.

Liên kết du lịch miền Trung - Bài 2: Đi tìm nhạc trưởng

.
Trong Hội thảo về liên kết phát triển 7 tỉnh duyên hải miền Trung từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa vào tháng 7, các bên đã thống nhất lấy du lịch làm mục tiêu liên kết đầu tiên, bởi ngành công nghiệp không khói này là thế mạnh mà địa phương nào cũng có tiềm năng. Liên kết để du lịch trên dải đất miền Trung không dừng lại ở con số 2,5 triệu du khách quốc tế (chiếm phân nửa số khách nước ngoài đến Việt Nam năm 2010). Nhưng liên kết như thế nào? Ai liên kết với ai? Ai điều hành liên kết?... là những vấn đề tiếp tục được đặt ra.

Mô tả ảnh.
Các du khách chuẩn bị đi tour câu cá cùng ngư dân - một sản phẩm của du lịch biển Đà Nẵng.
Nhạc trưởng điều phối

Các nhà làm du lịch đều cho rằng, nhạc trưởng phải từ cấp bộ, để điều phối hoạt động cũng như phân bổ nguồn quỹ liên kết, phối hợp ngân sách xúc tiến Trung ương và địa phương, tránh tình trạng các địa phương không “chịu” nhau, tự làm theo ý mình.

“Trong lúc này, Tổng cục Du lịch (TCDL) và Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cần định hướng hỗ trợ cho các vùng trọng điểm, cho từng khu vực, chứ đừng để từng cụm tự làm rồi sẽ tiếp tục dẫn đến đầu tư manh mún, không đồng bộ. Ở phía Bắc có thể rót cho Hải Phòng-Quảng Ninh, phía Nam là Cần Thơ-Vũng Tàu, tại miền Trung thì tập trung cho Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam là tốt nhất”, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng nhận định. Theo ông, dù khó khăn ban đầu, nhưng “cứ đi rồi sẽ có đường”, bắt tay vào làm ngay cùng với sự quan tâm của 7 địa phương và chính sách hỗ trợ phù hợp từ Trung ương.

Tuy từng địa phương đều có lợi thế biển, nhưng theo ông Cao Trí Dũng, Giám đốc Công ty lữ hành Vitours, nhạc trưởng phải phân công để “ông” nào làm cái gì, tạo thành một chuỗi sản phẩm đặc trưng mang tính cạnh tranh cao trong khu vực. Nếu không, “ông” này bắt chước mô hình của “ông” kia, rồi tự triệt tiêu lẫn nhau. Và để du lịch miền Trung có thể khai thác triệt để nguồn thu từ chi tiêu của du khách trong thời gian lưu trú, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Vietravel đề nghị Nhà nước và 7 tỉnh, thành duyên hải miền Trung tập trung ban hành các chính sách ưu đãi nhằm đẩy mạnh xã hội hóa các dự án nội vùng hoặc tiểu vùng, đặc biệt tại các địa phương, tạo ra không gian du lịch tiêu thụ sản phẩm địa phương như Phố đi bộ, Chợ đêm, Khu phố Tây, loại hình Home stay (lưu trú tại nhà dân)…

Các bên cùng có lợi

Các địa phương có thể chia nhau điều hành trong một khoảng thời gian ngắn để có một đầu mối thông tin, thông báo cho nhau biết về nguồn khách, việc đầu tư các cơ sở dịch vụ để cùng liên kết khai thác khách là giải pháp mà ông Hồ Việt, nguyên Trưởng Văn phòng đại diện TCDL tại miền Trung đưa ra, trong khi chờ đợi nhạc trưởng. Từ đó, các lễ hội của các địa phương sẽ được sắp xếp theo thời gian liên tiếp nhau để du khách có thể tham gia nhiều hoạt động trong cùng một chuyến đi. Các bên có thể hỗ trợ nhau về xe, khách sạn, dịch vụ, chia sẻ lượng khách trong những mùa cao điểm của nơi này nhưng là mùa thấp điểm của nơi kia.

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, mỗi địa phương cần xác định lợi thế và liên kết với doanh nghiệp đã, khi liên kết giữa các địa phương chưa thể đạt đến. Địa phương mời doanh nghiệp đến giới thiệu sản phẩm, có mức ưu đãi, giảm giá thích hợp để cùng liên kết bán sản phẩm.

Nhiều người làm du lịch cũng chờ đợi trong nay mai, nếu có một dự án du lịch trong khu vực với giá trị lên đến 10 tỷ USD, dự án với sức thu hút khách cực lớn sẽ tạo sức ép lên hệ thống dịch vụ (nhà hàng, mua sắm, vui chơi giải trí, vận chuyển…) thì khi đó, liên kết mới thực sự là chuyện sống chết, không làm không được.

Bài và ảnh: HẰNG VANG
;
.
.
.
.
.