.

Nghĩ về người già Việt thời công nghiệp hóa

.

1. Người già thời nào cũng có, và thời nào người ta cũng cố tìm cách giải quyết những vấn đề mang tính thế hệ của các bậc cao niên. Người ta rất quan tâm đến mối quan hệ xã hội của người già, chẳng hạn thời xưa người ta khuyên người già nên lão giả an chi - tức là an phận tuổi già không để ý đến việc đời nữa, ngược lại thời nay người ta ra sức khuyến khích người già tiếp tục sống hữu ích, không ngừng đóng góp cho cộng đồng.

Nguồn thu nhập của người già cũng luôn được đặt ra: lương hưu là cách xã hội lo giữ ngày giữ bữa cho người lao động để khi về già không còn đủ sức làm việc như thời trai trẻ vẫn có thể sống được bằng một khoản tiền lương hằng tháng; rồi bản thân người già cũng đã tự mình lo tích lũy ít nhiều ngay từ khi còn trẻ - và với nhiều người thì của để dành đáng giá nhất, ăn chắc nhất vẫn là con cái thành đạt (cho nên không ít người chấp nhận đầu tư cho tương lai, sẵn sàng hy sinh đời bố củng cố đời con). Đặc biệt người ta hết sức chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe cho người già - cả về sinh lý lẫn tâm lý vốn rất dễ bị tổn thương.

2. Người cao tuổi rất dễ bị tổn thương về sinh lý - bao nhiêu là nguy cơ về bệnh tật đang chờ chực làm khổ họ, lại càng dễ bị tổn thương về tâm lý, rõ nhất là thường xuyên phải đối mặt với hội chứng cô đơn. Người trẻ ở phương Tây có xu hướng tự lập sớm, thường sống xa cha mẹ ngay khi vừa đến tuổi trưởng thành, nên người già Tây phương có vẻ dễ thích nghi với cảnh sống cô độc tĩnh lặng hơn người già Đông phương, và không phải ngẫu nhiên mà người già Đông phương nói chung, người già Việt nói riêng hay xem trọng việc sinh con nối dõi tông đường - tức có người phụng dưỡng cha mẹ ông bà lúc tuổi già và thờ cúng ông bà cha mẹ trong mai hậu.

Tất nhiên cô đơn khác với cô độc bởi con người có thể cảm thấy rất cô đơn và thậm chí càng cảm thấy cô đơn hơn ở chỗ… đông người. Cho nên những trại dưỡng lão chỉ giúp người già cảm thấy bớt cô độc chứ chưa chắc đã giúp được họ vơi bớt nỗi cô đơn, và những người già có đông con cháu chưa chắc đã ít cô đơn hơn những người hiếm con muộn cháu cùng cảnh ngộ. Và cũng chính vì luôn cảm thấy cô đơn nên người già thường có tâm lý hoài cổ, thích ngoái nhìn về quá khứ xa xưa.

3. Số người già bất hạnh phải sống lang thang cơ nhỡ tứ cố vô thân đói cơm lạt muối vẫn còn không ít và không phải ai cũng có điều kiện để được cộng đồng giúp đỡ cưu mang, nhưng đối với số đông người già Việt ngày nay thì không chỉ được ăn no mặc ấm mà còn được ăn ngon mặc đẹp, trước hết là những người già có của để dành đáng giá nhất, ăn chắc nhất vừa đề cập trên kia. Nhờ những thành tựu về bệnh học tuổi già ngày càng phong phú và không ngừng phát triển nên người già Việt thời công nghiệp hóa sống thọ hơn người già các thời trước, và mặc dầu bài thuốc cải lão hoàn đồng trong cổ tích vẫn đương còn là một ước mơ nhưng ngày càng có nhiều người già Việt đầy phong độ - kể cả trong đời sống tính dục, chỉ riêng căn bệnh cô đơn của người già Việt thời công nghiệp hóa thì cơ hồ vẫn chưa có thuốc chữa và dường như còn trầm trọng hơn xưa.

