.

Trôi vào đêm Đà Nẵng

.

Mùa đông, Đà Nẵng mở cánh cửa vào đêm từ lúc đồng hồ báo giờ tan sở. Đường phố nhập nhoạng. Ánh đèn nhập nhoạng. Dòng người hối hả trên đường mong về nhà kịp bữa cơm chiều. Thành phố đang tiễn năm cũ đi, đón năm mới đến nên càng lung linh, huyền hoặc…

Đã nhiều đêm mùa đông, tôi khoác vội chiếc áo choàng rồi dắt xe ra phố. Tôi đi trong đêm Đà Nẵng, ngước mặt nhìn những vì sao nho nhỏ thỉnh thoảng xuất hiện trên bầu trời xám xịt. Đường Bạch Đằng như vòng tay người mẹ ân cần, ấm áp. Ở đây, tôi bắt gặp hình ảnh thân thương, ấm áp của tình người và những em bé chạy nhảy tung tăng ra chiều thích thú. Nơi khoảng rộng gần ngã ba Bạch Đằng-Thái Phiên, từng cặp đôi dặt dìu theo điệu nhạc phát ra từ chiếc máy radio đặt dưới nền gạch. Và, tôi bắt gặp hình ảnh cụ ông nắm tay cụ bà đi song song tập thể dục dưới ánh điện vàng ấm áp.

Dọc theo bờ sông Hàn, soi xuống mặt sông lấp lánh là hình ảnh những người thợ cầu Rồng, Trần Thị Lý hay xa hơn là Nguyễn Tri Phương đang hối hả tô vẽ, hoàn thiện chiếc cầu. Nhớ có lần, anh Ngô Bá Toản, Giám đốc điều hành công trình cầu Trần Thị Lý nói rằng, những cây cầu đã tô thêm vẻ đẹp về đêm cho Đà Nẵng. Từ khi những cây cầu đẹp bắt qua sông Hàn, người trên phố Bạch Đằng đông đúc hơn. Mọi người ra công viên Bạch Đằng mỗi đêm vì muốn ngắm cầu quay sông Hàn, ngắm cầu Thuận Phước nằm vắt vẻo nơi cửa biển. Khi cầu Rồng, cầu Nguyễn Tri Phương, hay cầu Trần Thị Lý hoàn thành, chắc chắn đêm Đà Nẵng sẽ càng lung linh, đẹp đẽ.

Chạy xe thong dong trên những con đường mới, không khó nhận ra Đà Nẵng dạo này thật khác. Nhiều quán bar, cà phê mới mở. Buổi đêm, đèn điện đủ màu nhấp nháy, khách ngồi uống cà phê tràn cả ra vỉa hè. Bờ sông Hàn từ chỗ vắng lặng, nay trở nên nhộn nhịp bởi đội ngũ sinh viên các trường ĐH Kiến trúc, trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng ngồi vẽ ký họa. Chị Trần Thị Thanh Tâm, một du khách Sài Gòn thích thú cầm trên tay bức chân dung do chính mình làm người mẫu. Chị bảo, lúc tối, cùng đoàn tản bộ đi uống cà phê ở quán Hàn Giang trên đường Bạch Đằng, nhìn ra thấy các bạn ngồi vẽ ký họa. Chị tò mò đến xem và đồng ý vẽ một bức chân dung với giá 150.000 đồng, số tiền không lớn để tìm thấy niềm vui cho mình suốt hành trình du lịch trên phố cảng.

