.

Ứng xử với người nước ngoài

.

Bán hàng cho người nước ngoài cũng là một kênh giao tiếp quốc tế, trong đó mỗi người ít nhiều đều mang “tính đại diện”, thể hiện tầm văn hóa (cụ thể là văn hóa ứng xử) của một đất nước, vùng miền…

 

Mô tả ảnh.
Cảnh nhếch nhác nài nỉ khách mua hàng trước siêu thị Big C.

 

“Vào mùa du lịch, cứ đứng đây một lúc là chị có thể bắt gặp nhiều cảnh hay lắm. Không có ai thì thôi, nhưng hễ có một vài đoàn khách nước ngoài nào là y như rằng không biết lễ mễ từ đâu ra người bưng các chuỗi hạt cườm, người bưng quạt, đồ đất nung… chặn đường, nài nỉ, có người còn dùng cả xe máy rượt đuổi, làm rối loạn cả một khúc phố. Nhìn thật thảm hại!”. Ông Nguyễn Văn Cường (55 tuổi), đã sinh sống lâu năm ở đường Phan Châu Trinh lắc đầu nói.

Dọc các tuyến đường tập trung nhiều khách du lịch như Hùng Vương, Lê Lợi, Phan Châu Trinh, Thái Phiên, hoặc ngay trước cổng các siêu thị lớn ở Đà Nẵng cũng không khó để thấy cảnh người bán hàng theo kiểu “ăn xin” bằng áo quần nhếch nhác, hành động “liều lĩnh”… khi bắt gặp các ông Tây, bà đầm. “Cái khó trong việc xử lý là các đối tượng bán hàng này thường không có hộ khẩu thường trú, tạm trú rõ ràng, thoắt ẩn thoắt hiện, đời sống lại quá khó khăn”. Ông Huỳnh Văn Dũng, Tổ phó Tổ Quy tắc đô thị phường Thạch Thang cho biết.

Một thực tế không thể phủ nhận là không chỉ với những người buôn bán “rày đây mai đó” mà ngay cả những tiểu thương có điểm buôn bán cố định vẫn tồn tại tâm lý, bán hàng cho khách ngoại thì giá cao hơn khách nội để kiếm chác vì “Tây ấy mà, mình bán mấy tùy mình, họ đâu có biết, Tây lại nhiều tiền hơn người Việt mình, nên cũng đáng lắm…!!”. chủ một quầy tạp hóa ở đường Ông Ích Khiêm nói tự nhiên. Và kết quả là, “Mỗi lần từ Bà Nà xuống Đà Nẵng, chúng tôi chỉ mua đồ ở Siêu thị BigC, không dám mua ở ngoài”, anh Sun, chị Roi, họa sĩ người Thái Lan đang theo làm một công trình mỹ thuật ở Bà Nà nói.

Biết nhìn lại mình

“Xem lại mình trên hình chiếu, mới biết nhìn chẳng đẹp chút nào. Lâu nay chúng tôi cắm cúi bán hàng, chỉ nghĩ đến lợi nhuận, hôm nay mới vỡ ra nhiều lẽ…”, một tiểu thương chợ Hàn thật thà bày tỏ sau khi xem giảng viên trình chiếu những hình ảnh thực về các cảnh chèo kéo khách hàng, lườm nguýt khi khách chỉ xem đồ rồi bỏ đi… trong buổi dạy về “kỹ năng giao tiếp” trong bán hàng, do Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng tổ chức. Đó cũng là tâm trạng chung của gần 700 tiểu thương khác sau khi được học qua lớp học đầy thiện chí về “Văn minh thương mại” này.

Ông Nguyễn Đình Sáu, Trưởng Ban Quản lý chợ Hàn vui mừng cho biết: “Trong vòng 5 năm trở lại đây, chợ Hàn luôn tự hào về nền nếp của mình, cảnh chèo kéo khách, đặc biệt là khách nước ngoài, hầu như không có, vì Ban Quản lý chợ đã quán triệt bằng nhiều biện pháp giáo dục, tuyên truyền, khen, chê, thưởng phạt rạch ròi”.

Chị Phan Thị Sơn, Phó Giám đốc Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng cho biết: “Việc tổ chức các lớp dạy kỹ năng giao tiếp, giáo dục ứng xử văn hóa với khách mua hàng được chúng tôi triển khai từ năm 2010. Tính riêng từ đầu năm 2011 đến nay, đã tổ chức được 8 lớp cho tiểu thương ở các chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đầu mối Hòa Cường, chợ Đống Đa, chợ Siêu thị. Riêng chợ Hàn, được định hướng là chợ Du lịch của Đà Nẵng nên chúng tôi đặc biệt lưu ý chị em về cách ứng xử với người mua hàng là khách du lịch, trong đó có người nước ngoài. Để hỗ trợ chị em tự tin trong giao tiếp, công ty có tổ chức lớp dạy tiếng Anh giao tiếp cấp tốc cho các tiểu thương ở đây. Nhìn chung các chị em đều hưởng ứng tích cực, chúng tôi mong có kinh phí để các lớp được tổ chức thường xuyên và rộng hơn”.

“Ứng xử có văn hóa với khách mua hàng cũng là một cách xúc tiến thương mại. Với người bán hàng, thái độ ứng xử sẽ quyết định 30-40% thành công trong việc bán hàng”, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Đà Nẵng lưu ý.

Bài và ảnh: Thanh Tân

;
.
.
.
.
.