Bất cập thu gom rác thải sinh hoạt

.

Rác thải sinh hoạt đang quá tải từ đường phố đến bãi rác, do việc thu gom rác thải bằng cơ giới hóa mới đạt 30% tổng lượng rác thải sinh hoạt.

Số lượng xe cuốn ép, vận chuyển rác thải vừa ít, vừa cũ kỹ và hay hư hỏng nên nhiều rác thải tồn đọng trên các tuyến đường, gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và làm người dân bức xúc.

Vấn đề thu gom rác thải sinh hoạt của Đà Nẵng tồn tại nhiều vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ và cần nhiều giải pháp kịp thời nhằm giữ gìn hình ảnh của một thành phố du lịch, xanh - sạch - đẹp…

Bài 1: Bất cập giờ thu gom rác

Việc tập kết, thu gom và vận chuyển rác trên địa bàn thành phố còn nhiều bất cập. 		           						                      Ảnh: HOÀNG HIỆP
Việc tập kết, thu gom và vận chuyển rác trên địa bàn thành phố còn nhiều bất cập. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Một nghịch lý đang diễn ra trong việc thu gom rác thải trên địa bàn thành phố: dù trả tiền phí hằng tháng nhưng không ít người dân phải “sống cùng rác” trong nhiều ngày.

Nguyên nhân từ chỗ rác chậm được thu gom, hay phải đưa rác ra đặt trước mặt tiền vào nhà, dưới các gốc cây bên đường, thậm chí treo lủng lẳng trên tường rào... do người dân không thể “canh” được giờ công nhân đi lấy rác.

Bất hợp lý

Hằng ngày, cứ hơn 6 giờ sáng, chị Trần Thị Khánh (ở tổ 1, phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu) lại gom góp rác từ trong nhà bỏ vào bao buộc chặt rồi đem ra để ở bồn hoa trước cổng nhà. Gần đó, một vài bao rác to, nhỏ các loại cũng được hàng xóm để sẵn từ sáng sớm.

Dù tổ dân phố đã nhiều lần khuyến cáo bà con trong tổ không nên bỏ rác ra ngoài đường như vậy dễ gây mất mỹ quan đô thị, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra. Theo lý giải, những người đi làm giờ hành chính như chị Khánh không thể cứ đến gần 10 giờ sáng (giờ đi lấy rác) lại chạy về nhà chỉ để… bỏ rác.

“Hằng tháng gia đình tôi đều đóng tiền phí thu gom rác đầy đủ, nhưng quy định giờ như thế này thì làm khó cho người dân quá”, chị Khánh phản ánh.

Trong khi đó, người dân ở nhiều tuyến đường thuộc quận Sơn Trà cho biết, họ không xác định được giờ đổ rác mà phải để rác vào thùng trước mặt nhà hoặc đem rác đi bỏ vào các thùng rác công cộng.

Bà Lê Thị Lan Anh (trú đường Đỗ Huy Uyển, quận Sơn Trà) cho hay: “Xe đến thu gom rác vào buổi sáng rất thất thường, lúc thì 6 giờ sáng, khi thì sau 9 giờ sáng, toàn rơi vào những thời điểm người dân chưa thức dậy hoặc đã đi làm. Giờ thu gom thất thường nên để thuận tiện, nhà nào ở xóm tôi cũng tận dụng các thùng xốp, thùng đựng sơn đã cũ… để đựng rác và đặt sát vỉa hè cho công nhân đến dọn”.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Diệu Phước (ở đường Vũ Quỳnh, quận Liên Chiểu) nói: “Nhiều gia đình trong tổ dân phố chúng tôi rất bức xúc vì thời gian thu gom rác bất hợp lý, dẫn tới việc có khi 2-3 ngày rác bỏ trong nhà vẫn chưa được thu gom, nhất là dưới tiết trời nắng nóng như thế này chỉ qua nửa ngày đã bốc mùi hôi thối”.

