.

Khuây khỏa tuổi già

.

Nghĩ cho cùng, người cao tuổi làm lụng không hẳn vì nhu cầu mưu sinh mà vì muốn đóng góp ít nhiều công sức cho gia đình, xã hội và nhất là được khuây khỏa tuổi già.

Ông Năm Chiêm còn phải cưu mang đứa con út bị nhiễm chất độc da cam.
Ông Năm Chiêm còn phải cưu mang đứa con út bị nhiễm chất độc da cam.

Dích dắc một lát qua các đường bê-tông, chị Nguyễn Thị Hạnh, phó trưởng thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, đưa chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Hữu Út, chị gọi là cậu Mười. Tôi chưa kịp xem qua hết những cây kiểng trong sân thì ông Mười Út vồn vã ra chào, dáng vẻ trẻ hơn so với tuổi 73 của ông.

Vừa đổ rổ bắp ra chỗ nắng, ông vừa kể, trước làm nghề lái xe khách, sau về làm ruộng. Sáng sáng cứ đài nói trên loa là ông vác cuốc ra đồng, đến khi nắng gắt là về. 10 giờ tắm rửa ăn uống, coi phim trên ti-vi, ngủ nghỉ. Đến tầm 2 giờ 30 – 3 giờ, trời mát lại ra đồng. Trước, ông ham việc làm luôn trưa ngoài 2 mẫu ruộng, chừ có tuổi rồi, giảm xuống còn hơn mẫu. Làm nhiều mấy đứa con không cho – ông nói. Với lại, mình nghĩ, lỡ có chi xảy ra hàng xóm lại cười, con cái mình đứa mô cũng khá giả mà để cha mẹ làm lụng suốt ngày...

Chị Hạnh bảo, cũng may là ông không bị huyết áp cao. Bốn năm trước, ông từng đi khám tổng quát, lòi ra huyết áp lên tới 170. Hoảng. Chừ thì xuống ổn định 140 rồi. Chắc là do mình vận động miết mà bệnh tật hắn tha – ông nói vui.

Năm nay được mùa, mấy ngày nữa là thu hoạch, 7 sào lúa xuyệc trúng to. Năm rồi chỉ riêng lúa, ông thu được 5 tấn vụ đông xuân, 3 tấn vụ hè thu, thêm 1 tấn nhận công trổ nước thủy nông. Ruộng vườn chỉ vợ chồng ông làm, con cái thì đứa nào có phần đứa nấy. Tuổi già không phải ai cũng được như ông: Ở quê đám tiệc, phải không liên tục mà chờ tiền con thì bao giờ cho đủ.

Chị Hạnh nói trong thôn có ông Lý Phước Chiêm, chị gọi là chú Năm, cũng “hay” lắm. Chúng tôi đến, ông đang “độ” cái xe rùa thành xe vận chuyển chậu kiểng. Ông đi bộ đội, bị thương tật 2/4, không đủ sức làm việc nặng. Một chậu kiểng ba người khiêng không nổi thì một mình ông làm sao di chuyển xuể. Làm xong cái xe này, ông dùng đòn bẫy bắn chậu lên xe rồi nhẹ nhàng chuyển tới chỗ khác.

Vợ chồng ông làm nông nuôi con ăn học. Hai đứa đang trong quân ngũ, một đứa có gia đình ra riêng; đứa út bị chất độc da cam, di chứng một thời cầm súng của vợ chồng ông. Ông vừa lắp chiếc bánh xe, vừa chuyện trò như nói với chính mình: Nhìn cách tui giao tiếp với mọi người (ông hiện là chi hội trưởng Người cao tuổi thôn Dương Sơn), ai cũng nghĩ cảnh nhà tui vui vẻ, chứ bên trong thì âm ỉ nỗi buồn. Tui làm việc, có khi lặt vặt thôi, để khuây khỏa nỗi buồn và có thêm thu nhập.

Khuây khỏa nỗi buồn và có thêm thu nhập cũng là chia sẻ của ông Trần Ngộ, bà con quen gọi là Bốn Ngộ, ở thôn Tân Ninh, xã Hòa Liên. Một thời ông làm đến 1,5 mẫu ruộng, nay chỉ còn 8 sào, nhưng giao bớt cho con, chỉ giữ lại 2 sào cho vừa sức. Hơn chục năm nay, ông “kiêm” luôn nghề làm rừng, ban đầu trồng bạch đàn, nhưng chu kỳ thu hoạch tới 5-6 năm, lâu quá, nên ông đổi qua trồng keo lá tràm, chỉ 3-4 năm là thu hoạch.

Làm rừng thong thả hơn làm nông, ông bảo, có trễ đôi ba ngày, thậm chí cả tuần cũng được. Chứ làm nông là nhiều lúc phải vắt giò lên cổ “chạy đua” với lịch nông vụ. Làm rừng, những việc nặng chủ yếu kêu nhân công. Những việc không cần kíp thì ông làm tành tành tới lúc nào xong thì thôi. “Nói chung, làm rừng cũng nhẹ nhàng, thích hợp với tuổi già, chứ nếu cực quá thì 8 đứa con tui mô có chịu cho tui làm”.

Ngoài ruộng, rừng, ông còn khu vườn nhà rộng 5 sào, trồng chuối, nuôi cá, trồng các loại rau củ quả. Thu hoạch tổng cộng được mấy chục triệu, thấy con cái đứa nào khó khăn là cho mượn. Cho mượn là nói vậy thôi, ông bảo, chứ có hồi mô mình đòi. Nếu nói cho thì tụi nó ỷ lại.

Những người già ham làm, nói như ông Mười Út, bằng lòng với cảnh nhà lại được trời thương nên ít khi bệnh tật. Tất nhiên, đau đầu sổ mũi là chuyện thường.

Huyện Hòa Vang hiện có 14.270 người cao tuổi, trong đó có 11.011 người từ 60 tuổi đến 79 tuổi – độ tuổi còn sức lực để xuống đồng hoặc ra vườn. Nói chuyện xuống đồng, ông Lê Nguyễn Dũng, Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi huyện Hòa Vang, hóm hỉnh: Toàn thấy người cao tuổi xuống ruộng già, chứ thanh niên thì bỏ đi làm các khu công nghiệp trẻ hết.

Nghe ông Dũng kể, chợt nhớ xóm tôi, tổ 45 phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ,  có một bà 85 tuổi, sáng sớm quảy đôi gánh xuống chợ Đầu mối Hòa Cường mua rau hành về bán lại cho bà con trong xóm. Nghề này theo bà từ hồi còn con gái, nuôi đứa con trai độc nhất cho tới khi nó có gia đình. Chừ nó làm công nhân, còn bà thì vẫn chưa chịu rời quang gánh.

Ở quê, những người lứa tuổi đó ra đồng làm ruộng là chuyện bình thường, nhưng ở phố mà còn chạy chợ như bà thì quả là chuyện lạ. Bà con hàng xóm đã nhiều lần khuyên bà nghỉ ngơi cho khỏe. Bà cứ lần khần mãi. Có lẽ đó là cái nghề làm bà khuây khỏa tuổi già chăng?

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.