.

Ngoảnh lại, nhìn thời tem phiếu

.

Tôi vẫn nhớ như in những bữa cơm độn khoai, có khi độn sắn lát. Những bát cơm với gạo xỉn màu, đôi khi có mùi hơi ẩm, khoai khô, sắn lát phơi khô không phải “ghế” vào, mà chiếm phân nửa nồi cơm. Ba tôi và những cán bộ về hưu trong xóm, ở giữa cái thị trấn Hồ Xá (Quảng Trị) được quy hoạch với đầy đủ nhà hát, rạp chiếu phim, đã đi đến cuối thị trấn để vỡ hoang một vùng cát trắng mênh mông, trồng đủ khoai, sắn, dưa, đậu... mới nuôi đủ đàn con 5 đứa không có bữa đói, bữa no.

Hàng trăm gia đình cán bộ đương chức có, hưu trí có, nông dân có, đã bám vào đồng cát trắng ấy, trồng trọt đủ thứ mới có cái ăn, mới qua được những ngày đông mưa phùn... Bây giờ, khơi lại những tháng ngày gian khó ấy với những người sống giữa một đô thị đầy đủ, sung túc như Đà Nẵng, cái nhớ, cái quên cứ đan xen nhau.

Nhưng vẫn không quên được mùi miếng mỡ heo mua bằng tem phiếu, rán lấy phần nước mỡ làm thức ăn cho cả tháng, miếng tóp mỡ quăn queo rưới xí nước mắm mà lũ con xuýt xoa khen ngon đến tận bây giờ. Nhắc nhớ một thời, để thấy cái mốc năm 1986, năm đất nước bắt đầu đổi mới để lại cho chúng tôi bao nhiêu là kỷ niệm.

Bà Nguyễn Thị Nhần vẫn giữ cẩn thận những giấy tờ gắn liền với đời sống, công việc của bà thời bao cấp.
Bà Nguyễn Thị Nhần vẫn giữ cẩn thận những giấy tờ gắn liền với đời sống, công việc của bà thời bao cấp.

30 năm đã qua, nhắc lại để hiểu mình có bát cơm trắng, cái áo đẹp để mặc hôm nay là một điều đáng trân quý. Và thấm thía hơn sự nên vóc nên hình của đất nước sau 30 năm đổi mới, đã có những ngày đi qua một thời “cơm độn, tem phiếu”…

Thực phẩm, ăn uống đều “quốc doanh”

“Hồi đó tô phở giá 500 đồng. Mà cũng có đến 2, 3 mức giá”. Bà Đàm Thị Nga (ở tổ 71 phường Thạch Thang, quận Hải Châu), cửa hàng trưởng ngành phục vụ ăn uống số 40 Hùng Vương, thuộc Sở Thương nghiệp Quảng Nam-Đà Nẵng mở đầu câu chuyện thời bao cấp bằng chuyện giá tô phở.

Bán phở, mà mấy khi bà và nhân viên dám bỏ tiền ra ăn, khi lương bà hồi đó chừng 40 đồng mỗi tháng.

“Hồi đó ai muốn ăn uống chi thì vô cửa hàng ăn uống. Bia Sài Gòn, bia Đà Nẵng bán phân phối kèm 1 dĩa thức ăn, khách hàng nào uống hơn 1 chai bia thì nhân viên phải đền theo giá thị trường. Hồi đó khách đông lắm, nhất là giai đoạn mới tiếp quản. Mấy năm sau, cả nước khó khăn thì cửa hàng bán bình thường. Nhưng khi chuyển sang cơ chế thị trường, như mở một lối thoát, việc kinh doanh ăn uống dễ thở rồi, thì khách vô cửa hàng ăn uống quốc doanh ít dần”.  

Làm cửa hàng trưởng hồi đó, tính ra cũng đã “có chức” rồi. Vậy mà gia đình bà Nga cũng không ngoại lệ, so với những công chức bình thường khác. Những hôm nhà hết gạo, hết các nhu yếu phẩm, 3-4 giờ sáng đã phải dậy đi xếp sổ, xếp hàng mua lương thực.

Phải xếp hàng chờ đợi nếu muốn mua các thứ, từ đường, mì chính, rau, đến dầu hỏa. Có khi đến lượt mà hết hàng, đành tiu ngỉu đi về, chờ hôm sau “làm lại từ đầu”. Có người đến giờ về đi làm thì kiếm cục gạch kê đó, nhờ người đứng cạnh trông dùm, rồi sai con đi xếp hàng. Mỗi người được bán phân phối 2 lạng thịt mỗi tháng, lao động chính thì được mua 15 ký gạo, lao động phụ được 12 ký, mỗi đứa con được 10 ký; bà Nga được xếp vào hàng cán bộ có tiêu chuẩn 13 ký.

Gia đình bà đùm bới từ Hà Nội vào Đà Nẵng năm 1976, có hai vợ chồng và 4 đứa con. Tiêu chuẩn được mua hơn 1 ký thịt mỗi tháng, mà đâu dám mua thịt, chủ yếu mua mỡ về rán để lấy nước mỡ xào rau muống, chẳng mấy khi được ăn thịt. Cây dao làm bếp chẳng mấy khi được cắt thịt, mổ cá, bị rỉ sét nằm một góc.