Ông Trần Thanh Niệm (trú khu dân cư Chơn Tâm 1, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) cho rằng: “Hầu hết các gia đình đều đi làm theo giờ hành chính, nên muốn đổ rác phải cho vào thùng và đặt trước cửa nhà, thậm chí có người còn treo trên tường rào để khi nào có công nhân thu gom rác đi qua thì lấy hộ. Phương thức thu gom rác như hiện nay gây bức xúc vì những bao rác hôi thối lại cứ trưng bày trước mặt nhà, đường phố”.

Do quy định giờ đổ rác bất cập như vậy nên thời gian qua, xuất hiện tình trạng dọc theo các tuyến đường người dân tự đặt các thùng nhựa, thùng xốp, xô nhựa… trước mặt nhà để đựng rác. Đà Nẵng là thành phố hiện đại và văn minh, nhưng phương thức thu gom rác tại các hộ gia đình như hiện nay không phù hợp.

Ông Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố bày tỏ: “17 giờ 30, gia đình tôi mới đi làm về, nhưng giờ quy định thu gom rác là 15 giờ 30, thời điểm đó có ai ở nhà đâu mà đưa rác đi đổ. Rõ ràng, phương thức thu gom rác hiện nay là không ổn, gây khó khăn cho người dân”.

Còn tại các khu dân cư, khu đô thị mới hình thành như: khu đô thị Phước Lý, khu dân cư ở phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà)… do không có thùng rác công cộng nên nhiều người dân phải tập kết rác tại một số tụ điểm, lâu ngày biến thành những bãi tập kết rác lớn rất nhếch nhác và gây ô nhiễm môi trường.

“Nhiều người ở khu đô thị Phước Lý không biết đem rác ra khỏi nhà rồi đi đổ ở đâu. Một đoạn đường Lê Hiến Mai trở thành nơi tập kết rác bất đắc dĩ và xe chở rác cũng không thấy đến thu gom. Các điểm đặt thùng rác thì luôn trong tình trạng rác tràn thùng”, ông Nguyễn Nhân Tịnh (trú đường Bùi Tấn Diên, quận Liên Chiểu) bức xúc cho biết.

Rác thải tồn đọng và tập kết về nhiều, gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị trên đường Trần Thánh Tông, quận Sơn Trà. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Rác thải tồn đọng và tập kết về nhiều, gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị trên đường Trần Thánh Tông, quận Sơn Trà. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Nguyên nhân từ đâu?

Theo Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, trước đây, công tác đặt thùng theo giờ thu gom rác tại các tuyến đường được thành phố đặt hàng thanh toán chi phí cho công ty hằng năm. Tuy nhiên, trong năm 2017, khi công ty đã thực hiện đến cuối năm thì thành phố không thanh toán do Kiểm toán Nhà nước xác định trùng chi phí thu gom rác.

Vì thế, công ty không có chi phí để duy trì đặt thùng theo giờ thu gom rác. Theo ông Trần Văn Tiên, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, khi thực hiện đặt thùng theo giờ thu gom rác, nảy sinh bất cập là chưa đến giờ đặt thùng thì người dân đã đưa rác ra đổ; có nhiều hộ dân ở đầu đường kiệt không cho đặt thùng để cho các hộ ở trong kiệt đem rác ra đổ...

Do đó, từ đầu năm 2018 đến nay, phải chuyển sang hình thức thu gom rác cưỡng bức. Tức là cứ đến giờ, nhân viên của công ty đến đánh kẻng, phát tín hiệu là người dân đưa rác ra đổ. Nhưng người dân không chờ đến khi phát tín hiệu đó mà cứ đem rác ra để ngoài đường.

