.

Chúng ta vẫn nợ nhân gian 

.

 Nhà thơ Hải Như vừa có cuộc trò chuyện với TuanVietnam.net xung quanh khát vọng sáng tạo của văn giới với kỳ vọng những người cầm bút thoát khỏi sợi dây tự ràng buộc để viết trung thực những gì đang diễn ra trong đời sống. Theo đề nghị của nhà thơ Hải Như, ĐNCT xin lược trích cuộc trò chuyện này, giới thiệu cùng bạn đọc.

Nhà thơ Hải Như
Nhà thơ Hải Như

* Thưa nhà thơ Hải Như, cùng được thừa hưởng những giá trị của Đổi mới, song các nhà văn, nhà thơ hiện nay vẫn chưa bắt kịp tiến trình này, nếu không muốn nói là đi sau nhiều ngành hoạt động khác.

- Tôi luôn nghĩ, chúng ta mới có cán bộ viết văn, cán bộ tuyên truyền hơn là nhà văn, nhà thơ đúng nghĩa. Nhà văn, nhà thơ là phải có cái tôi, không có cái tôi không phải là nhà văn, nhà thơ mà đó là của các phe nhóm chính trị, nhóm lợi ích. Nhà văn, nhà thơ luôn phải tư duy theo dân tộc tư duy, không phải nương theo các nhà chính trị. Khi mà các nhà văn, nhà thơ chỉ chăm lo phấn đấu vào các đảng phái, phe nhóm, phấn đấu viết theo đơn đặt hàng, viết theo kiểu ăn theo, nói leo, thì làm sao có được một nền văn học đích thực.

Theo tôi, muốn có những tác phẩm văn học “để đời” rõ ràng không phải chuyện trong đảng hay ngoài đảng, chỗ đứng chỗ ngồi, già hay trẻ, nhận được hỗ trợ bao nhiêu... mà cái trước nhất chính là sự rung cảm của người cầm bút trước hiện thực. Quan trọng hơn cả là họ có vượt qua được những suy nghĩ thiệt hơn tầm thường, để có khát vọng sáng tạo, dám viết những gì đang diễn ra trong đời sống.

Nói như thế không có nghĩa là Việt Nam không có nhà văn, nhà thơ hay, không có tác phẩm tốt. Nhưng đúng là lâu lắm rồi chúng ta không tìm ra được những tác phẩm văn học lớn có giá trị khai mở, rung động, thức tỉnh lòng người.

Để trở thành một văn sĩ, thi sĩ đích thực, người ta rất cần một thứ, đó là tự do. Nhưng độc lập-tự do này không ngoại lực nào có thể tác động mà chính nhà văn, nhà thơ phải tự nhận ra.

* Ông có cho rằng, bên cạnh sứ mệnh “viết bệnh sử của nhân loại”, nhà văn, nhà thơ còn có thêm cả trách nhiệm chính trị?

- Lâu nay có những người vẫn nhầm lẫn giữa văn học và báo chí. Báo chí là hiện thực, văn học là hư cấu. Từ văn học theo thiển nghĩ của tôi thì bạn đọc mọi thời đại đều đã phân biệt có Hai dòng văn chương cùng song hành trong xã hội:

Dòng văn chương Ưu thời gồm những áng văn chương của kẻ sĩ (từ xa xưa nhà văn được xã hội tôn vinh là kẻ sĩ hàng đầu) vốn giàu lòng trắc ẩn, không chịu sống bình yên luôn trăn trở suy tư về kiếp người, tự nhận trách nhiệm về sự hưng thịnh của dân tộc. Đó là những người cầm bút luôn luôn mở to mắt nhìn ra những “bất công” xã hội, đã bằng sáng tác của mình thức tỉnh lương tri của mọi người.

Và, dòng văn chương Xu thời gồm các tác phẩm chung một xu hướng mà nói theo Balzac, chỉ muốn “bào nhẵn những gồ ghề trong cuộc sống xã hội”, những áng văn chương “một chiều” đánh mất tư duy độc lập. Tác giả những áng văn, áng thơ này được các đức vua và các chính trị gia nuôi dưỡng bằng bổng lộc khó khước từ.

