.

Thí điểm bán hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch tàu biển

.

(ĐNĐT) - Lượng du khách đến với Đà Nẵng bằng tàu biển trong thời gian gần đây có xu hướng tăng mạnh và nhu cầu mua sắm hàng lưu niệm mang dấu ấn Đà Nẵng ngày càng nhiều. Tới đây, Đà Nẵng sẽ tổ chức thí điểm khoảng 10 quầy hàng lưu niệm và đặc sản khô của Đà Nẵng tại quảng trường trước nhà hát Trưng Vương để phục vụ khách du lịch tàu biển.

...
Du khách người Hàn Quốc đang chọn mua đồ lưu niệm tại Đà Nẵng.

Sau khi khảo sát tình hình từ du khách và các hãng lữ hành, khách du lịch tàu biển đến tham quan Đà Nẵng thường có nhu cầu mua sắm hàng lưu niệm và đặc sản của địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) thành phố Đà Nẵng ngày 26-10 đã có tờ trình lên UBND thành phố về việc xin phép tổ chức bán hàng lưu niệm, đặc sản khu vực trước nhà hát Trưng Vương.

Theo Sở VHTT&DL, mặc dù nhu cầu mua sắm của khách là rất lớn, tuy nhiên Đà Nẵng chưa có điểm bán hàng tập trung, các điểm bán sản phẩm lưu niệm nằm rải rác, không tiện lợi cho du khách.

Khu vực phía trước nhà hát Trưng Vương là nơi thường xuyên tổ chức đưa đón khách du lịch tàu biển đến Đà Nẵng nên việc hình thành điểm mua sắm tập trung tại đây sẽ rất tiện lợi cho du khách mua sắm các sản phẩm hàng lưu niệm và đặc sản của Đà Nẵng.

Điều này góp phần quảng bá hình ảnh Đà Nẵng rộng rãi hơn cũng như hình thành nên một điểm bán hàng thuận lợi cho du khách (trong thời gian chờ đợi đầu tư hình thành một Trung tâm mua sắm tập trung phục vụ du khách).

Ngày 8-11, UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản đồng ý về việc tổ chức thí điểm 10 quầy bán các mặt hàng lưu niệm và đặc sản khô của Đà Nẵng tại quảng trường trước nhà hát Trưng Vương để phục vụ khách du lịch tàu biển.

Theo đó, các quầy này chỉ tổ chức vào thời gian có tàu du lịch cập cảng (không tổ chức vào các ngày khác). Tham gia bán hàng tại đây là các doanh nghiệp, cá nhân có uy tín về chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đội ngũ nhân viên có kỹ năng giao tiếp, có trình độ ngoại ngữ giao tiếp nhằm góp phần phục vụ tốt cho khách.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch thành phố Đà Nẵng nhận định việc UBND thành phố có chính sách ưu đãi hỗ trợ DN cũng như việc thí điểm các quày hàng lưu niệm sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm lưu niệm có đầu ra ổn định.

Theo ông Bình, hiện Đà Nẵng có nhiều DN sản xuất hàng lưu niệm, đặc sản… tuy nhiên đều nằm khá rải rác ở nhiều nơi và cách xa nhau, trong khi khách đến tham quan sẽ khó có nhiều thời gian để có thể đi mua sắm được.

Vì vậy, việc hình thành nên một trung tâm mua sắm tập trung đồng nghĩa với việc giúp cho các DN, các cơ sở sản xuất hàng lưu niệm, đặc sản… có một điểm bán hàng tập trung và cũng là đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm cho du khách.

Trong đó, sẽ hướng ưu tiên cho các mặt hàng thủ công, đồ thêu của người Cơtu, đá mỹ nghệ, các sản phẩm lưu niệm do các đối tượng đặc biệt (trẻ em khuyết tật, mồ côi…) làm ra. Quầy hàng sẽ thiết kế theo kiểu quầy xếp để thuận tiện trong việc trưng bày lẫn thu dọn.

“Hiện Trung tâm đang lên kế hoạch chi tiết, cụ thể để việc đưa vào thí điểm các quầy hàng lưu niệm này đảm bảo tính mỹ thuật cao, phục vụ du khách được tốt nhất”, ông Bình nói.

Bên cạnh đó, ông Bình cũng bày tỏ băn khoăn, các quầy này chỉ tổ chức phục vụ khi có tàu cập cảng, còn sau đó sẽ những quầy hàng và mặt hàng này để ở đâu; nhiều mặt hàng đặc sản khô để lâu trong thời gian chờ chuyến tàu biển khác sẽ bị hư hỏng… Nếu vận chuyển về lại rồi sau khi có đợt mới lại vận chuyển tới thì chi phí này chắc chắn tốn kém, sẽ khiến nhiều DN chưa chắc đã mặn mà.

Ông Bình cho biết thêm, hiện trước mắt Trung tâm đang tiếp tục nghiên cứu, và sẽ đề xuất lên UBND thành phố hướng kéo dài thời gian bán hàng và tính toán làm sao cho các đơn vị này được kinh doanh tại nhiều dịp lễ hội, sự kiện… khác và có thể mở rộng ra phục vụ cho khách du lịch nói chung thì sẽ tạo được sức hút lớn và hiệu qua cao hơn.

Còn về lâu dài, theo ông Bình, sẽ đề xuất UBND thành phố nghiên cứu, xây dựng một điểm bán hàng lưu niệm tập trung tại khu vực đường Nguyễn Thái Học (đoạn từ ngã tư giao Trần Phú tới đoạn giao nhau đường Bạch Đằng) với các quầy hàng được sắp xếp theo hình xương cá; thời gian bán hàng từ 8-22 giờ hàng ngày..

Ông Bình cho rằng, điểm này nằm cạnh chợ Hàn, vốn được du khách trong và ngoài nước biết đến như một trung tâm mua sắm lớn ở Đà Nẵng từ lâu nay. Điều này giúp cho khách du lịch có thể thoải mái mua sắm nhiều món đồ trong không gian vừa phải. Hơn nữa, đây cũng là điểm mà du khách tới mua sắm xong có thể đi bộ dọc ven đường Bạch Đằng để ngắm hai cây cầu Sông Hàn và cầu Rồng một cách thuận lợi nhất.

Theo số liệu thống kê của Sở VHTT&DL thành phố Đà Nẵng, năm 2010 có 49 chuyến tàu du lịch quốc tế cập cảng với hơn 33.000 lượt khách; năm 2011 có 42 chuyến với 27.000 lượt khách; năm 2012 có 55 chuyến với 52.000 lượt khách và dự kiến năm 2013 có khoảng 70 chuyến. Đặc biệt, sự trở lại của hãng tàu Star Cruises từ cuối năm 2011 tần suất một chuyến/tuần đã góp phần mạnh mẽ làm sôi động của loại hình du lịch này tại Đà Nẵng

Đắc Mạnh
 

;
.
.
.
.
.