.

Bệnh phong không còn là nỗi sợ

.

Bệnh phong dần trở thành loại bệnh hiếm gặp trên địa bàn Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung. Những xóm người bị phong giờ đây đã thực sự lùi vào dĩ vãng khi bệnh mới mắc được phát hiện sớm, thuốc đặc trị hiệu quả và sự kỳ thị không còn quá nặng nề.

Bà Than (ngồi) và bà Chép chọn Bệnh viện Da liễu là nhà.
Bà Than (ngồi) và bà Chép chọn Bệnh viện Da liễu là nhà.

“Ở đây sướng rồi, chẳng cần đi đâu…”

Buồng bệnh yên tĩnh với cây xanh bao quanh nằm phía cuối khuôn viên Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng nhiều năm nay là “nhà” của hai bệnh nhân đặc biệt. Việc điều trị đã dứt từ lâu, nhưng với bà Nguyễn Thị Chép (84 tuổi) và bà Nguyễn Thị Than (82 tuổi), chẳng còn nơi nào sướng hơn nơi này để phải tính chuyện xuất viện trở về.

Bà Chép là người Huế, bà Than người Tam Kỳ, nhưng định cư ở Làng Vân (nơi tập trung sinh sống của người bị phong) từ nhiều chục năm trước, nên giờ hai bà mặc định mình là người Đà Nẵng. Khi Làng Vân “vào bờ” ở khu liền kề nằm dọc biển Nguyễn Tất Thành, hai bà thay vì an cư cùng xóm Làng Vân thì lại vào Bệnh viện Da liễu “ổn định cuộc sống”.

Thấy có bác sĩ ghé thăm, cụ Than, cụ Chép lục đục ngồi dậy xỏ lại đôi dép cho vừa bàn chân cong vẹo mang di chứng bệnh phong nặng một thời. Nghe người lạ hỏi sao không xuất viện cho khỏe, hai bà minh mẫn vừa nói vừa móm mém cười: “Không chồng, không con, già rồi ở nhà riêng ai nấu cho ăn. Vô đây có bác sĩ, y tá, hộ lý quan tâm khỏe hơn”.

Ôm chiếc radio từ sáng đến tối như người bạn thân không rời, bà Than hào hứng kể: “Chuyện chi cũng biết nhờ nghe thời sự”. Chương trình bà yêu thích nhất là tin tức nóng hổi trong nước, lúc vui vui lại mang chuyện… trên đài ra kể cho bà Chép nghe. “Tui nói chi bả (bà Chép - PV) cũng cười cười rứa đó”, bà Than kể về người bạn già của mình.

Bà Chép mắt mờ vì đục thủy tinh thể, đôi chân liêu xiêu bước đi phải dựa vào sự trợ lực của bốn chân ghế nhựa. Rành rọt từng lời, bà Chép tâm sự: “Chồng mất rồi, tui còn 4 đứa con ở Huế. Tụi nó cực quá, mình ở chung thì phiền. Hơn nữa, mấy chục năm xa quê chừ về lại cũng lạ lẫm nên ở trong bệnh viện là được nhất”.

Ngoài chế độ Nhà nước hỗ trợ cho bệnh nhân phong, 3-4 năm qua, Bệnh viện Da liễu còn có “chế độ” riêng cho hai cụ từ việc cử người chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ đến việc nhỏ như đóng dép cho vừa từng bàn chân. “Chúng tôi làm vô tư thôi, không có gì vất vả hay nhọc nhằn khi chăm sóc thêm hai cụ”, bác sĩ Trần Công Đức, Phó Giám đốc bệnh viện nói.

Bệnh phong rất khó lây

Cùng với việc chăm lo cho cụ Than và cụ Chép, Bệnh viện Da liễu còn đảm nhận Chương trình mục tiêu quốc gia phòng bệnh phong trên địa bàn Đà Nẵng, với việc quản lý tổng cộng 180 người, gồm bệnh nhân đã khỏi bệnh được chăm sóc về tàn tật (trong đó có hai cụ), bệnh nhân đang trong giai đoạn giám sát và bệnh nhân mới mắc.

Từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng chưa phát hiện thêm trường hợp bị bệnh phong. Trong năm 2014, thành phố có 3 bệnh nhân mới mắc đều trên 50 tuổi. Cả ba trường hợp này được phát hiện sớm nên không để lại di chứng và khả năng lành bệnh cao.

Theo bác sĩ Trần Công Đức, những năm gần đây, người mắc bệnh phong ngày một ít vì nhiều lý do như: có chương trình phòng bệnh của ngành y tế, thuốc điều trị tốt và ý thức chăm sóc sức khỏe của người dân tăng lên.

Các bác sĩ điều trị bệnh phong cho biết, hầu như họ không còn nghe bệnh nhân phàn nàn về việc bị kỳ thị. Tuy nhiên, quan niệm coi bệnh phong như một loại bệnh đáng sợ vẫn tồn tại. “Trước đây, hiểu biết của nhiều người về bệnh phong còn hạn chế; hơn nữa di chứng để lại quá khủng khiếp như gây cùi, lở loét, tàn tật, v.v… khiến mọi người ngại bệnh này. Thực tế về cơ chế khoa học, vi trùng phong rất khó lây. Nếu dễ lây thì bác sĩ thường xuyên tiếp xúc với người bệnh như chúng tôi phải là người mắc bệnh trước. Vi trùng phong còn dễ bị diệt bởi những chất diệt khuẩn thông thường, nên riêng việc giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt cũng là giải pháp đẩy lùi bệnh phong”, bác sĩ Đức nói.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.