.
Đối thoại đầu tuần

Đưa văn hóa Phật giáo vào đời sống

.

Với truyền thống “hộ quốc, an dân”, văn hóa Phật giáo từ rất lâu đã thấm một cách tự nhiên vào đời sống xã hội.

Văn hóa Phật giáo đã thấm sâu trong đời sống xã hội. TRONG ẢNH: Hát mừng Đản sinh trong lễ Phật đản tại chùa Bà Đa. 				Ảnh: SƠN TRUNG
Văn hóa Phật giáo đã thấm sâu trong đời sống xã hội. TRONG ẢNH: Hát mừng Đản sinh trong lễ Phật đản tại chùa Bà Đa. Ảnh: SƠN TRUNG

“Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” là dịp để Phật giáo thành phố Đà Nẵng phát huy những giá trị tích cực của văn hóa Phật giáo vào đời sống xã hội, đóng góp cho sự phát triển thành phố.

Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Thượng tọa Thích Huệ Vinh, Trưởng ban Văn hóa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố cho biết:

- Xin nói một chút về văn hóa Phật giáo nói chung trên thế giới. Không phải ngẫu nhiên Liên Hợp Quốc (LHQ) công nhận Đại lễ Tam hợp (kỷ niệm 3 ngày đức Phật Đản sinh, Thành đạo và Nhập niết bàn) còn gọi là Đại lễ Vesak (ở Việt Nam gọi là Đại lễ Phật đản) là một hoạt động văn hóa tôn giáo ở tầm vóc quốc tế của LHQ.

Đó là sự thừa nhận những giá trị của Phật giáo gồm một hệ thống tư tưởng giáo lý vô giá về trí tuệ, lòng từ bi, tình yêu thương, tinh thần bất bạo động, hòa hợp và phát triển. Với ý nghĩa thiết thực đó, năm 1999, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết công nhận ngày Vesak là lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới và hòa bình của nhân loại. Năm 2015 là lần thứ 12 tổ chức Đại lễ Vesak LHQ thì Phật giáo Việt Nam vinh dự có 2 lần được chấp thuận đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ vào năm 2008 và 2014.

Với truyền thống “Hộ quốc, an dân”, Phật giáo đã có nhiều đóng góp cho nền tảng tư tưởng văn hóa Việt Nam. Trong điều kiện xã hội hiện nay, những di sản của văn hóa Phật giáo đang tiếp tục phát huy tác dụng góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa Việt Nam.

Những giá trị của văn hóa không chỉ tồn tại trong tư tưởng mà còn thông qua sự nỗ lực của hàng triệu phật tử vì lẽ sống Tổ quốc giàu mạnh, nhân sinh hạnh phúc. Với lẽ sống ấy, Phật tử thành phố Đà Nẵng đang đóng góp cho sự phát triển thành phố. Hưởng ứng chủ trương của thành phố về “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” là dịp đồng bào phật tử thành phố phát huy những giá trị tích cực của văn hóa Phật giáo vào đời sống xã hội.

* Đồng bào phật tử thành phố có thể tham gia những nội dung nào của “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, thưa Thượng tọa ?

- Qua nghiên cứu các nội dung của “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” do thành phố phát động đến các tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố, tôi thấy đồng bào phật tử đều có nghĩa vụ tham gia cả 7 nội dung của “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”. Mỗi phật tử trước hết là công dân nên đều có trách nhiệm tham gia thực hiện 7 nội dung này ngay tại khu dân cư nơi mình cư trú. Hiện nay, Ban đại diện Phật giáo các quận, huyện tiến hành phát động và ký kết giao ước thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”.

Dưới góc độ văn hóa Phật giáo thì 5 giới cấm đối với phật tử tại gia đều phù hợp với chủ trương của thành phố. Phật tử thực hiện nghiêm túc 5 giới cấm này cũng là thực hiện tốt 7 nội dung của “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”. Nét văn hóa Phật giáo lâu đời mà Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo thành phố thường xuyên kêu gọi phật tử thực hành là “Phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dường chư phật”.

Nổi bật nhất là Phật giáo thành phố đã và đang tham gia chương trình an sinh xã hội của thành phố bằng nhiều hoạt động thiết thực: Ủng hộ Quỹ vì người nghèo, xây nhà Đại đoàn kết, tặng phương tiện sinh kế cho người nghèo, người tàn tật, người yếu thế dễ bị tổn thương trong xã hội.

Ngoài ra, hiện nay còn có nhiều nhóm phật tử thiện nguyện tổ chức các bữa ăn miễn phí giúp bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, những chuyến đi từ thiện trợ giúp đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng xa ngoài thành phố. Các cơ sở thờ tự của Phật giáo có thể hưởng ứng “Năm văn hóa, văn  minh đô thị 2015” bằng phong trào xây dựng chùa tinh tiến do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phát động.

Giải pháp cụ thể là trùng tu, tôn tạo chùa chiền, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp vừa là nơi sinh hoạt tôn giáo, vừa là điểm đến của du khách. Đồng thời, không để xảy ra những hoạt động bán hương, đèn, đồ lễ chèo kéo du khách cũng như mất an ninh trật tự khu vực lân cận chùa. Đây cũng là hoạt động thiết thực xây dựng văn hóa, văn minh đô thị của thành phố.

* Thưa Thượng tọa, những hoạt động văn hóa bề nổi nào của Phật giáo thành phố sẽ tổ chức trong “Năm văn hóa, văn minh 2015”?

- Hiện có rất nhiều hoạt động văn hóa bề nổi của Phật giáo nhân Đại lễ Phật đản, Phật lịch 2559. Ban đại diện Phật giáo các quận, huyện và nhiều chùa tổ chức chương trình văn nghệ “Đón mừng Đản sanh Phật lịch  2559”, hoạt động thắp sáng 7 đóa sen trên sông Hàn và đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân tại Đài Tưởng niệm thành phố của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo thành phố, hoạt động trang trí lễ đài; hoạt động từ thiện...

Năm nay, Phật giáo thành phố tiếp tục tham gia liên hoan văn nghệ các tôn giáo lần thứ 4 do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức. Cũng trong năm nay, chùa Quán Thế Âm dự kiến xây dựng một bảo tàng văn hóa Phật giáo nhằm giới thiệu các cổ vật của Phật giáo đang được lưu giữ tại chùa.

* Cảm ơn Thượng tọa về cuộc trao đổi này.

“Chúng ta đang sống trong một thành phố đáng sống nên tôi mong ước trong tương lai thành phố sẽ có Trung tâm văn hóa Phật giáo. Ở nơi đó sẽ tổ chức thường xuyên các hoạt động biểu diễn văn nghệ Phật giáo, mở các lớp huấn luyện thiền - yoga sơ cấp, dạy thư pháp; lớp cắm hoa, hướng dẫn trà đạo theo văn hóa Phật giáo; nghệ thuật chế biến thực phẩm chay, các lớp giảng về lợi ích khi sử dụng các món ăn chay; các hoạt động giao lưu văn hóa Phật giáo quốc tế. Nếu tổ chức được Trung tâm văn hóa không chỉ phục vụ nhu cầu nhân dân thành phố mà đây cũng là một điểm đến tham quan hấp dẫn của nhiều du khách khi đến Đà Nẵng”.

Thượng tọa Thích Huệ Vinh

SƠN TRUNG thực hiện

;
.
.
.
.
.