.

Trong trái tim người Đà Nẵng

.

Những người Đà Nẵng sinh ra và lớn lên dưới thời Pháp thuộc vẫn còn nhiều, trong đó có không ít người từng tham gia cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp 1945-1954 và một số người được trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Với họ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xứng đáng là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam, là người có tài thao lược đã đánh thắng tướng Pháp De Castries - đánh thắng một cách ngoạn mục đến mức khi bị bắt và bị hỏi cung, tướng De Castries phải thừa nhận rằng: “Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp”, và quan trọng hơn là người có đủ bản lĩnh của một tư lệnh chiến trường để có thể chỉ vài giờ trước khi nổ súng theo kế hoạch “Đánh nhanh thắng nhanh” của cố vấn Trung Quốc, đã quyết định chuyển sang kế hoạch “Đánh chắc thắng chắc”- một quyết định sáng suốt góp phần đáng kể vào chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu” (Ta đi tới - thơ Tố Hữu) vào tháng 5 năm 1954.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đơn vị bộ đội, năm 1957. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đơn vị bộ đội, năm 1957. Ảnh tư liệu

Những người Đà Nẵng thuộc các thế hệ sinh ra và lớn lên sau chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu” tháng 5 năm 1954 ấy thì qua báo chí sách vở trong và ngoài nhà trường, đã tiếp cận Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một danh nhân lịch sử, một anh hùng dân tộc. Trong dòng chảy của tư duy viết sử thiên về các trận đánh và các chiến công, danh nhân lịch sử/anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp hiện lên trong tâm tưởng người Đà Nẵng tuổi trên dưới sáu mươi như một huyền thoại, đúng hơn là một hình mẫu anh hùng của thời đại mới.

Với họ, Võ Nguyên Giáp là người văn võ song toàn, vừa là một tướng lĩnh dày dạn trận mạc vừa là một trí thức/một nhà văn hóa uyên thâm. Với họ, tướng Giáp là người luôn biết chỉ huy đánh giặc bằng cái đầu, không chỉ qua quyết định chuyển từ “đánh nhanh” sang “đánh chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 như nêu trên, mà còn qua quyết định chuyển mục tiêu tấn công từ Cao Bằng sang Đông Khê trong Chiến dịch Biên Giới 1950 và qua không ít lựa chọn đầy mưu lược khác trong cuộc đời làm tướng của mình.

Với giới sử học thành phố Đà Nẵng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một danh nhân lịch sử, một người làm nên lịch sử thời hiện đại của nước nhà mà còn là một người giảng dạy và nghiên cứu lịch sử nổi tiếng - nhà sử học Dương Trung Quốc từng khẳng định: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà sử học lớn nhất trong những nhà sử học”. Năm 1939, Võ Nguyên Giáp trở thành một giáo sư dạy sử ở trường tư thục Thăng Long Hà Nội. Trên bục giảng, thầy giáo Võ Nguyên Giáp không chỉ truyền thụ cho học trò mình kiến thức về lịch sử mà còn nhen nhóm thậm chí thổi bùng trong lòng họ ngọn lửa của lòng yêu nước, nhắc họ nhớ thậm chí thấm thía nỗi nhục của thân phận người dân thuộc địa và quan trọng hơn là còn - thông qua bài giảng sinh động về cuộc Cách mạng 1789 của chính nước Pháp - gợi ý để họ cảm nhận thậm chí có thể háo hức hình dung một cuộc cách mạng đang đến rất gần có khả năng làm thay đổi vận mệnh của Tổ quốc cũng như số phận của hàng triệu đồng bào.

Thầy giáo Võ Nguyên Giáp còn chú trọng đến phương pháp dạy-học lịch sử gắn bài giảng với thực địa, chẳng hạn đã đưa học sinh đến cửa Bắc trước vết đạn pháo của thực dân Pháp bắn vào thành Hà Nội để kể về sự kiện Tổng đốc Hoàng Diệu chỉ huy giữ thành và hy sinh vì đại nghĩa như thế nào… Và có lẽ thời gian làm thầy giáo dạy sử cũng là thời gian vị Tổng Tư lệnh trong nhiều thập niên của Quân đội Nhân dân Việt Nam tự mình tích lũy cả binh pháp lẫn kiếm thuật đủ để đương đầu và vượt qua các tướng lĩnh xuất thân từ những trường võ bị lừng danh thế giới.