Từ nơi này, nhìn sang bờ Đông sông Hàn, những gì tôi nhìn thấy bây giờ thật khác so với cách đây gần 20 năm. Khi đó, bờ Đông còn là khung cảnh rối rắm với những dãy nhà chồ cắm chân xuống mặt nước xanh rêu bẩn thỉu. Tất cả những gì thải loại, người dân đều “ban tặng” cho dòng sông chảy dưới sàn nhà. Lũ trẻ mặc nhiên đi vệ sinh xuống dòng sông như một lẽ tất yếu của cuộc sống khốn cùng. Cách đó không xa, làng chài Nại Hiên Đông với vô số ngôi nhà đan vào nhau bức bối. Khu vệ sinh nhà này nằm án ngay cửa ra vào nhà nọ. Những bãi đất trống bời bời cỏ. Người từ nơi khác đến, có thể lạc trong mớ bòng bong không lối thoát. Rồi thành phố triển khai các dự án giải tỏa. Người dân đồng thuận. Những năm dời dân, giải phóng mặt bằng trôi đi. Hàng ngàn ngôi nhà được tháo dỡ. Dân chúng sẵn sàng nhường đất dời đến nơi ở mới. Những ao hồ, đầm phá không còn. Thay vào đó là những cung đường mới góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông toàn thành phố. Đường Trần Hưng Đạo, Phạm Văn Đồng, Hoàng Sa-Trường Sa, khu Trung tâm hành chính quận Sơn Trà, các khu dân cư mới tại phường An Hải Bắc, Nại Hiên Đông… như tấm áo mới làm nên mùa Xuân cho vùng đất này. Bờ Đông bây giờ tất bật những dự án mới.

Đêm lung linh sóng nước sông Hàn với điểm nhấn ở bờ Đông là tòa chung cư Azura Đà Nẵng, cao 32 tầng với 225 căn hộ nằm ngay đầu cầu sông Hàn. Hôm khai trương tòa nhà này, ông Lê Minh Phúc, Tổng Giám đốc VinaCapital Đà Nẵng khẳng định, cao ốc Azura có vốn đầu tư hơn 30 triệu USD, là một công trình lớn, đạt tiêu chuẩn quốc tế, tạo nên cảnh quan kiến trúc độc đáo bên bờ sông Hàn. Tòa nhà góp phần vào công cuộc xây dựng bộ mặt đô thị của bờ Đông. Điều đó quả không sai. Từ khi Azura khánh thành, bức tranh về đêm bên bờ Đông dường như sáng hơn. Mặt khác, lãnh đạo thành phố chắc phải cân nhắc lắm mới quyết định xây hàng chục khu nhà chung cư cho cán bộ trẻ, người dân tái định cư ở Vũng Thùng, Thuận Phước, Nại Hiên Đông… với mong muốn đưa về đây một lớp người mới, có tri thức và khả năng sáng tạo. Họ là một phần không thể thiếu để vùng đất này tiếp tục vươn mình đi lên. Liệu đây có phải là tầm nhìn xa, trông rộng của lãnh đạo thành phố những năm qua? Chắc chắn thế!

Đêm Đà Nẵng lung linh sắc màu
Đêm Đà Nẵng lung linh sắc màu. Ảnh: Thành Lân

Khi không còn muốn tản bộ, nếu không phải về nhà vội, thì đường Phạm Hồng Thái dài 200 mét là nơi lý tưởng để ăn khuya. Dân nhậu thường kéo đến đây vì có nhiều sự lựa chọn ở cùng một địa điểm. Thực đơn phong phú, bao gồm cơm gà, phở, bún, hủ tiếu, mì xào, chè, sinh tố với mức giá trung bình khoảng 25.000 đồng, phục vụ đến 12 giờ đêm. Anh Nguyễn Quang Dũng, một thực khách hay ghé đến đây ăn khuya xì xục bên tô phở bốc khói, chưa đầy 3 phút, tô đã trơ đáy. Dũng tiếp tục kêu tô thứ hai. Ngẩn mặt nhìn tôi, anh cười khà khà: “Nhậu từ chiều đến giờ nên đói quá, ăn miếng cho ấm bụng. Khuya trời lạnh, ăn tô phở nóng hôi hổi về bị vợ la cũng ngủ ngon”. Tôi bật cười vì sự hài hước dễ thương trong câu nói của anh. Con đường nhỏ đã góp phần tạo nên sự thi vị về đêm cho thành phố.

Đồng hồ nhích sang 10 giờ đêm. Dòng người ngược xuôi trên phố bắt đầu thưa thớt. Những con đường thẳng tắp nằm e ấp dưới tán cây có dịp hồi sinh, đẹp lung linh dưới ánh điện đường. Thấp thoáng giữa màn sương lành lạnh, vài cặp tình nhân đi chơi về muộn, thư thái tận hưởng vị đêm trong lành. Chỉ vài con đường như Xô Viết Nghệ Tĩnh (gần các trường ĐH Kiến trúc, ĐH Ngoại Ngữ, CĐ Bách Khoa, CĐ Phương Đông) hay đường Âu Cơ, Nguyễn Lương Bằng (gần các trường ĐH Bách Khoa, CĐ Kinh tế-Kế hoạch) là vẫn nhộn nhịp. Đây là nơi sinh viên tụ tập ngồi ăn uống, tán gẫu.

