.

100 ngày thử thách của Tổng thống Donald Trump

.

Ngày 29-4 đánh dấu 100 ngày đầu của Tổng thống Donald Trump ở Nhà Trắng nhưng chính phủ Mỹ có thể phải “đóng cửa” vào đúng ngày này nếu không thông qua dự luật ngân sách. 100 ngày của ông Trump trôi qua trong nhiều sóng gió.

Tổng thống Donald Trump trải qua 100 ngày đầu tiên nhiều sóng gió ở Nhà Trắng. 				         Ảnh: AFP
Tổng thống Donald Trump trải qua 100 ngày đầu tiên nhiều sóng gió ở Nhà Trắng. Ảnh: AFP

Hãng NBC News cho rằng, trong 100 ngày đầu ở Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đối mặt với nhiều vấn đề. Nhà phân tích Jonathan Alter của MSNBC thậm chí gọi đây là khoảng thời gian tồi tệ nhất, ít thành công nhất của một nhà lãnh đạo kể từ khi khái niệm “100 ngày đầu tiên của các tổng thống Mỹ” xuất hiện vào năm 1993.

Niềm vui chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống đã trôi qua chóng vánh đối với ông Trump. Thay vào đó, tỷ phú của đảng Cộng hòa không có “tuần trăng mật” bởi ông phải thực hiện những cam kết để xua tan quan ngại về một tổng thống không hề có kinh nghiệm chính trị và tiếp quản Nhà Trắng nhờ sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy. Kết quả thăm dò dư luận vừa được công bố cho thấy, hiện ông nhận được sự ủng hộ của công chúng Mỹ ở mức thấp hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào trong hơn 7 thập niên qua, chỉ ở mức 42% (theo ABC News/Washington Post) và 40% (theo NBC News/Wall Street Journal); có đến 64% cho điểm kém hoặc trung bình đối với ông trong 100 ngày đầu tại nhiệm (theo NBC News/Wall Street Journal). Những con số này dự báo hơn 1.300 ngày còn lại của nhiệm kỳ tổng thống sẽ là giai đoạn đầy khó khăn.

Điều dễ nhận thấy nhất trong 100 ngày đầu làm tổng thống của ông Trump là việc dấy lên những nghi ngại về tầm nhìn chính trị tổng thể của người đứng đầu Nhà Trắng, trong đó có chủ trương “Nước Mỹ là trên hết”. Hàng loạt tuyên bố mâu thuẫn, hàng loạt phát ngôn tiền hậu bất nhất liên tiếp về cả đối nội lẫn đối ngoại khiến ông Trump không những “rớt” điểm, mà còn bị chỉ trích gay gắt. Chẳng hạn, đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông mô tả liên minh này là “một tổ chức thất bại và lỗi thời”. Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, ông Trump lại nói rằng, tổ chức này “không còn lỗi thời”.

Đối với Nga, ban đầu, Tổng thống Trump ca ngợi Tổng thống Vladimir Putin và khẳng định về một mối quan hệ tích cực giữa hai cường quốc. Song giờ đây, chính ông quay sang chỉ trích việc Mátxcơva ủng hộ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Theo đó, quan hệ Mỹ - Nga đang “lao dốc”.

Theo NBC News, chính sách đối ngoại của ông Trump, vốn gây sốc với cuộc không kích bất ngờ bằng 59 tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào căn cứ không quân Shayrat của Syria, hiện vẫn chưa rõ ràng. Giới quan sát nhận định, đây thực chất chỉ là màn dọa dẫm của ông đối với CHDCND Triều Tiên, chứ không phải nhằm vào Syria. Hay việc Tổng thống Trump điều động nhóm tàu USS Carl Vinson đến bán đảo Triều Tiên cũng chỉ là động thái răn đe Bình Nhưỡng chứ không phải là “một cuộc tấn công phủ đầu” và “Mỹ sẽ đơn phương hành động” như ông tuyên bố.

Đối với các vấn đề trong nước, sắc lệnh hành pháp của ông Trump vừa đưa ra cũng đã thất bại, trong đó có sắc lệnh hạn chế nhập cảnh, khơi mào cho cuộc chiến pháp lý giữa chính phủ và ngành tư pháp. Sắc lệnh sửa đổi về hạn chế nhập cảnh của ông Trump sẽ được đưa ra tòa phúc thẩm vào tháng tới.
Đó là chưa kể đến đạo luật chăm sóc sức khỏe, được gọi là “Trumpcare”, nhằm bãi bỏ và thay thế đạo luật Obamacare đã bị chính ông rút lại trước khi được bỏ phiếu tại Hạ viện. “Trumpcare” sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội trong tuần này nhưng nhiều khả năng không thành công bởi nếu hủy bỏ Obamacare, chi tiêu của Chính phủ Mỹ có thể bị “đội” thêm 2,3 tỷ USD vào năm 2018.

Hiện vấn đề “nóng” nhất đối với Tổng thống Trump là ngăn chặn việc chính phủ phải “đóng cửa” do cạn tiền vào ngày 29-4, đúng ngày thứ 100 ông nắm quyền. Vì vậy, ông thúc giục đảng Dân chủ thông qua khoản ngân sách xây bức tường biên giới với Mexico để đổi lấy ngân sách cho chương trình Obamacare. Song, hiện các nghị sĩ Dân chủ vẫn bác bỏ đề nghị này.

Theo thăm dò của ABC News/Washington Post, chỉ 42% người Mỹ ủng hộ cách giải quyết công việc của Tổng thống Donald Trump, trong khi có đến 53% phản đối. Lúc ông Barack Obama mới tiếp quản Nhà Trắng gần 100 ngày, gần 70% cử tri ủng hộ cách giải quyết công việc của ông, chỉ 26% phản đối. Tính trung bình các tổng thống Mỹ tiền nhiệm của ông Trump nhận được 69% sự ủng hộ và 19% phản đối.

Theo thăm dò của NBC News/Wall Street Journal, gần 2/3 người Mỹ (64%) cho ông Trump “điểm kém hoặc trung bình với 100 ngày đầu tiên tại nhiệm”, trong đó 45% nói rằng ông có một “khởi đầu kém”.

Năm 2009, 54% người Mỹ đánh giá ông Obama có “sự khởi đầu tốt hoặc tuyệt vời” trong 100 ngày đầu tiên, so với 46% cho ý kiến ngược lại.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.