CHUYỆN CUỐI TUẦN

Nơi an toàn cho trẻ

.

Trong những ngày qua, những vụ việc xâm hại trẻ em – kể cả những nơi “an toàn” như gia đình, cơ sở mầm non, đã gióng lên hồi chuông báo động về sự mất an toàn cho trẻ.

Trước thực trạng đó, ngày 30-11, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ hoặc không xử lý các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em; tăng cường giải pháp công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

UBND thành phố Đà Nẵng cũng vừa có văn bản giao UBND các quận, huyện chỉ đạo kiểm tra, rà soát tất cả các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn về bảo đảm các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, về đội ngũ người lao động tại các trường mầm non tư thục và nhóm, lớp độc lập tư thục. Trong đó, chính quyền thành phố yêu cầu có báo cáo chuyên đề về loại hình ngoài công lập - đặc biệt là nhóm, lớp độc lập tư thục quy mô từ 8 đến 50 trẻ và nhóm dưới 7 trẻ. UBND thành phố  yêu cầu UBND các quận, huyện rà soát lại đội ngũ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và người lao động tại các trường mầm non tư thục và nhóm, lớp độc lập tư thục theo đúng quy định của điều lệ trường mầm non…

Có thể thấy, đây là những động thái nhằm bảo đảm một nơi an toàn cho trẻ được lớn lên trong vòng tay yêu thương thực sự, được chăm sóc chu đáo…; từ đó hình thành một thế hệ công dân tương lai lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.

Đà Nẵng hiện có 205 trường mầm non kể cả công lập và ngoài công lập, số nhóm lớp độc lập tư thục quy mô từ 8 trẻ đến 50 trẻ (đã được cấp phép) là 705 nhóm, nhóm dưới 7 trẻ: 407 nhóm. Đặc biệt, trong đó, quận Liên Chiểu là nơi tập trung phần lớn công nhân ở Đà Nẵng thì chỉ có 7 trường mầm non công lập trên tổng số 43 trường mầm non, và có 104 nhóm lớp độc lập tư thục nhận từ 8 đến 50 trẻ, 58 nhóm lớp nhận dưới 7 trẻ.

Đà Nẵng cũng là một trong 10 tỉnh, thành trên toàn quốc được hỗ trợ từ Đề án 404 Trung ương (Đề án hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, chế xuất đến năm 2020), chủ cơ sở các nhóm lớp độc lập tư thục và cấp dưỡng của nhóm trẻ được tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do ngành giáo dục tổ chức như truyền thông về chăm sóc trẻ, kiến thức dinh dưỡng; được hỗ trợ về trang thiết bị như đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học và học liệu cho trẻ. Qua 3 năm triển khai, các địa phương đã xã hội hóa được nguồn lực từ chủ nhóm trẻ và doanh nghiệp để giải quyết vấn đề xã hội của địa phương, tăng cường trách nhiệm quản lý của trường công lập đối với mô hình nhóm trẻ độc lập tư thục. Đà Nẵng đã huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ xây dựng 1 trường mầm non công lập, 4 trường mầm non tư thục, nâng cấp 2 trường mầm non tư thục từ nhóm trẻ độc lập tư thục. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố - cơ quan tham mưu điều hành đề án, hỗ trợ trên 1,1 tỷ đồng cho các nhóm lớp độc lập tư thục.

Vì sao lại có chuyện “đầu tư” cả về kiến thức và hỗ trợ cơ sở vật chất cho trường mầm non tư thục, nhóm trẻ độc lập như vậy? Đó chính là để khắc phục tình trạng bạo hành, tạo một môi trường an toàn cho trẻ. Bởi, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá tại hội nghị sơ kết 3 năm Đề án 404 tổ chức ở Đà Nẵng ngày 14-11 vừa qua: “Tình trạng bạo hành trẻ cũng chủ yếu xảy ra ở các nhóm lớp độc lập tư thục nhưng không thể xóa bỏ được loại hình này”. Nhìn nhận thực tế, những vụ bạo hành ở các trường tư, nhóm trẻ tư thục xảy ra nhiều hơn - nơi phần lớn công nhân, người nhập cư buộc phải gửi con khi không thể gửi vào trường công, trường tư chất lượng cao bởi không có hộ khẩu, không đủ điều kiện trang trải chi phí. Ngoài ra, các trường tư thục, nhóm trẻ độc lập sẵn sàng đón trẻ từ rất sớm, vào khoảng 6 giờ rưỡi sáng, và nhận trông trẻ đến qua 6 giờ chiều mỗi ngày; có nơi còn nhận giữ trẻ cả thứ bảy, chủ nhật – những điều kiện đáp ứng được nhu cầu của gia đình công nhân luôn phải làm tăng ca, ngoài giờ... Họ không có lựa chọn nào khác.

Một khi “không thể xóa bỏ”, không có sự lựa chọn nào khác, thì phải “sống chung với lũ”; nhưng cũng cần có giải pháp để bảo đảm an toàn trong lũ. Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, xử phạt, chế tài…, vấn đề quan trọng là phải nâng cao nhận thức, ý thức và nhất là bồi dưỡng tình cảm, đạo đức của những “bảo mẫu” – những người trông giữ trẻ ở cả mầm non tư thục và công lập. Việc “siết chặt” chỉ là giải pháp trong từng thời điểm, vấn đề quan trọng nữa là xây dựng một nền tảng đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật bền vững, đồng thời bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất để trẻ em được an toàn, từ gia đình đến nhà trường và xã hội!

HOÀNG NHUNG
 

;
.
.
.
.
.