.

Tổng thống Vladimir Putin: Nga không thôn tính Crimea

.

Tổng thống Vladimir Putin ngày 4-3 khẳng định Mátxcơva không tìm cách đưa Crimea trở thành một phần lãnh thổ của Nga và chỉ người dân sống ở bán đảo này mới có thể quyết định tương lai của mình.

Tổng thống Vladimir Putin (giữa) thị sát cuộc tập trận gần St.Petersburg (Nga). Ảnh: AP
Tổng thống Vladimir Putin (giữa) thị sát cuộc tập trận gần St.Petersburg (Nga). Ảnh: AP

Tại buổi họp báo ở thủ đô Mátxcơva, Tổng thống Putin bác bỏ thông tin cho rằng chính phủ của ông đang cân nhắc việc sáp nhập Crimea vào nước Nga. Theo ông, Tổng thống bị lật đổ của Ukraine Viktor Yanukovych không ra lệnh bắn vào những người biểu tình trong cuộc nổi dậy chống lại nhà lãnh đạo này xung quanh một thỏa thuận thương mại với Mátxcơva. “Ông Yanukovych vẫn là Tổng thống hợp pháp của Ukraine”, Tổng thống Putin nói, nhưng thừa nhận người đồng minh Yanukovych hiện “không còn tương lai chính trị. Ông Yanukovych được cho là đang ẩn náu ở Nga để tránh lệnh bắt từ phía Ukraine.

Những nhận định trên là phát biểu đầu tiên của Tổng thống Putin kể từ khi ông Yanukovych rời Kiev vào tháng 2 vừa qua và đến Nga.

Cũng theo Tổng thống Putin, kể từ khi nắm quyền, chính phủ mới ở Ukraine không ổn định được các khu vực miền nam và phía đông; đồng thời, Quốc hội Ukraine cũng bất hợp pháp. “Chính phủ mới Ukraine là kết quả của một cuộc đảo chính”, ông Putin trả lời báo giới.

Xung quanh những thông tin về sự hiện diện của quân đội Nga ở Crimea, ông Putin cho biết, đó chỉ là những “lực lượng tự vệ địa phương”, chứ không phải là binh sĩ của nước ông. “Không cần thiết dùng đến lực lượng quân đội ở Ukraine lúc này”, người đứng đầu Điện Kremlin khẳng định. Ông còn nói thêm, việc sử dụng quân sự ở Ukraine sẽ là giải pháp cuối cùng nhưng điều này “hoàn toàn hợp pháp”, theo yêu cầu của Tổng thống bị lật đổ Yanukovych. Hơn nữa, nhiệm vụ của Nga là dùng tất cả những biện pháp để bảo vệ người dân Nga ở Ukraine.

Lực lượng Nga được cho là kiểm soát căn cứ không quân Belbek ở Crimea ngày 4-3.  Ảnh: Reuters
Lực lượng Nga được cho là kiểm soát căn cứ không quân Belbek ở Crimea ngày 4-3. Ảnh: Reuters

Nga thu quân, Ukraine hoài nghi

Cũng trong ngày 4-3, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hoan nghênh việc Nga thu quân mặc dù ông không chính thức xác nhận động thái của Mátxcơva, nhưng Ukraine hoài nghi thông tin này. Theo Reuters, Tổng thống Putin ra lệnh thu quân vào sáng sớm 4-3 sau 6 ngày tập trận dường như nhằm xoa dịu căng thẳng giữa khu vực phía đông và phía tây của Ukraine, trong lúc có những quan ngại xảy ra chiến tranh tại đất nước từng thuộc Liên Xô cũ. Ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Putin, khẳng định nhà lãnh đạo Điện Kremlin đã ra lệnh binh sĩ và các đơn vị trở về căn cứ đóng quân của họ.

