Làn sóng thịnh nộ ở Pháp: Đâu là nguồn cơn?

.

Ngày 2-7, biểu tình bạo lực tại Pháp bước sang ngày thứ 5 sau vụ cảnh sát bắn chết thanh niên gốc Phi 17 tuổi vì không tuân thủ luật giao thông. Làn sóng bất ổn xã hội lan rộng và chưa từng có tại Pháp lần này đặt câu hỏi liệu đâu mới là nguyên nhân sâu xa của thực trạng vốn đang có chiều hướng gia tăng gần đây tại nước này.

Biểu tình bạo lực tại Pháp sau vụ cảnh sát bắn chết một thanh niên. Ảnh: Reuters
Biểu tình bạo lực tại Pháp sau vụ cảnh sát bắn chết một thanh niên. Ảnh: Reuters

Những ngày qua, xã hội Pháp trở nên bất ổn khi trường học, tòa thị chính, bưu điện… bị đốt cháy; cướp bóc tại các siêu thị và cửa hàng khiến công chúng phẫn nộ và kêu gọi nhanh chóng áp đặt lệnh giới nghiêm. Đây là “cơn đau đầu” tồi tệ nhất đe dọa vai trò lãnh đạo của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kể từ khi biểu tình “Áo vàng” làm “tê liệt” phần lớn nước này vào cuối năm 2018, đồng thời khiến lực lượng thực thi pháp luật tiếp tục căng mình ứng phó bạo lực bởi không lâu trước đó tình trạng tương tự diễn ra sau khi “cuộc đại tu” về lương hưu được thông qua.

Đâu là nguyên nhân sâu xa

Theo The Guardians, nước Pháp trải qua đêm 1-7 “yên tĩnh” hơn khi mức độ bạo lực giảm đôi chút từ khi bạo loạn lần đầu nổ ra sau cái chết của thanh niên gốc Algeria và Morocco tên Nahel Merzouk ở ngoại ô Nanterre (Paris). Giới phân tích tiếp tục tranh luận về nguồn cơn cho sự giận dữ bùng phát khắp nước Pháp. RT dẫn lời Tổng thống Macron cho biết, khoảng một phần ba những người biểu tình bị bắt đều rất trẻ, ở độ tuổi trung bình 17.

Ông Macron lập luận, điều này cho thấy internet đang ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em và thanh-thiếu niên. “Nền tảng truyền thông xã hội và trò chơi điện tử trở thành tác nhân quan trọng dẫn đến bạo lực những ngày gần đây. Snapchat, TikTok và một số ứng dụng khác đóng vai trò là nơi tổ chức tụ tập bạo lực và có hình thức bắt chước bạo lực khiến các thanh niên lạc lối. Họ xuống đường để diễn lại trò chơi điện tử khiến họ say mê”, ông chủ Điện Elysee nói.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, câu chuyện của Merzouk còn phản ánh sự phẫn nộ của những người trẻ thuộc cộng đồng nhập cư có thu nhập thấp sinh sống trong những khu nhà giống như khu ổ chuột ở vùng ngoại ô. Nghèo đói, thất nghiệp, cơ hội sống hạn chế là những vấn đề mà họ đối diện. Vụ việc cũng cho thấy “hố sâu nguy hiểm” ngày càng rộng ra, ngăn cách những người giàu và người nghèo ở nước này.

Đây không phải là sự cố cá biệt mà phản ánh những vấn đề rộng lớn hơn trong chính sách, quan hệ chủng tộc và xã hội của Pháp. Do đó, Cơ quan giám sát nhân quyền của Liên Hợp Quốc lưu ý, vụ bắn chết Merzouk là thời điểm để Chính phủ Pháp giải quyết nghiêm túc các vấn đề sâu xa về phân biệt chủng tộc, đặc biệt là phân biệt chủng tộc trong thực thi pháp luật.

Sau 5 ngày bạo loạn, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng, tình hình hiện nay phần lớn là kết quả của gần một phần tư thế kỷ Chính phủ Pháp chưa chú trọng siết chặt kỷ cương luật pháp và trật tự thiết yếu. Giờ đây, người Pháp dễ tức giận, có thể biểu tình về mọi thứ, từ chuyện cải cách lương hưu cho đến sai phạm của cảnh sát, và dường như Tổng thống Macron phải học cách “làm quen” với thực trạng dai dẳng này. 

“Cơn đau đầu” của ông Macron

Ông Macron có thể phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng khi lực lượng cảnh sát ngày càng tỏ ra cứng rắn với biểu tình, cũng như nguy cơ bạo lực tiếp tục bùng phát trong vài tuần, hoặc lâu hơn, như những gì xảy ra năm 2005. Nhiệm vụ trước mắt mà Chính phủ Pháp phải giải quyết là ưu tiên lập lại trật tự xã hội sớm nhất có thể để giảm thiểu tác động của sự vụ này.

Sự bất ổn trong xã hội Pháp có nguy cơ làm tổn hại đến vị thế quốc tế của ông Macron vào thời điểm muốn đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực tháo ngòi xung đột ở Ukraine và được coi là nhà môi giới quyền lực số một châu Âu. Trong diễn biến cực kỳ đáng tiếc, ông đành phải hoãn chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức ngày 2-7 để tập trung giải quyết bạo lực. Nếu diễn ra theo kế hoạch, đây sẽ là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một tổng thống Pháp tới Đức sau 23 năm.

Ông Macron cũng cắt ngắn lịch trình tham dự hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu tại Brussels tuần này. Như vậy, sau nhiệm kỳ đầu tiên bị chi phối bởi việc ứng phó biểu tình của “Áo vàng” và sau đó là tác động của Covid-19, nhiệm kỳ thứ hai của ông Macron một lần nữa phải loay hoay khắc phục sự cố do bất ổn xã hội, thay vì thực thi chính sách mới phát triển đất nước. Theo ước tính ban đầu, thiệt hại do bạo lực lên tới hơn 109 triệu USD và con số này chắc chắn còn tăng.

Bộ Ngoại giao các nước, trong đó có Anh, Mỹ, ban hành cảnh báo an toàn cho khách du lịch sau khi biểu tình ở Pháp trở thành bạo loạn. Các nước kêu gọi công dân của mình tại Pháp chú ý an toàn, tránh tới các khu vực tập trung đông người biểu tình hoặc xảy ra tình trạng bạo lực, tăng cường các biện pháp đề phòng nhằm bảo đảm an toàn cá nhân. Theo SCMP, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Marseille đã khiếu nại với Chính phủ Pháp về việc chiếc xe chở du khách của nước này bị đập vỡ kính cửa sổ do bạo loạn khiến 5 người bị thương.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.