.

Đất nước non trẻ Nam Sudan: Hy vọng và thách thức

.

Cộng hòa Nam Sudan vừa chính thức trở thành thành viên mới nhất của LHQ. Đất nước vừa tách ra sau 5 thập niên đấu tranh vẫn đang còn trong niềm vui lập quốc (ngày 9-7 vừa qua): người lớn cụng nhau chai bia White Bull (Bò trắng) cỡ lớn, còn trẻ con ra đường nhảy nhót vui đùa. Đó chính là niềm hy vọng về một đất nước còn rất non trẻ nhưng cũng không ít nỗi lo.

 

Mô tả ảnh.
Một thanh niên vẽ màu cờ nước Nam Sudan chào mừng Nam Sudan lập quốc.


Kể từ khi tuyên bố độc lập, Nam Sudan trở thành nước thứ 54 của châu Phi cũng là nước nằm chót cùng trong danh sách những nước nghèo khó. Phần lớn người dân sống dưới 1 USD/ngày. Hơn 10% trẻ em chưa kịp đón sinh nhật lần thứ năm. Khoảng ¾ người lớn mù chữ hoàn toàn. Và chỉ có 1% hộ gia đình có tài khoản ngân hàng. Chỉ riêng trong năm nay đã có 2.300 người chết vì xung đột sắc tộc và do nổi loạn. Có khoảng 6-7 nhóm nổi dậy với hàng nghìn tên khủng bố sẵn sàng tấn công lính chính phủ, tấn công thường dân, bắt trộm gia súc và thậm chí cả trẻ em. Ngoài ra, Nam Sudan còn phải đối mặt với cuộc nổi dậy vì tranh giành lãnh thổ và sắc tộc với đối thủ cũ ở miền Bắc.

 


Sắc tộc là vấn đề lớn ở đây. Trong cuộc nội chiến lâu dài Bắc –Nam trước đây thì hai nhóm Dinka và Nuer góp sức chủ lực. Tuy nhiên, khi thành lập Chính phủ thì đa số thuộc về nhóm Dinka. Đó được xem là mầm mống để Neuer nổi loạn vì sự bất công. Nên nhớ rằng sau khi Sudan tuyên bố độc lập từ Anh và Ai Cập năm 1956, người dân miền Nam đã không ít lần kêu gọi cần có quyền lợi nhiều hơn vì bị đối xử như công dân hạng hai. Do yêu cầu không được đáp ứng nên đã dẫn tới cuộc nội chiến kéo dài gần 5 thập niên.


Nam Sudan là nước được thiên nhiên ưu đãi. Ngoài cây cối xanh tốt cho nhiều hoa quả thì Nam Sudan sản xuất khoảng 375 nghìn thùng dầu mỗi ngày. Nhưng nạn đói cũng là thách thức đáng lo ngại với 3 triệu người cần viện trợ lương thực để tồn tại. Trong hầu hết các làng đều không có điện, không có nước. Chính quyền Nam Sudan bảo rằng 83% dân số sống nhà tranh vì đó là di sản lịch sử để lại.


Dù đứng trước rất nhiều khó khăn nhưng Chính phủ Nam Sudan rất tự tin vào khả năng điều hành của mình. Kể từ khi chính quyền Bush thúc đẩy kế hoạch độc lập cho Nam Sudan năm 2005, miền Nam đã chuẩn bị rất kỹ nhằm tránh vết xe đổ của các nước độc tài như Zimbabwe và Eritrea, nên đã tổ chức bầu cử đường hoàng. Trong chừng ấy năm, các thành viên Chính phủ hiện nay cũng đã xây dựng các chính sách, bảo vệ biên giới, kêu gọi đầu tư. Chính phủ Nam Sudan đã bỏ ra 700 triệu USD cho vấn đề an ninh, nhiều hơn ngân sách giáo dục, sức khỏe, điện lực, giao thông và công nghiệp cộng lại. An ninh được xem là vấn đề mấu chốt để Nam Sudan có thể đi lên từ con số không tròn trĩnh…

ANH THƯ

;
.
.
.
.
.