.

Nga tiến hay lùi với Ukraine?

.

Tình hình tại Ukraine được LHQ mô tả là “rất khó khăn và rất nguy hiểm” với “các dấu hiệu tiêu cực, dấu hiệu nghiêm trọng, nguy cơ leo thang”.

Đại sứ Nga tại LHQ, ông Vitaly Churkin, chỉ trích phương Tây can thiệp vào các cuộc biểu tình ở Ukraine. Ảnh: AP
Đại sứ Nga tại LHQ, ông Vitaly Churkin, chỉ trích phương Tây can thiệp vào các cuộc biểu tình ở Ukraine. Ảnh: AP

Sau cuộc họp chớp nhoáng vào tối 1-3, việc Thượng viện Nga thông qua yêu cầu của Tổng thống Vladimir Putin đã “bật đèn xanh” cho nhà lãnh đạo Điện Kremlin đưa quân đội vào nước láng giềng Ukraine, nhưng làm dấy lên phản ứng tức giận của Mỹ và các nước khác.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Ukraine cũng phải trả giá khi quân đội Nga đang hiện diện ở bán đảo Crimea. Bán đảo này nằm giữa Biển Đen và biển Azov, ngăn cách với Nga ở phía đông bằng eo biển hẹp Kerch. Crimea cũng là nơi có căn cứ hải quân Nga. Hơn nữa, phần lớn cư dân đang sinh sống ở Crimea hiện là người Nga (chiếm khoảng hơn 50% tổng số dân, riêng tại thủ phủ Simferofol, khoảng 70% dân số là người Nga).

Ông Obama nói rằng, Nga đã “vi phạm luật pháp quốc tế” khi triển khai quân đội tại Ukraine, đồng thời nhấn mạnh Mỹ và các đồng minh sẽ trả đũa. Theo đó, ông Obama và các lãnh đạo châu Âu có thể sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh G8 ở Sochi (Nga) vào tháng 6 tới nếu cuộc khủng hoảng Ukraine không được giải quyết.

Ngoài ra, Tổng thống lâm thời Ukraine Oleksander Turchinov ra lệnh quân đội đặt trong tình trạng báo động cao. Ngoại trưởng nước này, ông Andriy Deshchytsya, đã gặp gỡ các quan chức Mỹ và châu Âu, đồng thời gửi đề nghị đến NATO nhờ kiểm tra tất cả khả năng để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Các đại sứ NATO nhóm họp tại Brussels (Bỉ) ngày 2-3. Washington muốn cử các chiến hạm nhỏ đến Ukraine, mang cờ LHQ hoặc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE)…

Với hàng loạt diễn biến trên, vô hình trung, Nga đang đứng trước áp lực lớn, giữa một bên là đe dọa của cộng đồng quốc tế với một bên là lợi ích của mình. Tiến hay lùi đều là bài toán khó với Mátxcơva.

Tuyên bố của Tổng thống Putin rằng, ông có quyền tấn công nước láng giềng mở ra khả năng một cuộc chiến ở Ukraine. Lúc này, người ta nghĩ đến cuộc chiến tranh tương tự những gì đã diễn ra ở Georgia năm 2008, với việc Nga đưa quân vào đất nước này để bảo vệ vệ khu vực ly khai Abkhazia và Nam Ossetia.

Với câu chuyện Ukraine, Tổng thống Putin mô tả có một “mối đe dọa hiện hữu đối với sinh mạng và sức khỏe của những công dân Nga tại quốc gia láng giềng có 46 triệu dân”. Theo Reuters, phương Tây đang có cuộc đối đầu lớn nhất với Nga kể từ Chiến tranh Lạnh. Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk, lãnh đạo chính phủ sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ, cho rằng hành động vũ trang sẽ khơi mào chiến tranh, kết thúc mối quan hệ giữa Kiev với Mátxcơva.

Đến nay, vẫn không có dấu hiệu về hoạt động quân sự của Nga bên ngoài bán đảo Crimea. Đại sứ Ukraine tại LHQ đã yêu cầu Hội đồng Bảo an (HĐBA) tổ chức họp khẩn cấp để “làm mọi việc có thể ngay bây giờ” nhằm ngăn “sự gây hấn” của Nga, cụ thể là nhờ sự giúp đỡ của Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc. Tuy nhiên, theo AP, hành động cứng rắn của HĐBA dường như là điều không thể. Là một thành viên của cơ quan này, Nga có quyền phủ quyết, cản trở bất kỳ nghị quyết nào chỉ trích hoặc trừng phạt Mátxcơva.

Hơn nữa, phản ứng của phương Tây vấp phải chỉ trích gay gắt của Nga. Đại sứ Nga tại LHQ, ông Vitaly Churkin, cáo buộc phương Tây can thiệp vào các cuộc biểu tình gần đây ở Kiev, các cuộc tuần hành trên đường phố đã chuyển thành bạo lực xung quanh việc ông Yanukovych quyết định xích lại gần Nga, chứ không thân Liên minh châu Âu (EU). Nga cũng đã tạo điều kiện cho ông Yanukovych ẩn náu sau khi các nhà chức trách Ukraine phát lệnh bắt ông.

Ukraine đang cần phương Tây để cứu “con tàu đắm” kinh tế 35 tỷ USD, nhưng lại không muốn bị Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt. Còn Mátxcơva nếu áp dụng biện pháp trừng phạt Kiev thì cũng sẽ mất đi lợi nhuận đáng kể nhưng lại không muốn để mất ảnh hưởng tại quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ.  

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.