Nhìn lại dòng lịch sử văn học của nhiều dân tộc, có những thế kỷ người làm thơ thì nhiều không đếm xuể nhưng thi sĩ không nổi vài ba. Bởi vậy tôi mới nói, thi sĩ- nhà tư tưởng phải bình đẳng trước nhà cầm quyền, không là “quân gia” của các nhà chính trị. Những quan niệm chính trị là thống soái, văn nghệ phải phục vụ chính trị được hiểu một cách thô thiển đã tạo ra vô vàn tác giả và tác phẩm “ăn theo, nói leo”. Thơ không nên chỉ lo phục vụ chính trị, mà phải “văn dĩ tải đạo”.

Nhập cuộc để thức tỉnh sự u mê và thúc giục nhà cầm quyền hành động cương quyết ủng hộ Đổi mới. Tôi cho rằng, văn chương phải trở thành lương tâm của xã hội. Một xã hội nhân đạo và cởi mở sẽ sản sinh ra những tư tưởng lành mạnh, hiện thực. Cách nay hơn 6 thế kỷ, Chu Văn An dâng bản sớ chém bảy tên lộng thần như một lời tuyên chiến, nhắc kẻ sĩ mọi thời: Không được sống vô can.

Tôi tự nghĩ chúng tôi công ít, tội nhiều. Nếu chính trị gia có mắc sai lầm, đó không chỉ lỗi của họ mà những lỗi đó một phần cũng bởi các nhà thơ, nhà văn đã trốn tránh sự thật, không dám nói, không dám can gián.

* Thưa nhà thơ, lâu nay chúng ta vẫn tự hào có một nền văn học, thi ca thời chiến rực rỡ? Có một thời những bài  văn, bài thơ đã tiếp thêm sức mạnh, thôi thúc một thế hệ cầm súng chiến đấu với quân thù.

- Với bài thơ Ai? Tôi! Chế Lan Viên - một thi tài trong nền văn học Việt Nam đã rất sòng phẳng với cuộc đời trước lúc đi xa. Tôi nhớ 4 câu vào bài: “Mậu Thân 2 nghìn người xuống đồng bằng, chỉ một đêm còn sống có ba mươi. Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2 nghìn người đó? Tôi - người làm những câu thơ cổ vũ. Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong...”. Tôi nghĩ, Chế Lan Viên cảnh báo chúng ta, những người cầm bút hãy nghiêm khắc phê và tự phê lại mình, người cầm bút mọi thời chịu trách nhiệm trước lịch sử dân tộc.

Tôi không quên, trong bài Muôn vàn tình thương yêu của Việt Phương, tác giả cho người đọc biết Bác Hồ “không cho gọi trận đánh chết nhiều người là trận đánh thắng đẹp...” chiến tranh không bao giờ là ngày hội! Và nhà thơ, nhà văn không bao giờ được “thi vị hóa” một cách “bốc đồng” nông nổi.

Chúng ta mới có thơ ca trống trận chứ chưa có thơ ca nói về nỗi đau của con người. Còn rất nhiều điều chúng ta vẫn nợ nhân gian. Tôi tin rằng bất cứ ai cũng hiểu, chiến tranh - dù bên nào thắng thì nhân dân hai bên cũng đều thua thiệt, đều mất mát khổ đau như nhau. Chiến thắng của bên này là khổ đau mất mát của người mẹ, người cha, người vợ và những đứa con của phía bên kia. Vậy hà cớ gì cổ súy chiến tranh. Thơ văn không thể cổ súy chiến tranh, mà phải ngăn chặn chiến tranh, cảnh báo cái xấu xa hủy hoại xã hội, con người.

