Dunkirk, góc nhìn mới về chiến tranh

.

“Nó giống như tôi đã từng ở đó một lần nữa”. Ông Ken Sturdy (97 tuổi), một cựu chiến binh sống sót trong trận Dunkirk, nói trong nước mắt sau khi xem bộ phim mới của Christopher Nolan có tên Dunkirk (tựa tiếng Việt: Cuộc di tản Dunkirk) tại buổi chiếu ra mắt ở rạp phim Westhills (Canada).

Ông Ken Sturdy (97 tuổi) xúc động sau khi xem bộ phim Dunkirk trong buổi chiếu ra mắt. Ảnh: Screenshot/Global News
Ông Ken Sturdy (97 tuổi) xúc động sau khi xem bộ phim Dunkirk trong buổi chiếu ra mắt. Ảnh: Screenshot/Global News

Cũng như ông Ken Sturdy (hiện sống ở Calgary, Canada) và nhiều khán giả khác, đặc biệt là những người đã từng trải qua Chiến tranh Thế giới thứ 2 cách đây gần 80 năm đều cảm thấy được sống lại những giây phút lịch sử qua những thước phim của đạo diễn Christopher Nolan.

Với sự góp mặt của những ngôi sao điện ảnh Harry Styles, Mark Rylance, Tom Hardy và Kenneth Branagh, bộ phim được đánh giá là thỏi nam châm thu hút khán giả trong những ngày qua. Đặc biệt, sau thành công của ba phần “The Dark Knight” hay những tuyệt phẩm như “Memento”, “The Prestige” hay “Inception”, đạo diễn Christopher Nolan một lần nữa chứng minh cho giới chuyên môn thấy rằng, không phải ngẫu nhiên mà cái tên Christopher Nolan trở thành thương hiệu bảo đảm chất lượng cho mọi bộ phim ở mức từ hay tới xuất sắc.

Sau khi thể hiện tài năng với các bộ phim hình sự, khoa học viễn tưởng hay siêu anh hùng, Nolan chuyển hướng sang dòng phim chiến tranh. Ông chọn việc tái hiện chiến dịch Dynamo hay còn gọi là “phép nhiệm màu Dunkirk”. Bộ phim lấy bối cảnh vào cuối tháng 5-1940 khi hàng trăm ngàn quân Anh và Pháp bị mắc kẹt trên bãi biển Dunkirk của Pháp. Họ như “cá đã nằm trên thớt” bởi một bên là đại dương mênh mông không lối thoát, một bên là phe ​phát​-xít có thể ập tới bất kỳ lúc nào. Thế nhưng một phép nhiệm màu đã xảy ra, khi cuộc di tản gần 400.000 quân đồng minh được thực hiện trong 9 ngày từ cuối tháng 5 cho tới đầu tháng 6-1940.

Khác với những bộ phim chiến tranh thông thường, Dunkirk lấy bối cảnh về Chiến tranh Thế giới thứ 2, nhưng quân Đức không một lần xuất hiện trên màn ảnh rộng. Phe phát-xít chỉ hiện diện qua tiếng súng, tiếng bom, những chiếc chiến đấu cơ rình rập trên bầu trời như đám kền kền chờ rỉa thịt con mồi. Không tái hiện hình ảnh Hitler và những bộ sậu, đạo diễn Nolan đã chọn khắc họa những người lính thông thường hay những người hùng vô danh như các chủ tàu sẵn sàng liều lĩnh mạng sống của mình để ra ứng cứu khi chính phủ kêu gọi.

Việc bộ phim có rất ít lời thoại và tên nhân vật dường như là dụng ý của đạo diễn nhằm khiến khán giả tập trung hơn vào câu chuyện: Chiến tranh không chỉ của riêng ai. Không riêng gì Tommy mà hàng ngàn người lính trẻ vô danh khác cũng có nét bàng hoàng trên gương mặt, ai nấy đều lo nơm nớp khi có thể nhìn thấy quê hương trước mặt và không thể về trong thế gọng kìm giữa đại dương và quân Đức. Bộ phim không chọn cách tô hồng chiến tranh hay tôn vinh chủ nghĩa anh hùng mà thay vào đó là những người lính tưởng như can trường nhưng lại không còn là chính mình sau khi gặp một cú sốc tâm lý. Nhân vật người lính được giải cứu của Cillian Murphy là một ví dụ. Anh đã run cầm cập và không còn dám trở lại Dunkirk sau khi được giải cứu. Đó là hệ quả của việc phải sống trong lằn ranh của sự sống và cái chết.

Cùng với lối kể chuyện phi tuyến tính và cách sử dụng âm nhạc cộng hưởng vào mạch phim, Nolan còn tạo ra được một cái kết trọn vẹn cho người xem. Đó cũng là lý do dù không có nhiều màn đọ súng hay xáp lá cà, Dunkirk vẫn có thể được xem như một trong những phim chiến tranh hay nhất từ trước tới nay.

ĐOÀN GIA HUY (theo Independent, The Guardian)

;
.
.
.
.
.