.

Hãy chấp nhận trẻ tự kỷ bằng tình thương

.

Đó là thông điệp đạo diễn Janet Grillo gửi gắm thông qua bộ phim “Jack - Trái tim đỏ” bằng tất cả tình thương, sự thấu hiểu của một người mẹ có đứa con trai mắc chứng tự kỷ.

Đạo diễn Janet Grillo chụp ảnh lưu niệm với khán giả Đà Nẵng.
Đạo diễn Janet Grillo chụp ảnh lưu niệm với khán giả Đà Nẵng.

Chiều 17-3, bộ phim Jack of The Red Hearts (Jack Trái tim đỏ) của đạo diễn danh tiếng người Mỹ Janet Grillo được công chiếu tại rạp Lê Độ Đà Nẵng đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả.

“Jack, Trái tim đỏ” xoay quanh gia đình có cô gái mắc chứng tự kỷ, tên là Glory. Cũng như mọi bà mẹ khác, việc chấp nhận con cái mình mắc chứng bệnh này là điều không dễ dàng. Mẹ cô bé Glory đã thử nhiều phương pháp, thậm chí cả chế độ ăn uống đặc biệt dù tốn bao nhiêu thời gian, công sức và tiền bạc.

Chính điều đó càng khiến không khí gia đình luôn ngột ngạt. Sự thay đổi kỳ diệu xảy ra khi Jack, một cô gái vị thành niên, trốn sự truy lùng của các nhà bảo trợ xã hội, đóng giả người chăm sóc có kinh nghiệm (nhưng thực chất không có bất cứ hiểu biết gì về trẻ tự kỷ) đối xử với Glory như một đứa trẻ bình thường. Điều này lại tạo cơ hội cho cô bé Glory dần hòa nhập cuộc sống của gia đình. Em đã biết phân biệt màu sắc, biết quan tâm đến cảm xúc của mẹ và hát cùng ba. Một sức sống mới ùa về gia đình nhỏ…

Cách chuyển tải câu chuyện của Janet rất nhẹ nhàng nhưng chạm vào trái tim người xem. Nhiều khán giả hôm ấy lặng đi vì xúc động. “Thật sự lâu nay em vẫn nghe về bệnh tự kỷ nhưng phải đến khi xem bộ phim này mới hiểu những điều trẻ tự kỷ và gia đình họ phải trải qua”, một học sinh Hệ thống giáo dục chất lượng cao SkyLine chia sẻ.

Đạo diễn Janet Grillo tâm sự, bà quyết định làm phim về trẻ tự kỷ bởi bản thân là mẹ của đứa con trai tự kỷ nên hiểu được điều đó tác động ra sao đến cuộc sống một gia đình. Người biên kịch cho bộ phim này cũng là người cô của trẻ tự kỷ. Những gì diễn ra trong phim, dù là phim truyện, mang tính hư cấu, nhưng tất cả thực sự là những gì trẻ tự kỷ và người thân đã phải trải qua và đối mặt.

“Bất kỳ người mẹ nào khi phát hiện con mình mắc chứng bệnh tự kỷ đều khó khăn để chấp nhận nó. Họ luôn tìm mọi cách để muốn con mình như thế này, như thế kia và mọi thứ càng rối hơn. Nhưng điều đầu tiên là tôi học cách chấp nhận.

Chấp nhận con mình là trẻ tự kỷ để đừng gục ngã và tìm cách giúp đỡ trẻ vượt qua khó khăn của chứng bệnh. Có nhiều phương pháp trị liệu đối với bệnh tự kỷ nhưng dù là phương pháp gì đi chăng nữa cũng phải bằng tình yêu thương, sự đồng cảm”, Janet Grillo nói.

Chính sự thấu hiểu của người mẹ có con tự kỷ mang lại những cảm xúc rất  thật cho bộ phim. Theo đạo diễn này, người thủ vai Glory ngoài đời là một cô bé tài năng, không phải trẻ tự kỷ. Nhưng diễn viên nhí lần đầu đóng phim lại vào vai trẻ tự kỷ rất đạt từ cử chỉ, ánh mắt, hành động… dưới sự hướng dẫn của bà.

Tính nhân văn của bộ phim còn được thể hiện ở tình thương giữa con người và con người, để Jack - một cô gái vị thành niên mất cha mẹ, phải bươn chải lo cho đứa em nhỏ nên nhiều lần phạm tội trộm cắp vặt trở thành người sống chân thành và đầy tình yêu thương, để mọi thành viên trong gia đình Glory chia sẻ và thấu hiểu nhau.

Đó cũng là thông điệp lớn mà Janet Grillo muốn chuyển tải như bà tâm sự: “Tôi không muốn nói đây là một bộ phim về trẻ tự kỷ, mà đây là một bộ phim về tình yêu thương giữa con người với con người, về sức gắng chịu của tình yêu thương”.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2016, nước ta khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ. Số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng từ năm 2000 đến nay. Tại Đà Nẵng, nạn nhân chất độc da cam có nhiều em là trẻ tự kỷ, các Bệnh viện Tâm thần, Trung tâm Công tác xã hội trẻ em cũng tiếp nhận khá nhiều trường hợp đến trị liệu về chứng bệnh tự kỷ.

Với mục đích khuyến cáo các quốc gia tăng cường sự quan tâm đến hội chứng này, ngày 2-4 hằng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Thế giới nhận thức chứng tự kỷ.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.