Những dấu ấn lần đầu đến với nước Nga Xô Viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh

.

Báo Sự thật (Pravda), cơ quan của Trung ương Đảng Cộng sản LB Nga (KPRF) ngày 30-6 đã đăng bài “Hồ Chí Minh với nước Nga” của nhà Việt Nam học kỳ cựu người Nga Evgeny Kobolev nhân kỷ niệm 100 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đặt chân đến nước Nga Xô Viết, điểm lại những hoạt động và dấu ấn của Bác trong thời kỳ này.

Bài báo đăng trên tờ Pravda.
Bài báo đăng trên tờ Pravda.

Bài viết cho rằng chuyến đi đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nước Nga kéo dài khoảng một năm rưỡi và hóa ra rất hiệu quả. Tháng 10-1923, Bác trở thành Uỷ viên thường trực Cục Phương Đông của Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản. Hiện nay, một tấm bảng tưởng niệm bằng đá granit gắn trên tường một tòa nhà cũ trên Phố Mokhovaya ở trung tâm thủ đô Moskva, ngay đối diện với tòa nhà Manezh, ghi lại điều này.

Tháng 12-1923, Osip Mandelstam, phóng viên tạp chí Ogonyok (Ngọn lửa nhỏ), sau này là nhà thơ Nga nổi tiếng, đã phỏng vấn Bác. Ông Mandelstam đã viết một ký sự rất thú vị mang tên “Nguyễn Ái Quốc. Thăm một Ủy viên Ban chấp hành”, và đưa ra những lời bình nhìn xa trông rộng: “Toàn bộ diện mạo Nguyễn Ái Quốc mang hơi thở của sự khéo léo và tế nhị bẩm sinh ... Ở anh ấy toát ra thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là văn hóa của tương lai ...”.

Vào một trong những ngày từ ngày 22-25-1-1924, Nguyễn Ái Quốc đã tham gia lễ tang tiễn biệt Vladimir Ilich Lenin tại Tòa nhà Công đoàn. Ngày 27-1-2024, báo Sự thật đăng bài “Lenin và các dân tộc thuộc địa”, trong đó, dựa trên học thuyết của Lenin, lần đầu tiên Người đề ra chương trình đấu tranh giải phóng dân tộc cho Việt Nam - cơ sở của “tư tưởng Hồ Chí Minh” trong tương lai.

Cuối cùng, trong kho lưu trữ của Quỹ Điện ảnh Nhà nước Nga vẫn còn lưu giữ một đoạn video thời sự bất ngờ: vào một trong những ngày tháng 7-1924, những người tham gia lễ hội trên Đồi Lenin ở thủ đô Moskva đã tung một thanh niên châu Á (chính là Nguyễn Ái Quốc) trên tay họ. Máy quay phim chiếu cận cảnh và hóa ra đây là một "đại diện của Đông Dương", người mà hai thập kỷ nữa thế giới sẽ biết đến với cái tên Hồ Chí Minh.

Điều quan trọng là ngay từ đầu, sau khi Hồ Chí Minh đến nước Nga Xô viết, quan hệ Nga-Việt đã mang tính chất “quan hệ đoàn kết đặc biệt”. Trong giai đoạn 1923-1924, một số lượng lớn các diễn đàn quốc tế khác nhau đã được tổ chức tại Moskva: Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V, Đại hội Quốc tế Công đoàn lần thứ III, Đại hội Nông dân Quốc tế lần thứ I, Đại hội Thanh niên Cộng sản Quốc tế lần thứ IV, Đại hội các tổ chức quốc tế ủng hộ các chiến sĩ cách mạng lần thứ I. Tại tất cả các sự kiện này, "đại diện của các dân tộc Đông Dương" được mời với tư cách là đầy đủ, nơi Người có thể phát biểu và tham gia bỏ phiếu. Tại Đại hội Nông dân Quốc tế lần thứ I, Nguyễn Ái Quốc đã được các nước châu Á bầu vào ban lãnh đạo tổ chức này.

