.

Hiệu quả từ mô hình "Cổng trường bình yên"

.

Sau một năm triển khai mô hình “Cổng trường bình yên” tại Trường THCS Nguyễn Huệ, phường Thạch Thang (quận Hải Châu), tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường này cơ bản đã được hạn chế.

Việc triển khai mô hình “Cổng trường bình yên” đã góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường.
Việc triển khai mô hình “Cổng trường bình yên” đã góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường.

Hết cảnh lộn xộn trước cổng trường

Trường THCS Nguyễn Huệ có số lượng học sinh đông trên 2.000 em, do đó mật độ giao thông vào giờ cao điểm khi học sinh đến trường và tan học là rất lớn. Hơn nữa, trường lại nằm ở trung tâm thành phố, chung quanh có nhiều cơ quan, công sở nên tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ, đặc biệt là khu vực trước cổng trường, thường xuyên xảy ra vào giờ cao điểm.  

Anh Phạm Phú An Nhân, Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Nguyễn Huệ, nguyên Bí thư Chi đoàn trường cho biết: Năm 2015, dưới sự chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường, Chi đoàn Trường THCS Nguyễn Huệ đã đưa ra giải pháp mới trên cơ sở những phương pháp đã làm trong nhiều năm qua để thực hiện hiệu quả mô hình “Cổng trường bình yên”.

Đến nay, mô hình này đã chuyển biến rõ nét, hiệu quả cao và được nhiều trường học trên địa bàn thành phố học tập, nghiên cứu áp dụng. “Hiệu quả thiết thực của mô hình “Cổng trường bình yên” là tình trạng vi phạm trật tự đô thị, ùn tắc giao thông trước cổng trường vào giờ cao điểm khi học sinh đến trường và tan học đã giảm mạnh, các phương tiện đưa đón học sinh của các bậc phụ huynh được dựng, đỗ ngay ngắn, đúng nơi quy định, ý thức chấp hành giao thông của các em học sinh, các bậc phụ  huynh chuyển biến rõ nét”, anh Nhân cho hay.

Ghi nhận tại Trường THCS Nguyễn Huệ vào giờ tan học cho thấy, tình trạng lộn xộn đưa đón con trước cổng trường đã không còn xảy ra như trước đây, thay vào đó, xe máy của các bậc phụ huynh đến đón con được chính các em học sinh và giáo viên nhà trường hướng dẫn để đúng vị trí trong sân trường theo quy định.

Dắt xe máy vào vạch chỉ dẫn, chị Lê Thị Hương (trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu) đến đón con gái học lớp 7 cho biết: “Trước đây, ai cũng nháo nhào chạy xe chen lấn sát cổng trường để đón con cho tiện, khiến giao thông hỗn loạn. Từ khi nhà trường nhắc nhở, tuyên truyền, tổ chức chỗ đậu đỗ xe trong sân trường theo sự chỉ dẫn của giáo viên, tình trạng ùn tắc, chen lấn đã không còn xảy ra nữa”.

Bên ngoài cổng trường, vào giờ cao điểm, lực lượng chức năng chốt trực để hướng dẫn phụ huynh đưa xe vào đúng nơi quy định trong sân trường để đón con; đồng thời nhắc nhở các trường hợp vi phạm để xe dưới lòng đường, trên vỉa hè và xử phạt các trường hợp cố ý không chấp hành quy định.

Anh Thành, một phụ huynh cho biết: “Hiện khu vực trước cổng Trường THCS Nguyễn Huệ, tình trạng ùn tắc giao thông đã không còn xảy ra, nhưng mới đây lại xuất hiện tình trạng đậu đỗ ô-tô dưới lòng đường trước trường, làm cản trở giao thông khi vào giờ cao điểm. Vì vậy, để bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), đề nghị các ngành chức năng đưa ra giải pháp cấm đậu ô-tô tại khu vực này”.

Tìm giải pháp tốt để đảm bảo an toàn giao thông

Thầy giáo Nguyễn Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ cho biết, khi triển khai mô hình “Cổng trường bình yên”, khó nhất là thiếu chỗ đậu, đỗ xe. Ban đầu, trường đã bố trí chỗ đậu xe trên lề đường trước cổng trường nhưng lề đường quá cao, phụ huynh khó đi xe lên; hơn nữa giờ cao điểm cũng không đủ chỗ đậu xe, nên nhà trường đã đưa ra giải pháp cho các bậc phụ huynh đưa xe vào trong sân trường trước khoảng 10 phút tan học.

Cũng theo thầy Hồng, để xây dựng mô hình “Cổng trường bình yên” đạt hiệu quả, Chi đoàn thanh niên nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tới 100% học sinh, các bậc phụ huynh về Luật Giao thông đường bộ, ý thức văn hóa khi tham gia giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường.

Ngoài ra, tuyên truyền, chỉ dẫn khu vực dừng, đỗ xe đến từng phụ huynh học sinh, tổ chức phân luồng giao thông, chỉ dẫn giao thông cho các bậc phụ huynh, các em học sinh cũng như thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, qua các buổi họp phụ huynh.

Bên cạnh đó, nhà trường đã thành lập đội ATGT của trường và đội trực ATGT học sinh. Đội ATGT nhà trường do Chi đoàn trường đảm nhận với nhiệm vụ phân công lịch trực ATGT cho từng đoàn viên vào những buổi phù hợp. Đội ATGT học sinh gồm 200 em, được chọn lọc ở khối lớp 8 và lớp 9, mỗi lớp 10 học sinh có học lực và hạnh kiểm tốt, gương mẫu, tích cực. Chi đoàn nhà trường đã tổ chức tập huấn cho các em trong Đội ATGT học sinh cách thức trực, phân công mỗi lớp 2 em trực một buổi, và phân vị trí, nhiệm vụ trực cụ thể cho từng lớp nhằm nhắc nhở các bạn ra về theo quy định.

“Mô hình “Cổng trường bình yên” không đòi hỏi về vấn đề tài chính, và khi học sinh đã hình thành cho mình một thói quen và ý thức cao thì thời gian cùng công sức dành cho mô hình không phải là một vấn đề quá lớn lao. Mặc dù mô hình đã đạt được những hiệu quả nhất định, song nhà trường sẽ tiếp tục chỉ đạo Chi đoàn trường duy trì, không ngừng tìm tòi những biện pháp tốt hơn nữa để đảm bảo ATGT trước cổng trường, phù hợp với sự thay đổi và phát triển từng ngày của xã hội”, thầy Hồng cho hay.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.