Công nghiệp hóa thường đi liền với đô thị hóa, cho nên nhiều người già Việt vốn là lão nông tri điền nay đang trở thành thị dân sống cùng con cháu giữa phố phường chật hẹp người đông đúc (thơ Tú Xương). Con người đô thị nói chung sống chen chúc nhưng xa cách. Nhiều ngôi nhà đô thị kín cổng cao tường khiến con người sống ở đó vừa có cảm giác yên tâm không bị ai quấy nhiễu lại vừa như đang tự giam mình trong nỗi cô đơn. Đó là chưa kể trong bối cảnh đạo đức xã hội có phần suy thoái như hiện nay, tuy chưa phổ biến nhưng không còn cá biệt những trường hợp người già bị chính con cái mình bạc đãi khiến phải chịu cảnh cô đơn ngay giữa căn nhà từ lâu đã không còn là tổ ấm, thậm chí ngược đãi đẩy ra đầu đường xó chợ hết sức đau lòng.

4. Người già không có việc làm ngay từ khi chưa già và người đã già thậm chí rất già vẫn phải làm nhiều việc lam lũ nhọc nhằn hơn hồi còn trẻ, đó chính là vấn đề nổi cộm của người già Việt thời công nghiệp hóa. Như đã nói trên, công nghiệp hóa thường đi liền với đô thị hóa và hệ quả là không ít người già ở nông thôn buộc phải thoát ly nghề nông ngay từ khi chưa già. Cũng có người có năng lực thích nghi cao để có thể chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp nhưng không phải ai cũng được như vậy, nhất là với những người ly nông bất ly hương vẫn tiếp tục trụ lại ở làng quê.

Đáng nói hơn là người đã già thậm chí rất già vẫn phải nai lưng làm nhiều việc lam lũ nhọc nhằn hơn hồi còn trẻ để mưu sinh kiếm sống không chỉ để nuôi mình mà còn để nuôi người thân - có thể là người bạn đời không còn khả năng lao động lại thường xuyên đau ốm, cũng có thể là người con đáng thương phải chịu cảnh tật nguyền từ bé… Mặc dầu, thời nào mà chẳng có những cảnh ngộ tương tự, nhưng thời công nghiệp hóa với khoảng cách giàu - nghèo ngày càng doãng ra, càng làm cảnh ngộ thương tâm ấy nổi bật trên cận cảnh đời sống xã hội.
5. Khó có ai vượt qua được sự nghiệt ngã của thời gian. Người cao tuổi thường không giữ được độ minh mẫn và tinh tường như xưa. Cũng có không ít người già thỉnh thoảng được những người trẻ đồng thanh khen rằng cụ cao tuổi thế mà suy nghĩ hãy còn sáng suốt quá, nói năng hãy còn mạch lạc quá… Lời khen ấy có thể thực sự chân thành nhưng cần thấy một sự khác biệt: Cái sáng suốt và mạch lạc ở đây chỉ là sáng suốt và mạch lạc hơn so với những gì mà người trẻ hình dung về cách suy nghĩ và nói năng của người cao tuổi, chứ làm sao mà sáng suốt và mạch lạc hơn so với chính người già hồi còn trẻ và nhất là so với người đương còn trẻ còn sung sức trong một thế giới đang bùng nổ thông tin thời công nghiệp hóa. Đương nhiên cũng có một số người già được xem là gừng càng già càng cay, năm tháng trôi qua vẫn chưa làm họ giảm đi sự sắc sảo và năng động về tư duy, và so với nhiều người đương còn trẻ thì họ vẫn vượt trội cả về tầm nhìn lẫn cách nghĩ; chỉ có điều những người già như vậy vốn xưa nay hiếm - cổ lai hy…  

Bùi Văn Tiếng

;
.
.
.
.
.