.

Chống quá tải ở Bệnh viện Đà Nẵng

.

Bệnh viện Đà Nẵng quá tải khắp các khoa, phòng và trong nhiều năm liền. Tuy vậy, tình trạng bệnh nhân nằm ghép lại ngày càng giảm vì từng milimet mặt sàn đều được trưng dụng cho việc kê thêm giường. Ngoài ra, nhiều giải pháp khác cũng được đồng thời áp dụng để ứng phó với quá tải.

Bệnh nhân nằm điều trị tại khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng.
Bệnh nhân nằm điều trị tại khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng.

Khỏi bệnh nhanh, ra viện sớm

Từ khu khám đến khu cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng luôn ở tình trạng chật cứng bệnh nhân. Trong đó, khoa Nội tim mạch được xem là “điểm nóng” về quá tải.

Trước năm 2012, quy mô khoa Nội tim mạch có 80 giường, nay đã tăng lên 115 giường. Để có chỗ kê thêm 35 giường trong không gian vốn đã chật hẹp, tất cả các phòng chức năng tại đây đành… dẹp bỏ hoặc gom về một mối.

Không nằm trong khuôn viên khoa như các đơn vị khác, phòng Trưởng khoa Nội tim mạch được đặt ở… ngoài hành lang, ngay đầu cầu thang dẫn vào khoa. Phòng tổng đài của bệnh viện, nay phải “nhường” cho trưởng khoa có chỗ tiếp khách, làm việc.

Phòng bác sĩ trực, phòng điều dưỡng cũng bị “cắt”. Thay vào đó là một chỗ nghỉ ngơi chung cho toàn bộ ekip trực. Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Đình Lai, Trưởng khoa Nội tim mạch chia sẻ: “Hằng đêm, cứ kíp nam vào nghỉ thì kíp nữ ra làm việc và ngược lại. Chỉ có phòng thủ thuật và siêu âm được “ưu ái” bố trí một buồng riêng, bảo đảm sự riêng tư, yên tĩnh để bác sĩ tác nghiệp với những kỹ thuật đòi hỏi sự tập trung, chính xác cao”.

Nhờ cách tận dụng không gian này, bệnh nhân cơ bản được sắp xếp mỗi người một giường. “Tuy nhiên, cũng không thể tránh khỏi việc nằm ghép. Số thực kê tối đa là 115 giường, nhưng có ngày 150 bệnh nhân nhập viện thì chúng tôi phải nối hai giường lại cho 3 người nằm chung”, bác sĩ Huỳnh Đình Lai nói.

Bên cạnh việc tăng số giường bệnh, khoa Nội tim mạch thực hiện đồng thời nhiều giải pháp. Theo bác sĩ Lai, đầu tiên là tích cực chẩn đoán nhanh để sàng lọc bệnh ngay từ đầu. Khoa tăng cường phòng khám ngoài và có chương trình điều trị khám ngoại trú. Hiện nay, 75% bệnh nhân tim mạch người Đà Nẵng điều trị ngoại trú vì điều kiện đi lại bệnh viện khá thuận lợi. Riêng với bệnh nhân ngoài tỉnh, các bác sĩ thường cho nhập viện vì người bệnh ở xa, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn nên nằm viện là giải pháp an toàn.

Thứ hai, các bác sĩ kê những loại thuốc, phương pháp đặc trị để giảm ngày chữa bệnh, như với bệnh mạch vành, trước đây phải mất khoảng 3 ngày nằm viện bệnh nhân mới đủ điều kiện chụp động mạch vành, nhưng nay chỉ trong vòng 1 ngày, bệnh nhân đã được làm đủ các xét nghiệm, siêu âm tim, điện tâm đồ và có hướng điều trị ngay.

Việc trang bị phương tiện, máy móc đa dạng, hiện đại cũng là cách rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí điều trị. Khoa hiện có 3 máy Holter điện - một loại thiết bị gắn trên ngực người bệnh, có phần mềm ghi nhận điện tim trong vòng 24-48 giờ giúp xác định hiện tượng rối loạn nhịp. Bệnh viện còn có máy đốt các loạn nhịp bằng năng lượng sóng radio. Phương pháp này không sử dụng thuốc mà dùng sóng radio đốt cơn loạn nhịp chỉ trong vòng 30 phút. Như vậy, so với trước đây, việc điều trị loạn nhịp có thể rút ngắn đáng kể về mặt thời gian.

Với “máy trắc nghiệm gắng sức” khá rẻ tiền và tiện lợi, nhiều bệnh nhân không cần dùng đến phương pháp tốn kém như chụp mạch vành để phát hiện bệnh nhồi máu cơ tim… Bác sĩ Lai cho rằng, tất cả sự đầu tư này nhằm giúp việc điều trị được nhanh nhất, hiệu quả nhất, bệnh nhân nhờ đó mau khỏi bệnh, ra viện sớm.

Tăng sự hài lòng

Năm 2015, Bệnh viện Đà Nẵng được UBND thành phố tăng giường kế hoạch lên 1.400 giường. Tuy số thực kê là 1.891 nhưng bệnh viện vẫn không có giường trống.

Dù lượng bệnh đông, trong đó khám bảo hiểm y tế chiếm 84%, bệnh ngoài tỉnh chiếm 30%, nhưng tỷ lệ hài lòng của người bệnh tăng theo thời gian. Hằng tháng, bệnh viện làm phiếu khảo sát mức độ hài lòng về dịch vụ khám, chữa bệnh. Qua đó ghi nhận phần đông (tỷ lệ từ trên 80% đến trên 90%) bệnh nhân đánh giá “Tốt” hoặc “Rất tốt”.

Ngoài việc mỗi khoa tự điều chỉnh để phù hợp với lượng bệnh, bệnh viện còn mở rộng thêm 120m2 khu cấp cứu, xây dựng mới khu Hồi sức cấp cứu - Phòng mổ; đồng thời phát triển nhiều kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng để giảm ngày điều trị.

Đặc biệt hiện nay, Trung tâm tim mạch, một đơn vị của Bệnh viện Đà Nẵng, với diện tích hơn 2.000m2, đang được gấp rút thi công. Trung tâm 300 giường bệnh với tổng mức đầu tư ban đầu 240 tỷ đồng được cho sẽ là nơi giải quyết sự quá tải ở các khoa liên quan đến tim mạch nói riêng và toàn bệnh viện nói chung.

Bài và ảnh: HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.