.
Café sáng

Tình quê

.

Gặp bạn giữa Sài Gòn náo nhiệt. Bạn béo, to con, dáng bệ vệ hẳn ra. Chẳng phải như ngày còn trẻ, gầy gò, trắng bợt, tóc thưa thớt. Đợi khi bạn quay lưng lại gọi tên mình, tôi mới nhận ra. Đó là Phong mà ngày xưa tôi vẫn gọi tên ở nhà là Nô và bây giờ vẫn gọi như thế.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ngày ấy, bạn là đứa quậy tưng bừng nhất xóm. Có khi tôi chứng kiến cảnh ba bạn bắt bạn qua nhà cu Bô vòng tay xin lỗi vì cái tội phá phách, nghịch ngợm gây mất đoàn kết trong xóm. Ngay cả với tôi, người bạn học chung lớp, hai đứa vẫn thường sát cánh bên nhau trong những ngày cắp sách đến trường nhưng bạn vẫn thích dùng tay dùng chân đánh vào người những cú đau nhớ đời.

Đơn giản, bạn tính trẻ con, hay nói, hay cười và thích động tay động chân vì mê phim bộ kiếm hiệp. Vậy mà hôm nay, trước mắt tôi là một người đàn ông từng trải, nói năng chững chạc và suy nghĩ sâu sắc. Bạn bảo, càng lớn tuổi càng cảm thấy quý tình bạn, càng giàu sang phú quý thì càng muốn tìm về chốn yên bình của ký ức.

Bạn kể, đã có lần về quê dự đám tang ông nội, đứng trước nhà mình ngày xưa nay đã bán cho người khác mà lòng thấy nhói. Rồi bạn chạy xe một mình quanh bờ đê, nơi ngày xưa thường ra đó đá cầu, đá bóng với bọn trẻ con trong xóm. Rồi bạn ghé về trường cũ đứng lặng người nhớ về những ký ức vụn vỡ và chụp thật nhiều ảnh để làm kỷ niệm.

Bạn bảo, ngày xưa về quê, đi tàu, đi xe phải mất hai ngày mới gặp được mẹ nên cảm xúc dạt dào vì sự mong nhớ, hồi hộp, nôn nao... Còn bây giờ chỉ lên máy bay mất một tiếng là tới nên không còn cảm giác đó nữa. Thế giới phẳng giúp con người xích lại gần nhau hơn nhưng cũng làm phai nhạt biết bao cảm xúc đẹp vốn có...

Chả là nhà bạn ở cạnh nhà tôi, chỉ cách nhau cái dãy hàng rào bằng những bụi tre xanh rì. Ngày đó đi học, từ sau hè, bạn chỉ cần gọi ới sang một tiếng là tôi có mặt ngay và hai đứa cùng đi bộ đến trường. Cho đến ngày trúng tuyển đại học, gia đình bạn chuyển vào Sài Gòn. Ngôi nhà ở quê nói để sau này ba mẹ bạn sẽ về sinh sống khi con cái trưởng thành nhưng rồi được bán cho người khác.

Vậy là bạn mất tăm mất tích, những lần tôi về quê nhìn sang hàng tre vẫn thấy nhà bạn ở đó nhưng không còn thấy bóng dáng bạn đâu mà chỉ toàn những kỷ niệm ngày xưa ùa về. Bạn bảo, ông bà thương cháu hơn thương con, giờ bạn đã trưởng thành nhưng ba mẹ bạn không thể về quê vì thương cháu, mình đi đâu thì mặc kệ nhưng xa cháu là ông bà không thể chịu nổi vì nhớ.

Bạn xa quê đã gần hai chục năm, hộ khẩu, nhà cửa đều ở Sài Gòn nhưng đi đâu bạn cũng nói mình là người Quảng Trị và đặc biệt khi gặp người ở quê thì bạn nói tiếng Quảng Trị rặt như hồi ở nhà. Gặp tôi, bạn hỏi chuyện gia đình, hàng xóm, bạn bè từ thời tiểu học cho đến phổ thông; tự nhiên tôi thấy nhớ trường, nhớ lớp, nhớ bạn bè, thầy cô và những người hàng xóm. Bạn bảo, mất liên lạc nhiều năm nên không biết tin tức chi về bạn bè, chứ nếu biết lớp tổ chức họp mặt bạn cũng về dự cho vui. Bỗng dưng thấy bạn trở nên sâu sắc và sống tình cảm, chứ không như ngày xưa trẻ con vô tư và nông nổi.

Tiễn tôi về giữa Sài Gòn khói xe mù mịt, bạn bảo chắc vài bữa nữa đi công tác ra Đà Nẵng thì bạn sẽ ghé thăm. Cái bắt tay sau gần hai mươi năm sao ấm lạ. Tôi cứ tưởng bạn đi xa lâu năm chắc dễ gì đã nhớ đến tôi, nhớ những ngày xưa cùng nhau đến lớp. Nhưng hôm nay, tôi ngộ ra một điều, những người sống xa quê lại càng ôm nhiều kỷ niệm đẹp về nơi họ đã nén lòng cất bước ra đi và mong được trở về tìm lại tuổi thơ đầy hoa bướm ngày xưa. Và tất nhiên rồi, trong những kỷ niệm của bạn luôn luôn có hình ảnh của tôi.

GIA HUY

;
.
.
.
.
.