.

Những cơn sóng đảo chiều

.

Thế giới năm 2016 liên tiếp có những biến động khó lường. Những chuyên gia phân tích hàng đầu cũng không thể nào dự đoán hết được những con sóng đảo chiều đến ngỡ ngàng của nền chính trị thế giới trong một năm qua.

Việc người dân Anh bỏ phiếu rời EU làm cả châu Âu choáng váng.  Trong ảnh: Niềm vui của ông Nigel Farage (giữa), lãnh đạo đảng Độc lập Anh, người ủng hộ Brexit, trước sự lựa chọn của cử tri.
Việc người dân Anh bỏ phiếu rời EU làm cả châu Âu choáng váng. Trong ảnh: Niềm vui của ông Nigel Farage (giữa), lãnh đạo đảng Độc lập Anh, người ủng hộ Brexit, trước sự lựa chọn của cử tri.

Trước hết, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia nằm giữa hai châu lục Á - Âu, hiện lên sắc thái chính trị đa dạng, muôn màu. Ở đây, không chỉ có nạn khủng bố hoành hành; là đầu mối của “cơn địa chấn” di cư lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay; là vùng lõm cho các tổ chức khủng bố tuyển quân, mua sắm các trang thiết bị chiến tranh; mà còn là nơi diễn ra cuộc đảo chính bất thành, dẫn tới chiến dịch truy lùng chưa từng có với hàng chục vạn người là quan chức chính phủ, quân đội, an ninh, cảnh sát, công chức bị bắt giam, bị loại khỏi bộ máy công quyền.

Không những thế, Thổ Nhĩ Kỳ còn tạo nên những cơn sóng đảo chiều khác. Đó là mối quan hệ với Mỹ vốn là đồng minh chiến lược nhưng nay bị “đóng băng” do tác nhân của cuộc đảo chính bất thành gây ra; hay với Liên minh châu Âu (EU) bị “đứt gãy”, khi lời hứa sẽ đưa Ankara vào EU bị ngăn chặn đã làm Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tức giận bày tỏ quan điểm sẽ có biện pháp thay thế bằng việc gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Nga và Trung Quốc dẫn đầu, mở cửa cho dòng người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi tràn vào châu Âu.

Hành động đó của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm Mỹ và EU đứng ngồi không yên, khi họ chọn tiêu chí “nhân quyền” làm mục tiêu hàng đầu để thiết lập các mối quan hệ cả về chính trị lẫn kinh tế, quân sự. Nếu mất Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên của NATO, sẽ làm địa chiến lược của Mỹ và EU bị đảo lộn, nhất là trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Chưa hết, thế giới còn chứng kiến một sự kiện bất ngờ khi người Anh bỏ phiếu rời EU (Brexit). Việc Anh ra đi đúng là cơn sóng đảo chiều kỳ lạ, trong khi không ít quốc gia của châu Âu như Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine… trông đợi đến khắc khoải để được ngồi chung chiếu với 28 thành viên khác của EU. Sự kiện này làm nền kinh tế nước Anh cũng như nhiều nước liên quan bị thiệt hại nặng nề. Bên cạnh đó, việc đàm phán “chia tay” giữa Anh với EU là thách thức cho cả hai trong thời gian đến.

Trong khi đó, tại châu Á, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng tạo ra “cơn sóng thần” đầy kịch tính khi tuyên bố đi theo đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, không sử dụng “chiếc ô” bảo hộ của Mỹ lâu nay mà “để mở” cho mối quan hệ với nhiều quốc gia khác.

Để tỏ rõ điều đó, Tổng thống Duterte tuyên bố sẽ dừng các cuộc tập trận thường niên với Mỹ, không mua vũ khí của Mỹ và thậm chí có những lời nói “khó nghe” về Tổng thống Mỹ Barack Obama trên các diễn đàn quốc tế - một hành động chưa từng có của các nhà lãnh đạo nước này trong suốt 50 năm qua.

Tổng thống Duterte nhanh chóng quay sang làm bạn với Trung Quốc. Tháng 10-2016, ông Duterte đến Bắc Kinh để “phá băng” quan hệ, hai nước ký hàng loạt các hợp đồng kinh tế và thỏa thuận giải quyết các vấn đề song phương, trong đó có Biển Đông (?!).

Hành động của ông Duterte là cơn sóng ngược chiều mạnh mẽ nhằm vào Mỹ, làm các nhà hoạch định chính sách của Washington phải đau đầu, lúng túng. Bởi lẽ, nó sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược “xoay trục” của Mỹ sang châu Á - Thái Bình dương, nơi mà Trung Quốc đang mưu toan trỗi dậy một cách không hòa bình.

Song, có lẽ những cơn sóng đảo chiều ở tầm địa chấn dữ dội nhất lại xảy ra ngay tại nước Mỹ. Đó là cuộc chạy đua làm chủ nhân Nhà Trắng lần thứ 45 giữa cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton và ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Đây là cuộc “so găng” đầy kịch tính cho đến phút chót trên nhiều phương diện khác nhau như: tiền chi phí cho cuộc vận động tranh cử có sự chênh lệch rất cao giữa hai ứng cử viên; hai ứng cử viên có nhiều bế bối nhất trong lịch sử; sự chỉ trích nhau một cách nặng nề và tồi tệ nhất, thậm chí đòi bỏ tù đối thủ nếu trở thành tổng thống; sự phân hóa chưa từng có ngay trong nội bộ đảng Cộng hòa…

Không dừng lại ở những vấn đề nêu trên, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng gây nên những cú sốc đối với các hãng thăm dò dư luận và giới truyền thông khi đưa ra dự đoán sai lầm về người thắng cử.

Theo các nhà phân tích, khi ông Trump bước vào Nhà Trắng, nước Mỹ và thế giới có thể bị tác động sâu sắc, vì những gì mà nhiều đời Tổng thống trước đó đã tạo dựng, nhất là ông Obama, sẽ bị lật ngược hoàn toàn hoặc bị hủy bỏ một phần.

Nhưng có lẽ cơn sóng đảo chiều trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chính là sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội nước này.

Phần còn lại của thế giới, nhất là các quốc gia đồng minh chiến lược với Mỹ hiện có những quan ngại sâu sắc. Bởi lẽ, chủ trương “toàn cầu hóa” sẽ bị đảo chiều mạnh mẽ theo xu hướng bảo hộ mậu dịch khi hàng loạt các hiệp định thương mại giữa Mỹ với các nhóm nước sẽ được xem xét lại. Ông Trump còn tuyên bố sẽ hủy bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) ngay khi ông nhậm chức vào ngày 20-1-2017. Còn các hiệp định với khu vực Bắc Mỹ hay với EU cũng sẽ đặt lên bàn làm việc của ông ngay trong 100 ngày đầu tiếp quản Nhà Trắng.

Những biến động đảo chiều trong năm 2016 diễn ra đã làm các mối quan hệ truyền thống bị đổ vỡ, phá tan những xu hướng được gọi là tích cực, nhất là trong lĩnh vực kinh tế; từ đó đặt ra nhiều câu hỏi lớn để các nhà lãnh đạo thế giới phải nhanh chóng tìm ra các biện pháp hữu hiệu nhằm hóa giải những điều có thể hoặc không thể trong thời gian trước mắt lẫn lâu dài.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.