Cuộc tập trận quy mô lớn có sự tham gia của khoảng 150.000 binh sĩ thuộc lực lượng bộ binh, hải quân và không quân, đóng ở miền trung và miền tây - khu vực rộng lớn bao gồm các vùng biên giới giáp Ukraine và trải rộng tới tận Bắc Cực; cùng xe tăng, máy bay, tàu chiến. Nhưng tập trận không bao gồm các đơn vị bên ngoài biên giới nước Nga, như Crimea - nơi hạm đội Hắc Hải (Biển Đen) Nga đang đồn trú. Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu hồi tuần trước khẳng định diễn tập quân sự lần này không liên quan đến các sự kiện đang diễn ra ở nước láng giềng Ukraine, nhưng việc Mátxcơva dàn quân khiến phương Tây lo ngại.

Ông Putin cùng các quan chức quốc phòng quan sát cuộc tập trận vào ngày cuối cùng (ngày 3-3). Tuy nhiên, đến ngày 4-3, căng thẳng ở bán đảo Crimea vẫn tăng cao khi các binh sĩ trung thành với Mátxcơva bắn súng cảnh cáo để phản đối các binh sĩ Ukraine. Ít nhất 700 binh sĩ Ukraine được cho là đào tẩu và tuyên bố sẵn sàng bảo vệ người dân ở Crimea. Trong lúc đó, Nga cũng bác bỏ thông tin đưa ra tối hậu thư yêu cầu Crimea đầu hàng.

EU ra tối hậu thư cho Nga

Đến lúc này, không có dấu hiệu rõ ràng cho thấy Nga có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt do kiểm soát khu vực Crimea - như cảnh báo của phương Tây. Các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) ra tối hậu thư cho Nga rằng, ngày 6-3, Mátxcơva phải rút quân khỏi Crimea, nếu không sẽ bị cấm visa, hủy bỏ các đàm phán hợp tác kinh tế lâu dài. Mỹ cũng tuyên bố không những cấm vận kinh tế mà còn ngừng hợp tác quân sự với “ông lớn” Nga. Song, theo các nhà quan sát, đây chỉ là đòn đe dọa của cả EU lẫn Mỹ bởi vẫn chưa có quyết định nào chính thức được đưa ra và có thông tin rò rỉ rằng, Anh sẽ phản đối việc “mạnh tay” với Nga.

Tổng thống Putin khẳng định việc trừng phạt nhằm vào Nga chỉ gây phản tác dụng cho phương Tây. Trong cái nhìn của ông, Mỹ sẽ không bỏ qua bất kỳ vùng đất nào có lợi. Một số nhà bình luận Nga và châu Âu nhắc lại việc Washington can thiệp vào Kosovo năm 1999 và xâm lược Iraq vào năm 2003 mà không có sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an LHQ. Các quan chức Nga cũng lặp đi lặp lại cảm giác nuối tiếc khi họ đã không phủ quyết sự can thiệp của NATO (có Mỹ hậu thuẫn) vào Libya vào năm 2011. Tất nhiên, những lý giải này bị Washington bác bỏ.

Sergei Glazyev - cố vấn kinh tế của ông Putin - nói rằng nếu bị cường quốc hàng đầu thế giới trừng phạt kinh tế, Mátxcơva buộc phải bỏ dự trữ USD và từ chối chi trả các khoản vay ở các ngân hàng Mỹ. Glazyev còn cho hay, Mátxcơva có thể kêu gọi mọi người bán USD nếu các doanh nghiệp và cá nhân bị Washington đóng băng tài khoản USD. “Chúng tôi luôn phản đối chính sách trừng phạt đơn phương. Tôi hy vọng các đối tác hiểu rằng những hành động như thế chỉ phản tác dụng”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vẫn giữ lập trường cứng rắn.

Trong lúc đó, sự chú ý lúc này cũng tập trung vào Ngoại trưởng Mỹ với thông điệp mà ông mang theo đến Kiev. AP cho biết, ông Kerry muốn bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với chính phủ mới Ukraine. Một điều khác thu hút sự quan tâm của dư luận và động thái của Kiev, đất nước có 46 triệu dân và từng thuộc Liên Xô cũ sẽ hành động như thế nào trước sự “cám dỗ” của Mỹ và những hợp đồng khí đốt với Nga. Ngay lập tức tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga phản ứng nhanh chóng bằng tuyên bố hoãn việc giảm giá khí đốt cung cấp cho Ukraine từ ngày 1-4 tới.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.