Ngay từ những ngày đầu ở nước Nga Xô viết, Hồ Chí Minh đã nhận thấy tầm quan trọng to lớn của việc đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị Việt Nam cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc sau này, và trong một thời gian dài, nhiệm vụ này đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của Người. Năm 1924, Hồ Chí Minh cũng tham gia các khóa ngắn hạn tại Đại học Cộng sản của Nhân dân Lao động phương Đông, và năm 1935-1938, trong lần thứ hai đến Moskva, Người trở thành sinh viên Trường Quốc tế Lenin, nơi các cán bộ cách mạng nước ngoài theo học. .

Trong bài báo đăng ngày 21-3-1924 dưới dạng “thư từ Moskva” trên báo La Vie Ouvrier ở Paris (Pháp), Hồ Chí Minh đã xác định ngắn gọn ý nghĩa không thể phủ nhận sự tồn tại của nước Nga Xô viết, sự giúp đỡ và ủng hộ của nước này đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân mình cũng như cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức khác: “Những người Bolshevich không giới hạn mình trong các phát biểu của Platon, mà còn thông qua các nghị quyết nhân đạo về các dân tộc bị áp bức, dạy cho các dân tộc bị áp bức cách đấu tranh. Họ giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất... Nước Nga cách mạng, không một chút do dự, đã giúp đỡ các dân tộc, mà bằng chính tấm gương cuộc cách mạng thắng lợi của mình, đã thức tỉnh sau một giấc ngủ dài …”

Chính Hồ Chí Minh là người đã mở đường cho hàng chục nhà cách mạng Việt Nam trong giai đoạn 1927-1939 học ở Moskva, tại các cơ sở giáo dục chính trị khác nhau và nắm vững khoa học về đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong số đó có những chiến sĩ đấu tranh xuất sắc cho nền độc lập của Việt Nam như: Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương Trần Phú; một trong những Tổng bí thư Trung ương Đảng, phi công đầu tiên của Việt Nam Lê Hồng Phong; một trong những người lãnh đạo Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 Nguyễn Thị Minh Khai, Viện trưởng đầu tiên của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Khánh Toàn, nhà khoa học lịch sử kỳ cựu Việt Nam Trần Văn Giàu và nhiều người khác.

Trong những năm trước thắng lợi Cách mạng tháng Tám, Hồ Chí Minh đã 3 lần sang Liên Xô: các năm 1923-1924, 1927-1928 và 1934-1938. Tổng cộng, Người đã dành hơn 6 năm ở Nga. Sau khi trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã nhiều lần sang thăm chính thức Liên Xô. Không thể không lưu ý rằng Hồ Chí Minh là nhân vật nước ngoài duy nhất đã đến thăm tất cả các nước cộng hòa thuộc Liên Xô. Tất cả những năm tháng này mãi mãi đưa Người trở thành người bạn tuyệt vời của nhân dân LB Nga. Không phải ngẫu nhiên mà ở Liên Xô, Bác được xem như người "đặt nền móng cho tình hữu nghị anh em" giữa nhân dân hai nước và ra sức đóng góp cho sự phát triển và củng cố tình hữu nghị đó.

Tháng 5-1950, ở đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khi còn 4 năm nữa là đến ngày thắng lợi và lập lại hòa bình ở Việt Nam, Người đã đưa ra sáng kiến ​​thành lập Hội Hữu nghị Việt-Xô. Người cũng đề người bạn và là người đồng chí thân thiết nhất của mình là Tôn Đức Thắng, người năm 1919 đã tham gia cuộc nổi dậy của các thủy thủ Pháp ở Odessa để ủng hộ nước Nga Xô viết, làm người đứng đầu tổ chức này. Ngày nay, Hội Hữu nghị Việt-Nga cùng với đối tác Nga là Hội Hữu nghị Nga-Việt đang có những đóng góp quan trọng trong việc củng cố và phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa LB Nga và Việt Nam.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.