Điều quan trọng nhất của một nhà sử học là phải có nhãn quan lịch sử đúng đắn. Giới sử học thành phố Đà Nẵng không chỉ đánh giá cao nhãn quan lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư cách là tác giả của hàng loạt cuốn sách lịch sử quân sự rất có giá trị như Từ nhân dân mà ra (1964), Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử (1964), Những năm tháng không thể nào quên (1970), Chiến đấu giữa vòng vây (1995), Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (1979), Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng (2000)... mà còn hết sức thú vị trước cách Đại tướng thể hiện nhãn quan lịch sử của mình đối với nghệ thuật tuồng.

Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng Nguyễn Đình An trong một hồi ức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đăng Báo Đà Nẵng hồi đầu tuần này đã nhắc lại cuộc trò chuyện giữa Đại tướng với các nghệ sĩ tuồng Quảng Nam-Đà Nẵng, trong đó có những nghệ sĩ tài năng như Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Thị Liễu và Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Phẩm, về việc làm thế nào để cải tiến nghệ thuật tuồng cho phù hợp với thời đại mới. Trong không khí trao đổi học thuật đầm ấm và thân tình, Đại tướng trả lời rất “sử học” rằng: “Chúng ta và cả thế giới đâu có yêu cầu cải tiến nhạc Mozart, nhạc Beethoven. Các đồng chí nói tuồng là loại hình nghệ thuật bác học đạt đến đỉnh cao, đến trình độ cổ điển, vậy có nên, có cần cải tiến hay không?”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung đoàn trưởng Thái Dũng (hàng dưới, bên trái) và Tiểu đoàn trưởng Dũng Mã (phải) nghiên cứu sơ đồ tác chiến chiến dịch Biên giới 1950.  Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung đoàn trưởng Thái Dũng (hàng dưới, bên trái) và Tiểu đoàn trưởng Dũng Mã (phải) nghiên cứu sơ đồ tác chiến chiến dịch Biên giới 1950. Ảnh tư liệu

Giới sử học thành phố Đà Nẵng ghi nhận rằng ngay từ lúc còn là học sinh trung học, Võ Nguyên Giáp đã rất ngưỡng mộ tấm gương yêu nước của cụ Phan Châu Trinh. Năm 1927, sau khi bị chính quyền thực dân đuổi khỏi Trường Quốc học Huế vì tham gia hoạt động cách mạng, Võ Nguyên Giáp từng đến viếng nhà thờ cụ Phan vừa mới được lập ở Đà Nẵng. Đặc biệt, giới sử học thành phố Đà Nẵng vẫn nhớ mãi sự có mặt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tại hội thảo khoa học về Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng do Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 9-1992, lúc Đại tướng vừa qua tuổi 80.

Hồi tưởng lại cuộc hội thảo này, nhà sử học Dương Trung Quốc có lần nhắc đến hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp do không quen nghe giọng Quảng Nam nên từ trên Đoàn Chủ tịch phải xuống bắc ghế ngồi sát cạnh nhà văn Nguyễn Văn Xuân đang đứng tại chỗ phát biểu để nghe cho rõ từng ý kiến của nhà Quảng Nam học nổi tiếng là “hay cãi” này. Có thể nói với tư cách là nhà sử học, Đại tướng rất quan tâm đến những đánh giá mới mẻ so với nhận thức đương thời về Phan Châu Trinh, về Huỳnh Thúc Kháng.

Khi ra sân bay Đà Nẵng để trở ra Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn hỏi Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng Nguyễn Đình An: “Này cậu, bài phát biểu về Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng cậu đọc tối hôm qua là do ai viết?” và khi biết chính Nguyễn Đình An tự chuẩn bị cho bài phát biểu của mình, Đại tướng cười và bảo: “Thế là tốt!”. Và mấy năm sau ngày Hội thảo kết thúc, Đại tướng còn nhờ Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Được cho người tìm trong kho tư liệu của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng đoạn phim ghi hình và ghi âm những lời phát biểu của Đại tướng tại Hội thảo này…

Trong một tương lai rất gần, chắc hẳn người Đà Nẵng sẽ chọn một con đường nào đó để đặt tên Võ Nguyên Giáp nhằm tôn vinh một danh nhân lịch sử, một anh hùng dân tộc, một thiên tài quân sự vừa vĩnh biệt chúng ta để về với cõi vô cùng hồi 18 giờ 9 phút ngày 4-10-2013 nhằm ngày 30-8 năm Quý Tỵ. Nhưng có lẽ sự tôn vinh thành kính và dài lâu nhất đối với người quá cố vẫn là hình ảnh của một Võ Nguyên Giáp luôn trường sinh trong trái tim mỗi người Đà Nẵng.

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.