Nga - Ấn "bắt tay" hợp tác quốc phòng

.

Dự kiến Nga và Ấn Độ sẽ ký kết hơn 20 thỏa thuận trong các lĩnh vực, từ quốc phòng, năng lượng hạt nhân, đến không gian và kinh tế trong chuyến thăm New Delhi của Tổng thống Vladimir Putin. Đáng chú ý nhất là các thỏa thuận vũ khí trị giá hàng tỷ USD.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) muốn thúc đẩy quan hệ với chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông qua hàng loạt thỏa thuận.                                                  Ảnh: AFP
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) muốn thúc đẩy quan hệ với chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông qua hàng loạt thỏa thuận. Ảnh: AFP

Điện Kremlin xác nhận, nội dung chính trong chuyến thăm New Delhi 2 ngày 4 và 5-10 của Tổng thống Vladimir Putin là ký thỏa thuận mua bán hệ thống phòng không S-400 trị giá 5 tỷ USD, bất chấp việc Mỹ tuyên bố sẽ trừng phạt những quốc gia mua thiết bị quốc phòng của Nga.

Theo đó, Tổng thống Putin và Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi sẽ bàn thảo về thỏa thuận 4 tàu chiến lớp Krivak trị giá 2 tỷ USD và 200 trực thăng Ka-226 trị giá 1 tỷ USD. Đối với S-400, các chuyên gia cho rằng, Ấn Độ cần hệ thống này để khắc phục những lỗ hổng trong phòng vệ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và các mối đe dọa từ Pakistan.

Ngay trước thềm chuyến công du của Tổng thống Putin, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi tất cả đồng minh và đối tác không thực hiện giao dịch với Nga, nếu không sẽ dẫn đến các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA), vốn được ban hành vào tháng 8-2017.

Hãng thông tấn PTI của Ấn Độ dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định: việc nâng cấp hệ thống vũ khí, trong đó có S-400 và hệ thống phòng tên lửa sẽ là nội dung chính bị trừng phạt theo CAATSA. Mới đây, Mỹ đã áp đặt trừng phạt một cơ quan thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc dựa trên CAATSA vì mua máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35 và hệ thống tên lửa S-400 của Nga.

Song, theo Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman, sự trừng phạt của Mỹ không ảnh hưởng đến quan hệ quốc phòng giữa New Delhi với Moscow. Ông Uday Bhaskar, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Chính sách xã hội Ấn Độ bày tỏ lo ngại rằng, thỏa thuận hợp tác quốc phòng nếu được ký sẽ tác động đến mối quan hệ giữa Ấn và Mỹ bởi Washington đã liên tục cảnh báo New Delhi về hậu quả khi mua vũ khí Nga.

Theo báo Al Jazeera, Mỹ hiện muốn thắt chặt quan hệ với Ấn Độ để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Vì vậy, Washington chắc hẳn sẽ không làm phật lòng New Delhi. Mỹ và quốc gia Nam Á này cũng đã công bố kế hoạch tập trận quân sự chung trong năm 2019, đồng thời thống nhất trao đổi thông tin quân sự. Mỹ hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Ấn Độ, trong khi giữ vị trí số 1 là Nga. Hàng loạt thỏa thuận mới giữa Nga và “người khổng lồ” châu Á sẽ là thắng lợi lớn đối với Moscow và đương nhiên sẽ khiến Washington không thể làm ngơ.

Việc Ấn Độ muốn “bắt tay” với Nga cũng không phải là điều gây ngạc nhiên. Trong suốt Chiến tranh Lạnh, quốc gia Nam Á này được Liên Xô cũ hỗ trợ về thiết bị quân sự, nông nghiệp và những trợ giúp kinh tế khác. Ngày nay, phần lớn thiết bị quân sự hạng nặng của Ấn Độ có nguồn gốc Nga và Liên Xô, nhất là các xe tăng T-90 và T-72, máy bay Sukhoi, MiGs… New Delhi cũng là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, trong cuộc gặp lần này, hai nhà lãnh đạo Putin và Modi sẽ bàn thảo về khả năng xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ hai của Nga. Nhà máy điện hạt nhân Kudankulam là một trong những dự án chiến lược chính của sự hợp tác Nga - Ấn Độ. Moscow đang mở rộng dự án này.

Nhà phân tích R.R. Subramanian về các vấn đề chiến lược ở New Delhi nói với hãng AFP: “Nga là người bạn đã được kiểm chứng qua thời gian”. Đây là điều thuận lợi trong sứ mệnh tìm kiếm phương thức củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Nga - Ấn của ông Putin khi đến New Delhi.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.