Niềm hứng khởi từ "học mà chơi"

.

Trong một thời gian dài, những người có trách nhiệm của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Đà Nẵng rất trăn trở khi tiết học thể dục luôn trở thành gánh nặng cho phần lớn học sinh phổ thông. Hơn nữa, thể chất của từng em cũng khác nhau, dẫn đến chất lượng dạy và học thể dục không thể nâng cao…

Với việc thay đổi cách dạy và học thể dục theo hướng đổi mới, học sinh có nhiều cơ hội thể hiện năng lực tại các giải thể thao học sinh và Hội khỏe Phù Đổng.Ảnh: ANH VŨ
Với việc thay đổi cách dạy và học thể dục theo hướng đổi mới, học sinh có nhiều cơ hội thể hiện năng lực tại các giải thể thao học sinh và Hội khỏe Phù Đổng.Ảnh: ANH VŨ

Chính vì thế, chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ giúp cho ngành GD&ĐT thành phố như “cởi” được nút thắt, sớm tiến hành thử nghiệm việc dạy và học thể dục tự chọn từ năm 2015; trong đó, học sinh tự chọn một phân môn thể dục và học xuyên suốt cả năm. Với cách làm này, học sinh rất hào hứng khi được chọn môn học thể dục mình yêu thích. Từ đó, các em đầu tư dụng cụ học tập, chờ đợi giờ học thể dục bằng sự phấn chấn. Đó là thành công bước đầu mà ngành GD&ĐT Đà Nẵng đã đạt được, như khẳng định của Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Nguyễn Đình Vĩnh.

Thành tích của đoàn VĐV học sinh Đà Nẵng với 41 HCV, 32 HCB, 20 HCĐ, chiếm thứ hạng nhất toàn đoàn tại Hội khỏe Phù Đổng 2016 khu vực 3 đã phần nào khẳng định hiệu quả trong công tác giáo dục thể chất (GDTC). Hay khi nói đến các học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, nhiều người vẫn nghĩ các em chỉ là “mọt sách”; tuy nhiên với việc được học thể dục tự chọn, học sinh nhà trường đã giành vị trí thứ hai toàn đoàn tại Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố, năm học 2015-2016. Nhìn xa hơn, chính cách đổi mới việc dạy và học thể dục, ngành GD&ĐT Đà Nẵng đã góp phần đáng kể trong việc tạo dựng nền tảng cơ bản cho không ít VĐV chuyên nghiệp trong tương lai và đó sẽ là nguồn bổ sung cần thiết cho thể thao Đà Nẵng.

Theo thầy Lê Đình Lưu (Trường THPT Ngô Quyền), cơ sở vật chất là yếu tố quyết định 50% chất lượng dạy và học thể dục tự chọn. Do chưa có nhà đa năng nên khi trời mưa, ngoài môn võ và đá cầu, việc dạy và học các môn bóng rổ, cầu lông, bóng chuyền bị ảnh hưởng rất lớn. Bên cạnh đó, dù đã có nhà đa năng song một số trường cũng không thể triển khai dạy tất cả các môn ở đây do công năng không phù hợp. Vì thế, chủ trương của thành phố đầu tư cho ngành GD&ĐT xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác GDTC là thực sự có ý nghĩa. Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, tổng kinh phí phục vụ đề án tổng thể GDTC là hơn 104,7 tỷ đồng với các nội dung đầu tư trang-thiết bị; xây dựng, sửa chữa 25 nhà đa năng; trang bị 12 bể bơi di động; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; trang-thiết bị giáo dục mầm non; bổ sung nguồn chi khác để thuê cơ sở vật chất thể thao ngoài ngành. Bên cạnh đó, trước mắt, Sở GD&ĐT chọn và trình UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư 24 sân thể thao các cấp học. Đồng thời, Sở Xây dựng đã chỉ đạo Viện Quy hoạch rà soát, chọn địa điểm để đầu tư xây dựng các cụm thể thao dùng chung cho các trường học…

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.
.