.

Ăn theo... y lệnh

.

Dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ là chuyện mà bệnh nhân nào cũng đương nhiên đồng tình, nhưng ăn theo y lệnh, tức ăn để chữa bệnh chứ không phải ăn theo sở thích, còn là điều chưa thể chấp nhận ngay với nhiều bệnh nhân.

Thức ăn được xay loãng, đóng chai tại khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đà Nẵng nhằm cung cấp cho bệnh nhân ăn qua ống xông.
Thức ăn được xay loãng, đóng chai tại khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đà Nẵng nhằm cung cấp cho bệnh nhân ăn qua ống xông.

Đã bệnh còn… “ăn khổ”

Không ít người cho rằng khi mắc bệnh, nhất là lúc nằm viện, cơ thể cần được bồi dưỡng cho nhanh lại sức. Theo đó, thức ăn phải bổ dưỡng hơn và hấp dẫn hơn để kích thích người ốm ăn được nhiều. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy, khi bữa cơm theo chế độ riêng của nhiều bệnh nhân lại “khó ăn” và “kham khổ” hơn họ tưởng.

Nằm điều trị tại khoa Nội - Tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng, bà K. bất ngờ khi mỗi ngày đến bữa cơm đều được bệnh viện chuẩn bị sẵn phần ăn giá 15.000 đồng, thường chỉ gồm rau luộc, đậu khuôn và canh. Cảm thấy nhạt miệng, bà K. đổi cơm bệnh viện cho người nhà ăn, và ăn phần cơm từ nhà nấu mang lên.

Cũng như bà K., một số bệnh nhân khác lén ăn thêm thức ăn mua từ bên ngoài… cho đủ chất. Những người ít tiền hơn lại có cách suy nghĩ khác, liệu họ có thể không mua 15.000 đồng cơm của bệnh viện, mà chỉ mua 10.000 đồng, hoặc dùng cháo từ thiện cho đỡ tốn tiền?

Ăn đúng

Theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Khánh Ngọc, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đà Nẵng, khái niệm “ăn ngon” không phù hợp, thậm chí gây cản trở việc chữa bệnh với những người mắc huyết áp, tim mạch, tiểu đường… Do đó, việc bệnh nhân phải “ăn đúng”, tức ăn theo từng dạng bệnh lý là một trong các quy định bắt buộc bên cạnh chỉ định dùng thuốc, xét nghiệm…

Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện ăn theo chế độ bệnh lý cho tất cả bệnh nhân nặng ăn qua ống xông. Với các đối tượng nội trú khác, bệnh viện đã áp dụng quy định này tại khoa Nội thận - Nội tiết từ gần một năm nay.

Hiện tại, việc ăn theo chế độ ăn bệnh lý đang tiếp tục triển khai đến khoa Nội - Tim mạch và đã có 1/3 bệnh nhân tại đây thực hiện. Thức ăn do khoa Dinh dưỡng phối hợp với Công ty TNHH An Thạnh cung cấp đến từng bệnh nhân. Giá suất ăn từ 39.000 - 45.000 đồng/ngày/3 bữa, tùy loại bệnh.

Theo bác sĩ Khánh Ngọc, việc ăn riêng, ăn kiêng theo chỉ định của bệnh viện dễ bị bệnh nhân phản ứng trong thời gian đầu áp dụng hình thức này. “Nhiều người quen ăn mặn, thức ăn phong phú, giờ phải ăn hoàn toàn không muối (đối với một số bệnh), và thức ăn đặc thù theo từng loại bệnh lý nên họ không hứng thú. Tuy nhiên, theo thời gian, bệnh nhân dần hiểu cùng với thuốc, ăn uống đúng chỉ định sẽ mau khỏi bệnh”.

Với ý kiến cho rằng, nên chăng giới thiệu thực đơn tham khảo để người nhà tự nấu cho bệnh nhân thay vì bệnh viện “độc quyền” cung cấp thức ăn, bác sĩ Ngọc khẳng định: “Không thể làm vậy vì không quản lý được việc người nhà có nấu đúng hàm lượng quy định hay không. Tưởng không nêm mắm muối là không mặn, nhưng chỉ riêng nêm bột ngọt đã có nhiều muối trong đó rồi. Giá phần ăn như trên cũng là mức thấp nhất bệnh viện có thể làm được. Đối với người nghèo, cơ nhỡ, bệnh viện có kinh phí hỗ trợ nhóm bệnh nhân này”.

Bác sĩ chuyên khoa II Võ Thị Thu Hà, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết thêm, đã có hai khoa thực hiện chế độ ăn theo bệnh lý. Trong tương lai, sẽ dần áp dụng hình thức này trong toàn bệnh viện.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.