.

Nghệ thuật múa hướng đến chuyên nghiệp

.

15 năm kể từ ngày thành lập, Hội Nghệ sĩ múa thành phố lần đầu tiên tổ chức trại sáng tác kịch bản múa chuyên nghiệp. Đây được xem là bước ngoặc lớn đối với nghệ sĩ múa của Đà Nẵng trên con đường hướng đến sự chuyên nghiệp.

Từ kịch bản đến dàn dựng và biểu diễn trên sân khấu là quá trình gian khó đối với các biên đạo múa. TRONG ẢNH: Một trong những tiết mục được dàn dựng công phu tại chương trình nghệ thuật kỷ niệm 20 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.
Từ kịch bản đến dàn dựng và biểu diễn trên sân khấu là quá trình gian khó đối với các biên đạo múa. TRONG ẢNH: Một trong những tiết mục được dàn dựng công phu tại chương trình nghệ thuật kỷ niệm 20 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.

Trại sáng tác diễn ra 10 ngày (từ 23-3 đến 1-4) dành cho biên đạo múa của Hội Nghệ sĩ múa và các đoàn nghệ thuật trong thành phố, dưới sự hướng dẫn của PGS.TS.NSND Ứng Duy Thịnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và NSND Lê Huân, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Đà Nẵng. Cũng từ hoạt động này, các biên đạo múa đã sáng tác được 9 kịch bản mang hơi thở cuộc sống và đậm bản sắc văn hóa vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng.

Lâu nay, hình ảnh voọc chà vá chân nâu - “Nữ hoàng linh trưởng” tại bán đảo Sơn Trà hầu như chưa được thể hiện qua nghệ thuật múa mà chỉ thường thấy qua hội họa, nhiếp ảnh, phim ảnh. Tuy vậy, biên đạo Hoàng Châu (CLB Hiphop Galaxy) vẫn mạnh dạn đưa ý tưởng về tình yêu của người Đà Nẵng đối với loài voọc chà vá chân nâu vào vũ điệu hiphop. Tác giả mong muốn dùng sự sinh động, kịch tính lẫn tươi vui để diễn tả cái đẹp của voọc chà vá chân nâu và ý thức bảo vệ, giữ gìn môi trường sống. Trong khi đó, với cái tên rất quen thuộc “Mì Quảng”, NSƯT Hoàng Minh Tâm muốn chuyển tải tâm tình của mình với mảnh đất Quảng Nam-Đà Nẵng, nơi anh chọn làm quê hương thứ hai hơn 30 năm qua. “Mì Quảng” dùng ngôn ngữ múa dân gian đương đại và nội tâm nhân vật trên nền âm nhạc bài chòi kết hợp hài hòa với nhạc điện tử tạo nên “món ăn” vừa dân dã vừa hiện đại.

Trong khi đó, những kịch bản khác (Hoa cát, biên đạo múa Nhật Huy - Thúy Vi; Thầy bói xem voi, biên đạo Kim Huệ; Hoàng tử và con sãi chùa, NSND Lê Huân; Mở cõi, biên đạo Lê Thị Hậu; Giếng Chăm, biên đạo Kim Huệ...) cũng được đánh giá cao khi tác phẩm đề cập các vấn đề “nóng” của xã hội như môi trường, đạo đức và giữ gìn giá trị truyền thống.

Có thể nói, trong bối cảnh thiếu trầm trọng kịch bản múa chuyên nghiệp, việc ra đời 9 kịch bản mang lại niềm khích lệ lớn đối với những nghệ sĩ gắn bó với nghệ thuật múa. NSƯT Hoàng Minh Tâm chia sẻ, nghệ thuật múa không dễ có đất sống và để trụ với nghề, biên đạo múa thường sáng tác theo đơn đặt hàng chứ rất khó sáng tác những đề tài mình tâm huyết. “Có khi kịch bản, ý tưởng đã sẵn sàng nhưng bị “gãy đổ” ngay trên giấy. Điều này cho thấy, kịch bản múa ra đời chỉ là giai đoạn sáng tác thứ nhất của người biên đạo, phần còn lại là làm sao dàn dựng và đưa tác phẩm đến với công chúng. Đó là nỗi băn khoăn lớn nhất của nghệ sĩ múa chúng tôi”, NSƯT Hoàng Minh Tâm nói.

NSND Lê Huân, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa thành phố cũng thừa nhận, Hội gặp nhiều khó khăn vì nguồn kinh phí hoạt động hạn hẹp. Thời gian đến, Hội sẽ đề nghị sự hỗ trợ, quan tâm từ Quỹ Hỗ trợ sáng tác văn học-nghệ thuật thành phố và các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam... để các kịch bản múa chuyên nghiệp được dàn dựng, biểu diễn, giới thiệu đến đông đảo công chúng.

“Tôi rất mừng vì nhiều biên đạo múa đã dần khẳng định mình, trong đó một số người tuổi đời khá trẻ. Tuy vậy, để sức sáng tạo của nghệ sĩ vươn xa, cần có thêm nhiều hỗ trợ ”, NSND Lê Huân chia sẻ.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.