.

Châu Âu thỏa hiệp trong đau đớn

Cuối cùng thì tiến trình đàm phán khó khăn cũng khép lại, Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận để Ankara hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay.

Thỏa thuận bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20-3. Theo đó, toàn bộ người nhập cư trái phép từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp sẽ bị trả ngược lại. Với mỗi một người bị trả lại như thế, EU sẽ chấp nhận tạo nơi cư trú an toàn cho một người tị nạn Syria đang ở trong các khu lều trại của Thổ Nhĩ Kỳ.

Song, để có được thỏa thuận “một đổi một” trên, EU phải đau đớn chấp nhận các điều kiện của Thổ. EU phải nhanh chóng thúc đẩy các cuộc đàm phán về việc kết nạp Thổ làm thành viên, tăng gấp đôi tiền hỗ trợ người tị nạn tại nước này lên 6 tỷ euro (6,8 tỷ USD) và cấp tự do đi lại cho 75 triệu công dân Thổ trong hầu như toàn bộ châu Âu.

Dường như châu Âu không còn sự lựa chọn nào khác để ngăn dòng người tị nạn, ngoài việc phải “bắt tay” với Thổ. Việc kiểm soát biên giới sẽ vô ích nếu không có sự hỗ trợ, hợp tác từ phía Thổ Nhĩ Kỳ để chặn đứng tuyến đường huyết mạch mà người tị nạn sử dụng để tiến vào châu Âu cũng như ngăn chặn nạn buôn người.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu gọi ngày 18-3 (ngày ký thỏa thuận) là ngày lịch sử. “Hôm nay, chúng tôi nhận ra rằng, Thổ Nhĩ Kỳ và EU có chung vận mệnh, chung thách thức và chung tương lai”, ông Davutoglu nói. Mỹ cho rằng, thỏa thuận đi đúng hướng và là bước tiến quan trọng trong nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhập cư. Các nhà lãnh đạo EU cũng hoan nghênh thỏa thuận nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo vẫn còn những thách thức pháp lý cần phải vượt qua bởi thỏa thuận này có thể vi phạm luật quốc tế trong việc cấm trục xuất người tị nạn.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng thừa nhận việc thực thi thỏa thuận trên thực tế sẽ rất phức tạp. Vấn đề trọng tâm của thỏa thuận - việc gửi trả lại toàn bộ người nhập cư trái phép từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp - gây tranh cãi nhiều nhất và vấp phải sự phản đối của nhiều tổ chức nhân quyền.

Minh chứng rõ nhất cho sự phản đối này là hàng ngàn người đã tuần hành ở các thành phố: London (Anh), Athens (Hy Lạp), Barcelona (Tây Ban Nha), Vienne (Áo), Amsterdam (Hà Lan) và một số thành phố của Thụy Sĩ vào ngày 19-3.

Vẫn chưa rõ việc di chuyển di dân sẽ như thế nào và có bao nhiêu người nhập cư mới từ Thổ đến Hy Lạp sẽ bị trả lại. Song, theo AFP, Hy Lạp không gửi trả lại người nhập cư cho Thổ cho đến ngày 4-4. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras yêu cầu các bộ trưởng sẵn sàng bắt đầu trục xuất người tị nạn nhưng các quan chức nói rằng, họ cần thêm thời gian chuẩn bị và chờ đợi bổ sung nhân viên hỗ trợ.

Hơn 1 triệu người đã đến châu Âu vào năm ngoái, trong đó hầu hết là những người chạy nạn do chiến tranh và nghèo đói ở Syria, Afghanistan và nước khác ở Trung Đông. Hiện có 47.500 người tị nạn đang ở Hy Lạp, trong đó 8.200 người ở trên các đảo và 10.500 người sống tại khu lều tạm Idomeni, khu vực biên giới với Macedonia.

Việc gồng gánh cuộc khủng hoảng nhập cư và kinh tế đang đẩy Hy Lạp vào sự kiệt quệ. Trung bình mỗi năm, Hy Lạp phải bỏ ra gần 1 tỷ euro cho người tị nạn và nước này trở thành một trại tị nạn khổng lồ và nền kinh tế đứng trước nguy cơ sụp đổ nếu EU không ra tay cứu bằng việc gửi trả lại người nhập cư từ Thổ đến Hy Lạp. EU rồi sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền cho “canh bạc” với Thổ Nhĩ Kỳ. Song, vấn đề được đặt ra lúc này là hiệu quả khi thực thi thỏa thuận sẽ như thế nào và tình hình bất ổn về an ninh ở Thổ Nhĩ Kỳ có bảo đảm để di chuyển dòng người tị nạn hay không.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.