Hơn 23 giờ. Gió từ hướng biển thổi vào thành phố mát rượi. Những tụ điểm chơi khuya của giới trẻ Đà thành bắt đầu rục rịch, đông đúc. Từ ngoài nhìn vào, chẳng khó nhận ra những cậu ấm, cô chiêu tóc xanh môi đỏ đang “phê” trong dòng nhạc mạnh. Họ đi xe đắt tiền. Ăn mặc model. Nói năng bốp chát, bỗ bã. Thượng tá Phan Thanh Sương, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Công an thành phố Đà Nẵng từng hóm hỉnh rằng, những địa điểm này được các chiến sĩ tuần tra “để mắt” tới mỗi đêm. Bởi đây là “xuất phát điểm” của các loại tệ nạn ma túy, mại dâm, cướp, cướp giật, cố ý gây thương tích hoạt động sau 24 giờ. Vì thế, mỗi tối, khi người dân chìm vào giấc ngủ, thì chiến sĩ cảnh sát trật tự, cơ động tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý tình trạng thanh thiếu niên tụ tập sau 24 giờ nhằm ngăn chặn, kiên quyết không để các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở các tụ điểm này.

Cùng chiến sĩ cảnh sát trật tự tuần tra các nẻo đường, ngang qua khoảng 10 quán bar đang hoạt động tại Đà Nẵng, không khí bên ngoài có vẻ trầm lắng nhưng ẩn chứa trong đó là “quả bom” có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Đi cùng chúng tôi, Đội trưởng đội Cảnh sát 113 nói nhỏ, nếu dùng khái niệm vũ trường thì Đà Nẵng chỉ có duy nhất New Phương Đông tạm “đạt tiêu chuẩn”. Còn na ná vũ trường thì rất nhiều. Núp dưới tên gọi “bar”, một số địa chỉ như F3 (Chi Lăng), L.S (Triệu Nữ Vương), T.V.C (Nguyễn Chí Thanh), F.T.V (đường Trần Hưng Đạo), O.Q (Bạch Đằng) cũng có những màn múa cột, nhảy sàn với nội y mỏng manh, gợi dục nhưng việc xử phạt rất khó khăn vì chưa có cơ chế cụ thể. Vì thế, nhiệm vụ của đội cảnh sát cơ động chỉ theo dõi vòng ngoài, đặc biệt là thời gian nhóm đối tượng từ vũ trường, bar kéo về tụ tập tại bãi biển Phạm Văn Đồng, Nguyễn Tất Thành hay dọc tuyến đường Phan Đăng Lưu để kiềm chế mọi xung đột, tệ nạn có thể xảy ra. Thế mới biết, dù Đà Nẵng vẫn còn những mảng tranh tối sáng về đêm. Nhưng chắc chắn rằng, Đà Nẵng là một trong số ít thành phố tại Việt Nam mà người dân có thể yên tâm ra đường mỗi khuya khi có việc đột xuất.

Trời càng về khuya, màn sương đặc quánh bao trùm cả thành phố. Thi thoảng vang lên giữa Đà thành tiếng chổi tre xào xạc. Chợt nhớ bài thơ Tiếng chổi tre nổi tiếng của Tố Hữu có đoạn: “Những đêm đông/Khi cơn giông/ Vừa tắt /Tôi đứng trông /Trên đường /Lặng ngắt /Chị lao công /Như sắt /Như đồng /Chị lao công /Đêm đông /Quét rác. Mới hay, đêm Đà Nẵng thật nồng nàn, quyến rũ. Sự hối hả chuyển mình mỗi ngày giờ nhường chỗ cho chất thơ trầm lắng, sâu xa. Nó là một phần trong mối lương duyên gắn kết những con người xa xứ về tụ họp, sinh sống bình yên trên mảnh đất này.

                                                                                                                                                          Ký của Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.