.
Hồ sơ tên đường

Vũ Văn Dũng đứng đầu Tây Sơn thất hổ tướng

.

Trong 7 vị tướng tài người địa phương theo nhà Tây Sơn đến cuối đời, được nhân dân Bình Định tôn là Tây Sơn thất hổ tướng, Vũ Văn Dũng xếp đầu tiên, kế đó là Trần Quang Diệu.

Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn bên đường Vũ Văn Dũng.
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn bên đường Vũ Văn Dũng.

Về quê quán của Vũ Văn Dũng (còn gọi là Võ Văn Dũng), có nhiều nguồn dẫn khác nhau.

Theo sách “Lê quý kỷ sự” (Ghi chép những chuyện thời cuối nhà Lê) của Nguyễn Thu (1799 - 1855), ông người Hải Dương, từng theo đại tướng Phạm Ngô Cầu (Quận Tạo) vào lưu thú ở Thuận Hóa, sau về với Nguyễn Huệ.

Theo sách “Vũ nhân Bình Định” của Quách Tấn - Quách Giao (NXB Trẻ, 2001), ông người thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn (Tây Sơn ngày nay), tỉnh Bình Định; sinh năm Canh Ngọ (1750), mất năm Tân Sửu (1841).

Theo sách “Thành ngữ - Điển tích - Danh nhân Từ điển” của Trịnh Vân Thanh (NXB Văn học, 2008), ông không rõ năm sinh, sống vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, người thôn Phú Mỹ, quận Bình Khê, tỉnh Bình Định (nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).

Năm 1786, ông giữ chức Tư khấu dưới quyền Bắc Bình vương Nguyễn Huệ, lần thăng đến Đô đốc, được phong tước Chiêu Viễn Đại đô đốc Đại tướng quân Dực vận Công thần Vũ Quốc công.

Ông hai lần đi sứ sang nhà Thanh. Lần đầu vào ngày 18 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), ông đi sứ với nhiệm vụ giảng hòa sau khi vua Quang Trung đánh tan 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh và tiến vào Thăng Long.

Lần thứ hai vào năm Tân Hợi (1791), niên hiệu Quang Trung thứ 9, ông được tiến cử làm Chánh sứ đưa Phạm Công Trị đóng giả vua Quang Trung sang Yên Kinh, Trung Hoa. Để thăm dò thái độ vua Càn Long nhà Thanh, vua Quang Trung (giả) dự định đòi lại 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây (những phần đất biên giới mà các thổ quan nhà Thanh chiếm của Đại Việt vào năm 1769, thời kỳ nghĩa quân Hoàng Công Chất, Hoàng Công Toản), đồng thời hỏi con gái vua Thanh làm vợ. Song, giữa lúc Vũ Văn Dũng đang dùng tài hùng biện thuyết phục vua Thanh thì nhận được tin dữ là vua Quang Trung băng hà, ông đành ôm hận trở về nước.

Sau khi Quang Trung chết, mọi quyền hành đều nằm trong tay Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Năm 1795, Tuyên gọi Vũ Văn Dũng ở Bắc Hà về Phú Xuân, và cho Ngô Văn Sở (phe của Tuyên) ra thay. Ông về đến trạm Hoàng Giang thì gặp Trần Văn Kỷ bị Tuyên đày ở đó. Nghe lời bàn của Trần Văn Kỷ, rằng nếu không sớm trừ khử họ Bùi thì sẽ là điều bất lợi cho xã tắc, ông gấp rút dẫn quân về Phú Xuân, bí mật phối hợp với Nguyễn Văn Huấn, Phạm Công Hưng vây bắt Bùi Đắc Tuyên ngay ở cung của vua Cảnh Thịnh.

Năm 1799, thành Quy Nhơn bị chúa Nguyễn Ánh đánh ngặt, ông và Trần Quang Diệu vào cứu, nhưng thất bại. Năm 1800, cả hai lại cùng vào đánh Quy Nhơn. Năm sau, Chúa Nguyễn đem đại quân ra cứu, phá tan thủy quân Tây Sơn do ông chỉ huy ở cửa biển Thị Nại. Đại bại, ông dẫn tàn quân chạy đến chỗ Trần Quang Diệu, rồi cùng vây thành Quy Nhơn rất ngặt.

Năm 1802, nghe tin vua Cảnh Thịnh và Đô đốc Bùi Thị Xuân thua trận ở Trấn Ninh, ông và Trần Quang Diệu đành bỏ thành Quy Nhơn đã chiếm được, đem binh tượng đi đường thượng đạo qua Lào ra Nghệ An để hội quân với vua Cảnh Thịnh. Đến nơi, thấy binh nhà Nguyễn đã chiếm thành rồi, ông định chạy ra Bắc, nhưng đến Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) thì bị dân sở tại bắt đem nạp cho vua nhà Nguyễn.

Theo sử nhà Nguyễn thì ngày 2-11-1802 ông bị Nguyễn Ánh giết cùng với các cận thần của vua Quang Trung.

Gần đây, theo tác giả sách Nhà Tây Sơn (Quách Tấn - Quách Giao, NXB Trẻ, 2000), ông đã thoát khỏi nanh vuốt của Gia Long, lui về vùng Bình Định, cải danh là Vũ Văn Độ rồi chiêu mộ các sắc dân miền Thượng chống lại nhà Nguyễn. Ngày 23-3 năm Ất Dậu (1835), niên hiệu Minh Mạng thứ 16, ông mất. thọ trên 90 tuổi.

Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 360m, rộng 10,5m, điểm đầu giao với đường Ngô Quyền, điểm cuối giao với đường Trần Hưng Đạo, thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, theo Nghị quyết số 28/2003/NQ/HĐND ngày 11-1-2003 của HĐND thành phố về đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.