số cơ sở vật chất dành cho doanh nghiệp CNTT, mong quá trình này sẽ được thực hiện nhanh chóng…”.

Để phát triển Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm thương mại (TTTM) lớn của miền Trung cũng như cả nước, chính quyền thành phố đã có những bước quy hoạch, đầu tư đồng bộ hạ tầng hiện đại với nhiều TTTM, siêu thị, cửa hàng tự chọn lớn như: Siêu thị Lotte Mart, TTTM Parkson, Vincom, Metro Cash & Carry, BigC, Co.opmart, Intimex... Hệ thống chợ được quy hoạch lại, xây dựng mới và nâng cấp ở cả thành thị, nông thôn, miền núi và tiếp tục khảo sát, quy hoạch chợ đầu mối (hiện thành phố có 72 TTTM, siêu thị và 69 chợ các loại, trong đó có 8 chợ loại 1).

Là nhà bán lẻ có mặt từ những năm 2010 khi Đà Nẵng chưa sầm uất như hôm nay, siêu thị Co.opmart đã góp phần xây dựng hình ảnh thương mại Đà Nẵng văn minh và hiện đại. Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Co.opmart Đà Nẵng bày tỏ: “Hơn 10 năm gắn bó với Hợp tác xã Thương mại Saigon Co.op ở TP. Hồ Chí Minh, khi nghe thông tin mở chi nhánh tại Đà Nẵng, tôi đồng ý ngay để về quê. Bây giờ, thấy Đà Nẵng đổi thay nhanh quá; cách mua sắm, thói quen tiêu dùng của người dân thành phố cũng khác trước nhiều.

Trước đây, mọi người chỉ tập trung ở chợ truyền thống, hiện nay người dân đến siêu thị nhiều hơn không chỉ mua sắm hàng hóa mà còn tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí. Đà Nẵng là thị trường tiềm năng đối với các nhà bán lẻ đang có mặt, đồng thời thu hút nhiều nhà đầu tư kinh doanh trong và ngoài nước trong thời gian tới”.

Với chính sách khuyến khích phát triển đa dạng hóa các phương thức phân phối hiện đại, phát triển nhanh lĩnh vực thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến, cung cấp các dịch vụ công hỗ trợ hiện đại cho người dân và du khách…, Đà Nẵng đã “đi trước” nhiều địa phương miền Trung.

Nhờ hoạt động thương mại - dịch vụ sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ thành phố Đà Nẵng tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2016 đạt 76.050 tỷ đồng, tăng gấp 4,1 lần so với năm 2005 và gấp 11,9 lần so với năm 1997; giai đoạn 1997-2005 tăng bình quân 11,4%/năm; giai đoạn 2006-2010 là 7,5%/năm và giai đoạn 2011-2016 tăng 17%/năm. Riêng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 7 tháng đầu năm 2017 toàn địa bàn ước đạt 52.415 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các ngành dịch vụ phát triển mạnh về quy mô và đa dạng về loại hình với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ước đạt 12,75%/năm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung kinh tế thành phố.

Nhằm phát huy vai trò đầu mối phát luồng hàng hóa cho các nơi, thành phố tạo mọi điều kiện để các thương nhân đẩy mạnh kết nối, lưu thông, tham gia các chương trình giao thương cung - cầu hiệu quả. Đó là việc xúc tiến thương mại qua mỗi kỳ tổ chức hội chợ luôn thu hút đông đảo doanh nghiệp. Đặc biệt, một số hội chợ thường niên (Hội chợ Xuân, Hội chợ Vietbuild, Hội chợ EWEC, Hội chợ Hàng Việt…) mở rộng phạm vi cho các DN trong nước và quốc tế tham gia, giúp mạng lưới phân phối, bán lẻ, chi nhánh công ty, văn phòng đại diện xuất hiện ngày càng nhiều hơn tại Đà Nẵng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương, việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại Đà Nẵng đôi lúc chưa theo kịp hoặc nằm ngoài quy hoạch chung. Ngoài ra, chưa huy động được nhiều nguồn lực lớn để đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại theo phương thức xã hội hóa. Theo đó, trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tham mưu cho UBND thành phố xây dựng lại các chợ theo quy hoạch nhằm thực hiện tốt chủ trương xóa bỏ các chợ tự phát, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh thương mại tại các chợ.

Đầu tư xây dựng chợ, nâng cấp chỉnh trang lại các chợ truyền thống; phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ; hình thành các TTTM, khu mua sắm lớn, các khu phố chuyên doanh, phát triển thêm các cửa hàng bán buôn, bán lẻ, tự chọn tại các khu vực nông thôn hoặc các siêu thị nhỏ tại các khu vực đông dân cư. Đặc biệt, trong lĩnh vực thương mại, muốn phát triển sẽ phải tăng cường các hoạt động liên kết phát triển giữa các địa phương không chỉ miền Trung - Tây Nguyên mà còn mở rộng ra các thành phố lớn và cả nước.

Định hướng phát triển một số ngành dịch vụ thương mại đến năm 2020

- Khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp (tổng công ty, tập đoàn, công ty mẹ - con; hợp tác xã thương mại - dịch vụ; tư nhân). Phát triển đa dạng các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, thương mại điện tử.

- Đối với loại hình bán buôn: đầu tư trung tâm thương mại (TTTM) bán buôn Chợ Cồn; TTTM bán buôn Hòa Minh; Chợ gia súc, gia cầm (Hòa Phước); Chợ vật liệu xây dựng (Liên Chiểu); mở rộng chợ đầu mối nông sản (Hòa Cường). Quy hoạch đầu tư một tổng kho hàng với diện tích 30-50ha, tại địa điểm là đầu mối giao thông thuận lợi trên địa bàn Đà Nẵng.  

- Đối với loại hình bán lẻ: Đầu tư phát triển mới 21 TTTM, bách hóa tổng hợp, siêu thị có quy mô lớn ở các quận, huyện. Chú trọng và khuyến khích phát triển khoảng 20 cửa hàng tiện lợi phục vụ kéo dài về đêm…

- Phấn đấu đến năm 2020 có từ 800-1.000 doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử của Bộ Công thương và quốc tế; 50% số này buôn bán trên sàn. Đến năm 2020, buôn bán hàng hóa qua Sở giao dịch chiếm 40-50% tổng lượng hàng hóa bán buôn.

Bài và ảnh: ANH DUYÊN

;
.
.
.
.
.