.

Một thời hoa lửa

.

Những ngày này, bao thế hệ học trò Trường THPT Phan Châu Trinh (PCT) nôn nao chờ đến ngày hội trường. Trong nhiều câu chuyện được nhắc đến, họ kể nhau nghe những năm tháng thầy và trò đồng cam cộng khổ, kêu gọi lòng yêu nước, chống ngoại xâm…

 Hình ảnh học sinh-sinh viên Đà Nẵng trong một lần xuống đường biểu tình những năm 70.
Hình ảnh học sinh-sinh viên Đà Nẵng trong một lần xuống đường biểu tình những năm 70.

Chung lý tưởng và mục đích sống

Những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, Đà Nẵng là thành phố của chiến tranh. Cựu học sinh từng học dưới mái trường PCT những năm đó như Huỳnh Văn Hoa, luật sư Đỗ Pháp, nhà báo Lê Đức Hùng… đều nói rằng, phong trào học sinh-sinh viên đô thị thời đó bùng phát mạnh mẽ. Ở đâu, nơi nào cũng nghe những bài ca tươi sáng, thúc giục đấu tranh cho hòa bình và lẽ phải. Sau mỗi giờ tan học, từng toán học sinh chụm lại đọc cho nhau tờ truyền đơn in vội, phổ biến bài ca đấu tranh. Xung quanh cội bồ đề chùa Tỉnh Hội, họ thông báo tình hình, tin tức cho nhau. Quán sách Việt đường Lê Lợi, quán nước mía chị Mười đường Thống Nhất (nay là Lê Duẩn), quán chè chị Nhỏ trước cổng trường Trung học Bồ Đề (nay là THCS Nguyễn Huệ, đường Quang Trung)… trở thành nơi cất giấu truyền đơn, bom xăng, nơi rà soát những chiến công, kinh nghiệm sau mỗi lần tranh đấu.

Trong một lần trò chuyện, luật sư Đỗ Pháp (niên khóa 1970-1973) nói: “Đối với tôi, được mang tên học sinh PCT là cả một niềm tự hào, niềm hạnh phúc vô biên. Thầy cô, bạn bè đều thanh tao, trong trẻo, hồn nhiên và dễ gần gũi”. Ở đây, ông có những người bạn năng nổ, nhiệt tình tham gia mọi phong trào, hoàn toàn tự nguyện. Họ xuất thân từ nhiều thành phần, ở nhiều vùng quê khác nhau như Quế Sơn, Thăng Bình, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hòa Vang, tất cả đều chung lý tưởng và mục đích sống. Thời điểm này, học sinh các Trường Trung học PCT, Trung học Bồ Đề, Trường Nữ Trung học Hồng Đức… xuống đường bãi khóa chống Lonnol, Sirik Matak tàn sát kiều bào ta ở Campuchia, đòi “tự do-dân sinh-dân chủ”, “lành mạnh hóa học đường”, “Mỹ cút về nước”, đòi tẩy chay “lớp học cá mòi” (chống lại chủ trương nhồi nhét học sinh vào lớp học đông người để thu lợi)…

Nhiệt tình tham gia phong trào đấu tranh, nên khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Đỗ Pháp được giao nhiệm vụ Phó Chủ tịch Nội vụ thuộc Tổng đoàn HS-SV Đà Nẵng. Ông chia sẻ: Cuộc thi hùng biện liên trường, cuối năm 1970 tại Trường Trung học PCT với chủ đề Người thanh niên trước ngưỡng cửa cuộc đời đã giúp chàng thanh niên tuổi 17 như ông lúc đó có thêm động lực để đấu tranh chống kẻ thù.

Tiếng gọi phong trào

Ngoài bãi khóa, biểu tình, một trong những dấu ấn đậm nét của phong trào học sinh PCT nói riêng và Đà Nẵng nói chung, là sự ra đời của những đặc san mang nội dung  tranh đấu, tự tình dân tộc. Cụ thể, khối Báo chí, Trường Trung học PCT ra các đặc san Hành hương, Hương đất. Ban báo chí lớp 10C với Hoa lau, Vỡ mắt. Tổ chức nhiều đêm văn nghệ đấu tranh như Hát cho đồng bào tôi nghe, Đồng bào ta cùng hát, Đốt lửa căm thù, Đốt lửa Phan Châu Trinh. Đặc biệt là tổ chức thành công hai đêm hát Từ trong lòng đồng bào ta lớn dậy.

Chia sẻ với chúng tôi, nhà báo Lê Đức Hùng không giấu niềm tự hào khi nói về những người bạn phong trào của mình thời đó: “Chúng tôi có mặt ở khắp mọi nơi, mọi lúc, và để khi cần… tất cả đã làm nên “phong trào”, tất cả đều dấn thân và sống hết mình theo đúng nghĩa, của những người trí thức và những người trẻ-thư sinh thời loạn. Đó là một thời vô tư, sôi nổi và sẵn sàng hy sinh của một lớp trẻ yêu nước, chống ngoại xâm và tràn đầy nhiệt tâm với đồng bào mình”.

Và, cũng từ đây, những chuyến xe quyên góp, cứu trợ mang chăn mền, sách vở, gạo mì cũng như tiếng ca phong trào về các làng mạc, nông thôn bị đói nghèo vì chiến tranh và thiên tai. Nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh niên-Nhà báo Nguyễn Công Khế-cựu học sinh Trung học PCT niên khóa 1970-1973 từng bảo rằng, sự đấu tranh của thế hệ học sinh lúc ấy có sự ủng hộ, che chở từ những người thầy. Một trong số đó là thầy giáo dạy văn tên Trần Thông. “Ông khuyến khích chúng tôi làm báo, viết báo, và khi chúng tôi tham gia vào cuộc đấu tranh chống Mỹ ở đô thị, ông có vẻ đồng tình ngầm với những học trò “ương ngạnh” của mình. Một thời gian, chúng tôi tổ chức bãi khóa kéo dài, đại tá thị trưởng Nguyễn Ngọc Khôi thân chinh đến trường PCT nói chuyện, thuyết phục đám học trò phải ngoan và “học hành đàng hoàng”, đừng tham gia chính trị, đấu tranh biểu tình. Tôi, một trong những người phản đối, đã ra khỏi trường, quyết không chịu nghe những lời dỗ ngọt đó. Đứng ngoài bìa đường Lê Lợi, thầy đưa mắt nhìn vào trường và bảo với chúng tôi: “Con chó đó sao mà sủa lâu thế?”, Công Khế nhắc lại.

Nhớ lại những ký ức về một thời hoa lửa dưới mái Trường Trung học PCT, ông Huỳnh Văn Hoa, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Đà Nẵng bộc bạch, những bạn bè cùng trang lứa, sau một thời gian tham gia phong trào đấu tranh đô thị, bí mật thực hiện các chỉ đạo của Đặc Khu Đoàn Quảng Đà, có người bị bắt, có người thoát ly, có người lánh đi nơi khác. Song, tất cả vẫn vẹn nguyên một trái tim hồng, một ước mơ cháy bỏng về ngày quê hương hòa bình, thống nhất. Thế hệ học sinh mười tám, đôi mươi học tập tại các trường trung học Đà Nẵng một thời đã làm nên “chất phong trào” rất đáng tự hào, trân quý.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.