Lúc đầu cũng nảy sinh một số chuyện, nhưng đến bây giờ đã đi vào ổn định và ít có phản ánh từ các quận do công ty đã đăng ký và từ cuối tháng 6 đến nay, các quận đã thống nhất giờ thu gom rác cụ thể trên địa bàn với công ty.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Tiên cũng cho rằng, hiện nay, đang có bất cập là vào buổi sáng, các tuyến đường được dọn vệ sinh đường sạch sẽ, nhưng đến trưa thì người dân bắt đầu đưa rác ra để ngoài đường. Do vậy, đề nghị chính quyền các địa phương cần có biện pháp tuyên truyền, vận động để người dân không để rác bừa bãi ra đường ngoài giờ thu gom rác đã được thống nhất.

Trong khi đó, bà Trần Thị Cẩm Nhiên, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hải Châu cho biết: “Vào buổi chiều, trên nhiều tuyến đường trung tâm của quận có đông khách du lịch tham quan thành phố, nhưng cứ nhằm vào thời gian này để tập kết rác và vận chuyển rác đi.

Chúng tôi đề nghị đẩy về thu gom rác vào ban đêm, qua 21 giờ tối rồi làm kéo dài đến khuya vì đường sá thuận lợi, không ai bức xúc, đỡ gây mất mỹ quan đô thị nhưng công ty vẫn chưa thực hiện. Mặt khác, hiện nay, công tác thu gom rác cũng không đúng giờ theo đăng ký và thống nhất, cũng không còn đúng với quy định của thành phố là thu gom rác sau 17 giờ”.

Còn ông Trần Việt Khánh, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Hải Châu cho rằng: “Trước đây, khi đặt thùng theo giờ thu gom rác, cứ đến 21 giờ thì có xe vận chuyển đến cẩu, nâng thùng rác và chở đi.

Nhưng hiện nay, không đặt thùng thu gom rác nữa do không có kinh phí, nên xí nghiệp đăng ký với các địa phương khung giờ thu gom rác tại từng tuyến đường để công nhân đạp xe ba gác đến lấy rác. Chúng tôi rất muốn thực hiện việc đặt thùng theo giờ thu gom rác, nhưng không có kinh phí thực hiện”.

Ông Lê Trung Minh Tân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê cũng cho hay: “Dù thành phố có chủ trương thu gom rác trên các tuyến đường sau 17 giờ chiều nhằm hạn chế tình trạng mất mỹ quan đô thị, nhưng đến nay, cách làm này cũng không tới đâu”.

Ông Nguyễn Phước Nhiên, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Sơn Trà cho hay, hình thức đặt thùng thu gom rác theo giờ đã bỏ từ cách đây hơn 1 năm do cứ đến tối thì xe cộ hư, không vận chuyển được, phải bỏ rác lại và đến sáng hôm sau thì rác đầy ngoài đường.

Vì thế, phải hoạt động thu gom rác cả ngày thay vì sau 17 giờ hằng ngày theo quy định làm nhiều đường nhếch nhác vì rác.

“Do khối lượng rác thải sinh hoạt càng ngày càng lớn, nếu có đủ xe, tiến hành lấy rác bằng cơ giới thì thuận lợi, chứ như hiện nay, việc lấy rác bằng thủ công nên rác đưa ra không có điểm tập kết. Rác và công nhân cùng chờ đợi xe, mà xe thì thủng lốp, hư hỏng… dẫn đến chậm thu gom, gây nhếch nhác nhiều đường”, ông Nhiên nói.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, việc triển khai đề án Thu gom rác theo giờ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến nay vẫn còn chậm. Việc thực hiện chưa đồng bộ từ các khâu: lịch trình, hướng dẫn đổ rác, chuẩn bị phương tiện… dẫn đến chưa bảo đảm thời gian đổ rác theo giờ từ 17 giờ đến 21 giờ hằng ngày theo chỉ đạo, mà thực hiện chủ yếu từ 15 giờ hằng ngày do khả năng đơn vị thực hiện còn nhiều hạn chế. Tình trạng để rác ngoài giờ thu gom diễn ra thường xuyên, gây ảnh hưởng đến tình hình môi trường và bộ mặt thành phố…

HOÀNG HIỆP - KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.
.