Khi đọc bài thơ Pháo đài của thi hào Nguyễn Du viết ra khi nhận chức Cai bạ (tương đương với chức Tuần phủ) tỉnh Quảng Bình sau những năm dài Trịnh Nguyễn phân tranh, tôi đã giật mình về tư tưởng nhân văn trong câu thơ chữ Hán “Nhĩ lai bất quý sát nhân công” Dịch nghĩa ra là: “Từ nay việc chém giết người không còn khuyến khích”. Câu thơ viết bằng chữ Hán theo thể thơ cổ mà sao không cũ, vẫn hiện đại! Câu thơ như một tiếng reo vui của người trong cuộc, nói lên nguyện ước của dân chúng hai bờ sông Gianh phải chịu bao lầm than điêu đứng của chiến tranh. Tôi tin khi dịch bài thơ này của Nguyễn Du ra tiếng nước ngoài sẽ chinh phục được bạn đọc về tư tưởng hiện đại của nhà thơ Việt sống cách đây trên 200 năm, cảnh báo chiến tranh khiến con người không còn nhân tính.

* Thưa ông, gần đây người ta bàn nhiều về văn học hội nhập, quan điểm của nhà thơ về chuyện này?

- Nhà thơ Hải Như: Theo tôi về kinh tế thì Việt Nam đúng là cần phải đặt vấn đề hội nhập với thế giới, còn về văn học tôi cứ nghĩ không cần đặt vấn đề hội nhập. Văn học đích thực tự thân đã mang tính hội nhập, cũng như với chính trị thì cần định hướng nhưng văn học thì không. Bởi từ khi có văn học thì văn học đã mang tính định hướng rồi: chủ nghĩa nhân văn. Nói theo một nghĩa phổ biến, văn học là nhân học. Tôi nhớ trong sổ tay tôi có ghi một câu thơ cho chính mình: “Dưới vòm trời này đâu cũng một trái tim người”. Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương khi sáng tác cách nay hai thế kỷ chắc không đặt vấn đề “hội nhập” như một số nhà văn hôm nay.

Tôi còn nhớ, đầu những năm 2000 thơ Hồ Xuân Hương của Việt Nam đã được giới thiệu với bạn đọc Hoa Kỳ. Dịch giả là một nhà thơ có tiếng của Mỹ, giáo sư John Balaban đến từ đại học Carolina. Ông đã bỏ ra hàng chục năm sang Việt Nam đi sâu tìm hiểu văn học cổ dân tộc ta. Và ông đã phát hiện ra nữ sĩ Hồ Xuân Hương “có một không hai” trong vòm trời thơ nhân loại. Ông đã say sưa bỏ ra nhiều năm khảo sát và chuyển ngữ những bài thơ của bà chúa thơ nôm sang tiếng Anh.

Nhà báo Hàm Châu đã chứng kiến, chỉ trong vòng 8 tháng (10-2000 đến 6-2001), 20 nghìn bản Spring Essence the Poem of Ho Xuan Huong đã bán hết veo khiến nhiều nhà thơ Mỹ sửng sốt - thậm chí cả “ghen tị”. Nói như vậy để thấy, tác phẩm thơ, văn có chất lượng thì tự thân nó đã mang tính hội nhập rồi...

Một trăm năm sau

Như Tagor tôi trò chuyện với em - người bạn đọc
Một trăm năm sau khi tìm đọc thơ tôi
Nếu em thấy có những câu thơ chảy máu
Là bởi nhà thơ chan chứa yêu đời.

Thế kỷ ấy con người vui một niềm vui mới
Và có buồn chắc không phải nỗi-buồn-tôi
Ai cũng vui thấy người bên hơn mình cho mình vươn tới
Nước mắt còn nguyên đầy ắp nụ cười.

Tên của nhà thơ đặt cho những phi thuyền đẹp nhất
Và những khu vườn tình tự lứa đôi
Nhưng không phải ai cũng nhân danh nhà thơ em nhỉ
Tiêu chuẩn nhà thơ: Bênh vực con người…

HẢI NHƯ

H.N

;
.
.
.
.
.