Nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa hai bờ sông Hàn

.

Dự kiến năm 2018, hoạt động văn hóa, giải trí hai bên bờ sông Hàn sẽ rất phong phú bao gồm cả hoạt động thường niên, hoạt động định kỳ và một số hoạt động nhân các sự kiện lớn... Vì thế, tổ chức như thế nào để thu hút mạnh mẽ cộng đồng và du khách cần được các ngành chức năng, các đơn vị tham gia xem xét.

Giới thiệu mặt nạ tuồng tại các đêm đưa tuồng xuống phố là cách giúp công chúng hiểu thêm nghệ thuật tuồng. Tuy nhiên, khán giả đến với các đêm diễn như thế này chưa nhiều.
Giới thiệu mặt nạ tuồng tại các đêm đưa tuồng xuống phố là cách giúp công chúng hiểu thêm nghệ thuật tuồng. Tuy nhiên, khán giả đến với các đêm diễn như thế này chưa nhiều.

Năm 2017, tại không gian văn hóa, giải trí hai bờ sông Hàn có 9 hoạt động thường xuyên diễn ra vào các ngày cuối tuần, 19 hoạt động nhân các sự kiện lớn, gần 20 hoạt động do UBND quận Hải Châu, UBND quận Sơn Trà tổ chức trên hai tuyến đường trọng điểm của thành phố là tuyến Bạch Đằng và Trần Hưng Đạo. Nhưng, theo đánh giá chung của những đơn vị tham gia, các hoạt động vẫn chưa thu hút đông đảo công chúng như mong đợi và cần có thay đổi trong năm 2018.

Hơn ba năm gắn bó với CLB Dân ca bài chòi (thuộc Trung tâm Văn hóa thành phố), ông Trịnh Công Sơn, Chủ nhiệm CLB này có nhiều niềm vui và cũng không ít nỗi buồn. Theo ông Sơn, cứ 7 giờ tối thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, tại vỉa hè đường Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà), những câu hát dí dỏm của những người hô hát bài chòi đã níu chân nhiều người ngang qua khu vực này.

Trước khi đến với Đà Nẵng, ông từng có gần 40 năm theo đuổi nghệ thuật bài chòi tại quê nhà Quảng Ngãi. Song với ý tưởng đưa bài chòi xuống phố của Đà Nẵng, ông hào hứng tham gia vì muốn những cái đẹp của nghệ thuật dân gian bài chòi đến gần với khán giả.

“Có những đêm diễn, nhìn người dân và du khách vây quanh khu vực diễn hát bài chòi, tiếng cười rộn rã vang cả khúc sông Hàn, lòng tôi ngập tràn niềm vui. Tuy nhiên, những đêm diễn như thế không nhiều, kéo theo nguồn thu ít, không đáp ứng đời sống nhạc công, diễn viên”, ông Sơn chia sẻ.

Trước câu hỏi tại sao cũng là bài chòi mà thành phố Hội An lại phát triển mạnh mẽ loại hình này như vậy, ông Sơn lý giải, trước hết, không gian phố cổ Hội An tập trung mọi hoạt động văn hóa, giải trí, ẩm thực... Do đó, bài chòi ở Hội An được trình diễn trong bối cảnh phối hợp hài hòa giữa những ngôi nhà cổ và loại hình nghệ thuật cổ xưa nên có sức hút. Ngoài ra, từ những cái chòi đến trang phục, âm thanh, ánh sáng được đầu tư khá chu đáo.

CLB Dân ca bài chòi hoạt động theo hình thức xã hội hóa nên chỉ được hỗ trợ dàn âm thanh, tất cả những thứ khác đều do CLB tự trang trải. “Tất cả thành viên CLB đều đến với bài chòi bằng niềm đam mê. Thu nhập ít, chúng tôi chấp nhận, nhưng muốn sân chơi này thật sự hấp dẫn, chúng tôi mong được hỗ trợ kinh phí trang trí đèn, lồng đèn, chòi... cho thật đẹp mới hy vọng thu hút đông đảo công chúng”, ông Sơn tâm sự.

Tương tự, chương trình nghệ thuật truyền thống của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh trình diễn tại bờ đông cầu Sông Hàn vẫn chưa như mong đợi. Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát chia sẻ, làm thế nào để đưa nghệ thuật tuồng đến với đông đảo công chúng và du khách là vấn đề đội ngũ nghệ sĩ Nhà hát luôn trăn trở.

Đưa tuồng xuống phố có thể nói là một trong những giải pháp. “Năm 2017, không phủ nhận những đêm diễn của Nhà hát cũng thu hút được một số người dân và du khách nước ngoài. Nhưng nói thật, chúng tôi đang cảm thấy không chỉ riêng chương trình của Nhà hát mà các sự kiện khác dọc hai bờ sông Hàn đang lẻ loi. Tôi từng thấy tuồng xuống phố tại Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) hiệu quả hơn bởi không gian trình diễn nằm trong khu vực một bên là phố đi bộ, một bên là phố ẩm thực, dễ bề thu hút khách”, ông Tuấn nói.

Tháng 4-2018, chương trình tuồng xuống phố lại được khởi động. Nhà hát đã dàn dựng một số trích đoạn mới và có thêm tiết mục biểu diễn nghệ thuật đàn đá trong chương trình nghệ thuật truyền thống tổng hợp.

Nhưng theo ông Tuấn, để hoạt động văn hóa, giải trí hai bên bờ sông Hàn thực sự hiệu quả, thu hút công chúng, cần quy hoạch lại không gian trình diễn, kể cả sắp xếp các hộ kinh doanh nước giải khát một cách phù hợp, tạo một mạch gắn kết các loại hình văn hóa, trong đó có văn hóa ẩm thực. Có như vậy mới thu hút công chúng và khách du lịch.

Trao đổi thêm về hoạt động văn hóa, giải trí hai bên bờ sông Hàn, bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao cho rằng, bước đầu hoạt động hai bên bờ sông Hàn tạo được điểm nhấn về không gian hoạt động nghệ thuật, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa, giải trí cho người dân và du khách.

Tuy nhiên, cũng thẳng thắn thừa nhận hoạt động văn hóa, giải trí hai bên bờ sông Hàn vẫn chưa thực sự có sức hút mạnh mẽ đối với cộng đồng. Trong cuộc họp mới đây, Sở Văn hóa-Thể thao đề nghị thời gian đến, các đơn vị, địa phương chủ động đề xuất, bổ sung, điều chỉnh theo hướng đa dạng nội dung, chú trọng chất lượng, hướng đến những hoạt động tạo tính tương tác với cộng đồng, tăng cường kêu gọi xã hội hóa... để không gian văn hóa, giải trí hai bên bờ sông Hàn thật sự đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân và du khách.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.