Bà Nguyễn Thị Nhần (số nhà 51 đường Nguyễn Chí Thanh), nhân viên cửa hàng thực phẩm Vườn hoa (đường Hùng Vương) thuộc Ty lương thực Quảng Nam-Đà Nẵng, vẫn cất giữ cẩn thận những tờ giấy một thời là vật “bất ly thân” của bà: tờ giấy tuyển dụng bà vào làm việc tại Ty thương nghiệp Quảng Nam-Đà Nẵng, ký ngày 22-7-1980, bà được hưởng lương 41 đồng; tờ quyết định nâng bậc lương từ 46 đồng lên 51 đồng ký ngày 12-9-1984; và tờ quyết định nghỉ chế độ một lần. Với 14 năm 1 tháng công tác, bà được nhận 564.900 đồng. Giờ, người phụ nữ 65 tuổi ấy sống dựa vào con cái, sau khi chồng bà qua đời, bà không có lương hưu.

Hồi đó bà Nhần là nhân viên bán hàng thịt, mắm muối, mà cũng chẳng mấy khi mua được miếng thịt ngon cho con ăn. Nhớ đến cái thời đó, mắt bà rưng rưng.

Chuyện thế thái nhân tình, bây giờ nghĩ lại, làm sao cho rạch ròi được. Cái hồi bà về nghỉ mất sức như nửa triệu nhân viên hồi đó, là năm 1990, thời tem phiếu, bao cấp bị xóa sổ, cửa hàng thực phẩm giải tán, bà được công ty bán cho một cái bàn gỗ và chiếc cân. Bà Nhần cũng “bung” ra kinh doanh như bao người, và bà chọn bán thịt ở đường Yên Bái. 16 năm bán hàng, bà nuôi 3 con ăn học nên người. Đến năm 2006, bà tự cho mình về hưu lần nữa...

Miếng ngon nhớ lâu

Cả bà Nga, bà Nhần và rất nhiều người khác, ăn theo tem phiếu quanh năm, đủ ăn là mừng rồi. Bởi có những năm trước khi đổi mới, thiếu gạo, người dân chỉ được mua 70% gạo, còn lại là sắn, bo bo. Đợt nào được mua mì sợi là mừng lắm.

Ngày Tết, theo tiêu chuẩn, mỗi gia đình cũng gắng mua ký thịt, thóc nếp nấu cho con ăn, có bánh chưng cũng là phần xa xỉ. Bà Nga cười hiền “nhà cô cả hai vợ chồng là công chức, đủ ăn là mừng rồi. Chứ có những nhà thiếu ăn liên miên.

Mừng là đất nước đổi mới, mua bán cái gì cũng dễ, rồi mấy năm sau cải cách tiền lương nên đời sống cứ đi dần lên. Bây giờ, ngày Tết, vào nhà ai cũng thịt cá ê hề. Ngày thường cũng không khác gì bữa ăn ngày Tết. So với thời điểm cách đây 15-20 năm đã thấy đời sống đi lên, khác nhiều rồi. Chứ cái hồi mới thay đổi, cũng phải vài năm sau bữa ăn mới được tươm tất”.

Những năm trước đổi mới, bà Trà Thị Kim Đa (số 56 Trần Phú) làm nhân viên của Sở Nông nghiệp Quảng Nam-Đà Nẵng, còn độc thân, bà ăn cơm tập thể, sống tập thể với các chị em cùng cơ quan. Đến giai đoạn đổi mới, hết tập thể, phần ai nấy ăn, bà Đa về nhà ba mẹ ở Hòa Khương xin gạo ra ăn.

Tiền lương bà không còn nhớ con số cụ thể, chỉ nhớ là được “mấy chục đồng”, phải tiêu dè sẻn, để dành mỗi tháng khoảng 10 đồng đưa về cho ba má nuôi 4 đứa em đằng sau. Bà bảo “khi hết tem phiếu, chợ bán cá, bán thịt, lúc đó mới mua được vài miếng mà ăn, chứ trước đó chỉ có thèm. Đến năm 1990 cuộc sống bắt đầu ổn định và phải đến năm 1997 mới thấy cuộc sống “dễ thở”.

Nhớ hồi đó, có năm gần Tết, cơ quan chia cho mỗi chị em 10 ký nếp vỏ. Bà Đa sống chung với 4 chị em độc thân khác. Ngày đi làm, kẻ trộm vào nhà, đổ hết đống nếp vỏ ra nền rồi dùng cái bao đó lấy sạch áo quần ấm. Bà bảo, vì là nếp vỏ nên trộm không lấy, chứ là nếp xay xát rồi thì cũng không còn…

Câu chuyện về thời bao cấp như cuốn phim quay chậm trong đầu những người đã sống và đi qua cái thời gian khó ấy của đất nước. Có những trường đoạn phải dừng lại khá lâu, có những đoạn muốn quay nhanh. Ngoảnh lại, thấy những năm tháng ấy ba phần lận đận, sáu phần long đong, có một phần mà ai cũng có để vượt qua được cái thời gian khó, đó là nghị lực, là ước muốn vươn lên.

Và một phần nhỏ bé ấy nó mạnh mẽ, nó chứng tỏ sức mạnh của những con người đã biết vượt qua bao thử thách, nay phải đứng lên, vươn vai. Đó là sức mạnh của dân tộc sau 30 năm đổi mới; chưa bằng bạn, bằng bè, nhưng đã có tiếng nói uy lực, mà mỗi người Việt hôm nay tự hào thay!

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.